Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 4 năm 2015 | 2:18

Tiếp bài “Cấp GCNQSDĐ tại Bắc Từ Liêm": Đề nghị giải quyết dứt điểm sự việc!

Theo Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh, nguyện vọng xin cấp sổ đỏ của gia đình ông Lê Như Sắc và các hộ liên quan là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vậy, đề nghị cơ quan chức năng Bắc Từ Liêm sớm xử lí dứt điểm sự việc, tránh khiếu kiện kéo dài.

Cấp GCNQSDĐ tại quận Bắc Từ Liêm: Phường trình kí, quận “lắc đầu”?

Liên quan đến việc xin cấp GCNQSDĐ của gia đình ông Lê Như Sắc (SN 1962) ở tổ dân phố Hoàng Xá, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh.

Chính quyền xã Liên Mạc cho rằng, việc thỏa theo nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng. Qua đó, 12/8/2013 UBND xã Liên Mạc có tờ trình về việc, đề nghị cấp GCNQSDĐ khu dân cư nông thôn năm 2013 cho 11 trường hợp, trong đó có gia đình ông Sắc, ông Yên và 3 người đã mua bán trên mảnh đất này. Văn bản nêu: sau khi nhận được hồ sơ kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ của các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại xã, UBND xã Liên Mạc đã họp hội đồng xét cấp GCN xét duyệt hồ sơ theo quy định tại QĐ 13/2013-UBND ngày 24/4/2013 của UBND thành phố Hà Nội. Kết quả 11 trường hợp đủ điều kiện đề nghị UBND huyện cấp sổ đỏ, gồm ông Sắc thửa số 11, diện tích 629,8m2; Lê Như Yên, 518,3m2; Ninh Thị Ngọc 193,2m2; Nguyễn Thế Hằng 195,5m2; Nguyễn Thị Hồng 117m2…

Tuy nhiên, UBND quận Bắc Từ Liêm lại cho rằng: đề nghị cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác trên đất của các thửa đất nêu trên với loại đất ở là không có cơ sở, vì vị trí các thửa đất trên không phù hợp với quy hoạch đất ở.

Gia đình ông Sắc nhiều năm mòn mỏi xin được cấp sổ đỏ

Quan điểm về vụ việc, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh khẳng định: Xét về nguồn gốc sử dụng đất thì cả hai anh em ông Lê Như Sắc, ông Lê Như Yên và những người liên quan, có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp này là đối tượng sử dụng đất có cơ sở, căn cứ sử dụng hợp pháp, ổn định trên cơ sở là đất ông cha để lại (đất được sử dụng truyền từ đời cụ Lê Như Hỷ (ông nội) sau đó là ông Lê Như Ba (bố đẻ) từ trước những năm 1980. 

Qua các thời kỳ sử dụng và biến động về diện tích đã bị thay đổi, quá trình đô thị hóa và chính sách về đất đai cũng đã có nhiều thay đổi trong khi người sử dụng đất chưa được cấp GCN đã làm hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người sử dụng đất dẫn đến công dân phải khiếu kiện, khiếu nại  kéo dài, với một hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà phải giải quyết trong nhiều năm từ khi UBND huyện Từ Liêm đến nay là UBND quận Bắc Từ Liêm chưa thể giải quyết dứt điểm thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm của những cán bộ, phòng ban chuyên môn phụ trách và tham mưu trong trường hợp cụ thể này. 

Đối với việc xác định căn cứ cơ sở áp dụng văn bản pháp luật về đất đai trong trường hợp này, tôi cho rằng phải căn cứ, vận dụng Luật đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bởi vì vụ việc đã được ông Lê Như Sắc đề nghị, khiếu nại từ năm 2009, khi mà Luật đất đai 2013 cũng như tất cả các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa có hiệu lực.

Ông Lê Như Sắc và những người liên quan đã nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên các thửa đất đã được đăng ký tại sổ mục kê năm 1978 mặc dù đến nay có sự thay đổi về số thửa, diện tích tuy nhiên đây là một trong những căn cứ, cơ sở để xác định đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp đã được sử dụng trước ngày 18 tháng 12 năm 1980, như vậy cơ quan chức năng cần xem xét căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 50 và khoản 1, khoản 2 Điều 87 Luật đất đai 2003 để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở mới thỏa đáng. Còn việc cơ quan có thẩm quyền quận Bắc Từ Liêm cho rằng cần áp dụng các văn bản là Quyết định của UBND thành phố Hà Nội năm 2013 và 2014 trong khi Luật năm 2003 và các Nghị Định hướng dẫn thi hành vẫn đang áp dụng, cũng như những yêu cầu, đề nghị của ông Lê Như Sắc đã được phát sinh từ năm 2009 là chưa sát với thực tế áp dụng xử lý về đất đai.

Do không được cấp sổ đỏ nên căn nhà ông Sắc không thể sửa sang

“Điều 87. Xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao

1. Đất vườn, ao được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư.

2. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này thì diện tích đất vườn, ao đó được xác định là đất ở.”

Những văn bản mới ban hành, tôi cho rằng chỉ có thể được xem xét dưới dạng tham khảo trong trường hợp này để khẳng định sự phù hợp về tình hình, thực trạng sử dụng đất, nếu đề nghị của ông Lê Như Sắc không vi phạm quy hoạch mà thực tế là phù hợp quy hoạch về khu dân cư nông thôn, mục đích sử dụng đất ở phù hợp thì cũng cần thiết xem xét. 

Sau khi xác định rõ căn cứ pháp luật áp dụng đặc biệt khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành Luật Đất đai; Mục I. Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai và Thông tư số: 06/2007/TT-BTNMT Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số  84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ.

Như vậy, thửa đất ông Lê Như Sắc, ông Lê Như Yên và những người liên quan (đã nhận chuyển nhượng) có nằm trong quy hoạch điểm dân cư, nguồn gốc sử dụng rõ ràng, không lấn chiếm, vi phạm quy hoạch mà đề nghị, yêu cầu cấp giấy chứng nhận phù hợp với quy định của pháp luật thì hoàn toàn có thể xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng tránh trường hợp khiếu kiện kéo dài – LS Diện khẳng định.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top