Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 29 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 5 năm 2016 | 8:55

Tiếp bài “Đông Hội: Buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho sai phạm?”: Nhập nhèm tiền xây dựng

Những năm 1996-1997, thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội (Đông Anh - Hà Nội) có chủ trương làm lại toàn bộ hệ thống đường dân sinh, xây dựng môi trường trong sạch trong khu dân cư… Tuy nhiên, khi triển khai, một số cán bộ thôn đã lợi dụng để làm ăn bất chính, nâng khống giá trị xây dựng, viện cớ dân không trả tiền thi công nên đã tự ý “cắt đất để trả nợ” bằng một hợp đồng đổi đất vi phạm pháp luật.

>> Đông Hội: Buông lỏng quản lý đất đai hay tiếp tay cho sai phạm?

>> “Ba đời” trưởng thôn giao đất trái thẩm quyền, chiếm dụng đất công

 
Khu đất nhà ông Nguyễn Văn Thư lấn chiếm hiện đã xây một căn nhà cấp 4 kiên cố lợp mái tôn công nghiệp có diện tích khoảng 100m2.

Cán bộ thôn làm ăn khuất tất

Để có kinh phí xây dựng hệ thống đường dân sinh, một số cán bộ thôn Đông Ngàn đã họp và thống nhất nguồn kinh phí được thu của các hộ gia đình trong thôn đã lấn chiếm đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP. Theo đó, số tiền các gia đình phải nộp từ 100.000 - 200.000 đồng/m2 cho từng khu vực (mức thu đã được thống nhất trong hội nghị nhân dân của thôn năm 1995).

Tổng số tiền thu của dân để làm đường dân sinh bằng việc hợp thức hóa đất nông nghiệp theo Nghị định 64 cho các hộ gia đình là 205.600.000 đồng, chi phí làm đường dân sinh hết 191.299.040 đồng, như vậy còn thừa 14.300.960 đồng. Việc thi công làm đường dân sinh được thôn Đông Ngàn giao cho ông Nguyễn Thường Thanh thực hiện. Đất đã bán, tiền đã thu, nhưng trong quá trình làm đường, ông Thanh không hề có bất cứ hồ sơ hay tài liệu, sổ sách nào liên quan đến việc xây dựng để công khai trước nhân dân?

Chỉ đến khi hoàn thành công trình, các ông Nguyễn Đức Lực (Trưởng thôn năm 1996-1997, sau làm Bí thư Chi bộ), Phạm Văn Thắng là trưởng thôn kế nhiệm cùng ông Nguyễn Thường Thanh quyết toán với nhau, nâng khống giá trị hoàn công, sau đó ông Thanh buộc chính quyền và nhân dân phải trả nợ tiền làm đường còn thiếu bằng 4.000m2 đất cho mình(?!). Việc làm này đã gây bức xúc trong dư luận. Người dân phản ánh: “Chúng tôi không hề nợ tiền xây dựng làm đường dân sinh của ông Thanh, tại sao ông ấy lại bắt chúng tôi và chính quyền phải trả nợ bằng đất? Nếu có nợ, tại sao ông Thanh không cung cấp chứng từ, hóa đơn liên quan đến việc làm đường?”.

Năm 2003, thôn Đông Ngàn tiếp tục hoàn thiện đường dân sinh còn lại, nhưng các ông Phạm Văn Thắng, Phạm Trung Hy là trưởng thôn qua các thời kỳ cũng không hề có sổ sách thu - chi rõ ràng? Giống như đời trưởng thôn Nguyễn Đức Lực, hai ông Phạm Văn Thắng và Phạm Trung Hy đã bán hơn 1.500m2 đất canh tác, 420m2 đất giao theo Nghị định 64 và hơn 500m2 đất xen kẹt trong dân. Toàn bộ số tiền bán đất này không được ông Thắng và ông Hy báo cáo công khai.

Hàng ngàn mét vuông đất ở khu vực sân bóng thôn Đông Ngàn bị ông Nguyễn Thường Thanh lấn chiếm.

Gỗ táu “biến” thành gỗ lim

Năm 2003, chính quyền và nhân dân thôn Đông Ngàn quyết định đóng góp để xây lại ngôi đình có lịch sử hàng trăm năm tuổi (đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp). Cũng bằng những chiêu bài như việc xây dựng đường dân sinh trước đây, ông Phạm Trung Hy đã đi vào “vết xe đổ” của các cán bộ thôn đi trước, lại huy động nguồn kinh phí đóng góp của dân, đồng thời tiếp tục bán đất để làm đình. Ông Nguyễn Thường Thanh được “tín nhiệm” chọn làm nhà thầu thi công.

Theo phản ánh của người dân, quá trình xây dựng đình Đông Ngàn có nhiều khuất tất,  hợp đồng xây dựng với đơn vị thi công “ký một đằng – làm một nẻo”. Tất cả số lượng nguyên vật liệu khi thanh quyết toán đều tăng so với thực tế thi công; các chỉ tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật đều không bảo đảm. Gỗ làm đình Đông Ngàn được báo cáo trước nhân dân là gỗ táu, nhưng trong quá trình thực hiện, cán bộ thôn và một số người khi đi mua đã tự kê khai sang gỗ lim hòng ăn chênh lệch. Được biết, số lượng gỗ mua về làm đình còn thừa, đã được chuyển sang làm bia tưởng niệm các mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng một số cán bộ thôn vẫn kê khai vào để tính tiền.

Cũng như những lần thi công các công trình trước, cán bộ thôn và ông Nguyễn Thường Thanh (sau này cũng làm trưởng thôn, nhiệm kỳ 2005 - 2008), không hề có bất cứ tài liệu nào về việc thu - chi và hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc xây dựng đình làng Đông Ngàn để công khai trước nhân dân, ngay sau khi khánh thành đình.

Không có bất cứ chứng từ nào, nhưng ông Thanh vẫn “bắt” dân và cán bộ thôn phải trả nợ mình tiền xây dựng còn thiếu (đến nay theo báo cáo là hơn 2 tỷ đồng).  Ngày 25/4 và ngày 20/8/2004, ông Phạm Trung Hy đã ký 2 hợp đồng giao đất trái thẩm quyền với ông Nguyễn Thường Thanh, diện tích lên đến 3.362m2 để trả nợ. UBND xã Đông Hội đã phát hiện và ban hành Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 20/3/2007 hủy hợp đồng giao dịch trái thẩm quyền này.

Như vậy, việc tự ý lấn chiếm đất công, bán đất trái thẩm quyền, nâng khống giá trị các công trình xây dựng để buộc chính quyền phải trả nợ bằng đất, không công khai tài chính của một số cán bộ thôn Đông Ngàn qua các thời kỳ đã bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, dẫn đến một số cá nhân cố tình làm sai hòng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Điều lạ lùng là, sự việc đã diễn ra nhiều năm và kéo dài qua các nhiệm kỳ, nhưng một số cán bộ lãnh đạo xã Đông Hội cũng không có biện pháp xử lý triệt để, thậm chí còn có biểu hiện tiếp tay cho sai phạm bằng việc đề nghị UBND huyện Đông Anh cho phép hợp thức hóa những diện tích đất đã giao cho ông Thanh để “trả nợ tiền xây dựng”?

Sai phạm đã rõ ràng nhưng những công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật.

Đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo huyện Đông Anh cùng các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hoàng Văn  - Công Minh

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nhập lậu gia cầm, vấn nạn nhức nhối của ngành chăn nuôi

    Nhập lậu gia cầm, vấn nạn nhức nhối của ngành chăn nuôi

    Mỗi năm có hàng triệu con gia súc, gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Điều này không chỉ khiến cho sản xuất trong nước gặp áp lực lớn mà còn mang theo nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề dịch bệnh. Chưa kể, con giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công của vụ nuôi, thế nhưng việc quản lý dường như còn bỏ ngỏ.

  • Sóc Trăng xử phạt một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên 250 triệu đồng

    Sóc Trăng xử phạt một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên 250 triệu đồng

    Sáng 27/6, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một hộ kinh doanh đại lý vật tư nông nghiệp với tổng số tiền xử phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp là 254,3 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện buôn bán phân bón với thời hạn 4,5 tháng…

  • Ruộng lúa của dân bị chết cháy bất thường

    Ruộng lúa của dân bị chết cháy bất thường

    Cơ quan chức năng huyện Phú Hoà (Phú Yên) đang khẩn trương điều tra, truy tìm nguyên nhân lúa mới gieo sạ được 15 ngày trên diện tích 1.300m2 của một gia đình ở xã Hoà Trị bị chết cháy bất thường.

Top