Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 12 năm 2016 | 4:31

Tiếp bài “Đội vốn “khủng”, phù điêu Quảng trường Thái Nguyên chưa thể thi công”: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, theo kế hoạch ban đầu, dự án đầu tư xây dựng công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp tại TP.Thái Nguyên (Thái Nguyên) sẽ hoàn thành vào tháng 8/2016. Tuy nhiên, do đơn vị chịu trách nhiệm nội dung bức phù điêu tại quảng trường là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên “phối hợp” với nhà thầu nâng diện tích, chiều cao phù điêu - đồng nghĩa nâng tổng mức đầu tư lên gần gấp đôi - khiến dự án phải dừng thi công, và chưa biết đến bao giờ mới tiếp tục.

>> Đội vốn “khủng”, phù điêu quảng trường Thái Nguyên chưa thể thi công

Nhiều ý kiến cho rằng, bức phù điêu quá cao so với kiến trúc cảnh quan tại quảng trường Võ Nguyên Giáp - TP .Thái Nguyên.     

Điều đáng nói là, về kích cỡ bức phù điêu nói trên đã được Hội đồng nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tuyển chọn và quyết định thông qua thi tuyển kiến trúc. Sau đó, bằng các quyết định phê duyệt số 2386/QĐ-UBND ngày 24/10/2014, số 3093/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 và số 1785/QĐ-UBND ngày 21/7/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên, kích thước của phù điêu đều được ấn định “nền phù điêu diện tích khoảng 600m2 x2=1.200m2, có độ giật cấp 0,3m x 0,6m và 0,9m, xây tường phù điêu kích thước 1,5m (rộng) x 35,2m (dài), cao từ 6,2m đến 8,6m”.

Thế nhưng, sau khi phần bê tông của bức phù điêu đang được thi công thì buộc phải dừng bởi đề nghị từ phía nhà thầu và chủ đầu tư với lý do thay đổi kích cỡ, chất liệu xây dựng bức phù điêu tại quảng trường này với chiều dài  36m và chiều cao hơn 12m.

Ngay lập tức nhiều ý kiến phản biện đã được đưa ra cho rằng, kích thước đề xuất lớn so với quy mô chung của quảng trường, khó đảm bảo tính thẩm mỹ. Cũng có ý kiến  cho rằng: Sở dĩ có việc cố tình thay đổi chiều cao, kích thước của phù điêu là nhằm “đội” giá thành cho công trình này lên gấp đôi, theo dự kiến vào khoảng 80 tỷ đồng.

Quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Thái Nguyên.

Trước sức ép từ dư luận về sự bất hợp lý do tăng kích cỡ, tăng vốn đầu tư phù điêu quảng trường, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo cần phải lấy ý kiến đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà chuyên môn, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về phác thảo phù điêu để hoàn thiện bổ sung phác thảo trước khi thi công công trình “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”, từ ngày 19/12/2016 đến 5/1/2017.

Tuy nhiên, nhìn vào phiếu trưng cầu ý kiến, nhiều người cho rằng, cách làm này chỉ mang tính hình thức khi mà chính chủ đầu tư công trình - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên - là đơn vị đưa ra phiếu, cũng là đơn vị trực tiếp giới thiệu, thuyết minh về hình thức và nội dung nghệ thuật của phác thảo bức phù điêu và cũng là đơn vị thu hồi, tổng hợp, phân loại phiếu.

Nhiều ý kiến cho rằng, “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy, dù Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên có rất công tâm cũng không thể không khiến dư luận nghi ngờ về sự thiếu minh bạch và cho ra một “kết quả như ý muốn”.

Chủ đầu tư phát phiếu cũng là đơn vị thu phiếu sao tránh khỏi khuất tất?

Dẫn chứng về việc khuất tất trong lấy phiếu, kiểm phiếu, nhiều người còn nhắc lại câu chuyện đã từng xảy ra tại Đại hội Công đoàn ngành xây dựng Thái Nguyên cách đây chưa lâu, sau đó cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ và yêu cầu thực hiện Đại hội lại.

Trong khi đó, cũng nhiều người nhắc lại nghi án “rút ruột” tượng đồng tại khu di tích ATK Định Hóa được cho là có sự “nhúng tay” của một số cán bộ thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cách đây vài năm.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đình Tùng

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top