Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 12 năm 2015 | 1:39

Tiếp bài “BIDV Nam định: Hồ sơ giao nhận tài sản “vênh” nhau”: Có thể khởi kiện ra tòa

Báo Kinh tế nông thôn đã có bài “BIDV Nam Định: Hồ sơ giao nhận tài sản “vênh”nhau”, phản ánh việc Phòng giao dịch Hòa Xá, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Nam Định trả tài sản thế chấp không đúng quy định, khiến gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở xã Mỹ Xá (TP.Nam Định) có nguy cơ mất  tài sản vào tay người khác.

Trao đổi về vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, gia đình bà Liên có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền

>> BIDV Nam Định: Hồ sơ giao nhận tài sản “vênh” nhau?

Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố của Phòng giao dịch Hòa Xá trả tài sản cho khách hàng không có dấu, chỉ có bà Liên là bên nhận.

Ngày 21/1/2009, vợ chồng bà Liên bận việc làm ăn nên đã ký khống vào các giấy tờ thủ tục để vay 500 triệu đồng từ Phòng giao dịch BIDV Hòa Xá, thời hạn vay một năm. Sau khi ký, bà Liên đã đưa toàn bộ hồ sơ gồm 2 sổ đỏ và đăng ký xe ô tô cho bạn là bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Nam Phong để hoàn thiện thủ tục và nhận tiền từ Phòng giao dịch. Ngân hàng giải ngân làm 2 đợt, đợt 1: 300 triệu đồng (21/1/2009); đợt 2: 200 triệu đồng (13/4/2009). Khi vay tiền, vợ chồng bà Liên đều ký nhận.

Tuy nhiên, ngày 23/9/2009, bà Tâm đã nộp tiền vào ngân hàng để rút tài sản của bà Liên (gồm 2 sổ đỏ và đăng ký xe ô tô). 

Thực tế là ngày 23/9/2009, vợ chồng bà Liên đều đang chạy xe đường dài, không đến ngân hàng  làm thủ tục rút tài sản thế chấp. Khi bà Liên biết sự việc thì ngân hàng đã làm Biên bản trả lại tài sản cho bà, nhưng mới trả đăng ký xe ô tô, còn 2 sổ đỏ thì chưa giao.

Đầu năm 2015, bà Liên làm đơn gửi Báo Kinh tế nông thôn yêu cầu làm rõ sự việc. Sau khi làm việc với báo, bà Liên mới biết có 2 biên bản bàn giao tài sản “vênh” nhau và có ai đó đã làm đơn thay vợ chồng bà đi nhận tài sản. Vì vậy, vợ chồng bà Liên tiếp tục làm đơn gửi Công an Nam Định và Báo Kinh tế nông thôn đề nghị làm rõ những khuất tất này.

Để rộng đường dư luận, phóng viên có buổi làm việc với ông  Nghĩa, cán bộ BIDV Việt Nam. Sau đó, ông Nghĩa e-mail cho chúng tôi Biên bản trả lại tài sản do Phó giám đốc BIDV Nam Định Phạm Thanh Hương ký, đóng dấu, đơn xin rút tài sản của bà Liên và khẳng định ngân hàng đã làm đúng.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm. Ảnh: Duy Phong

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Nguyễn Văn Kiệm, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết:  “Căn cứ hồ sơ các bên đã cung cấp và  tình tiết sự việc Báo Kinh tế nông thôn đã đăng, thấy có dấu hiệu bất thường. Cụ thể: có 2 biên bản do 2 người cùng ký trong một thời gian ở 2 đơn vị khác nhau cho 1 khách hàng và 1 loại tài sản, song đến nay BIDV Việt Nam vẫn chưa giải trình được.  Ngoài ra, bà Liên khẳng định thời gian giao nhận tài sản vợ chồng bà không có mặt tại địa phương”. 

Cũng theo ông Kiệm thì, để làm rõ sự việc này, BIDV Việt Nam phải cho kiểm tra, thanh tra để làm rõ trách nhiệm các bên. Mặt khác, vợ chồng bà Liên có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Dương An Như

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top