KTNT - Liên quan đến việc chủ đầu tư tòa nhà 113 bị tố bàn giao nhà chậm, mập mờ diện tích chung, riêng, chưa hoàn thiện một số hạng mục, thậm chí cho sử dụng sai mục đích tầng kỹ thuật và tầng thượng tòa nhà, mới đây, Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục nhận đơn thư phản ánh của người dân về những sai phạm của chủ đầu tư trong việc tính sai diện tích, mập mờ hợp đồng mua bán nhà, bàn giao nhà…
Cụ thể, theo hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư là Công ty TNHH Thăng Long (Cty Thăng Long) với các hộ dân ở tòa nhà 113 thì một số hợp đồng không thống nhất trong việc sử dụng diện tích chung như hành lang, cầu thang bộ, thang máy và 02 tầng hầm (ngoài diện tích tầng 1 dịch vụ).
Ngoài ra, các hợp đồng còn bất nhất phương thức thanh toán tiền. Theo hợp đồng mua bán giữa Công ty Thăng Long và các hộ dân thì số tiền mua nhà được thanh toán làm 3 đợt. Đợt 1: 50% giá trị tạm tính của hợp đồng; đợt 2: 30% giá trị hợp đồng; đợt 3: 20% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, điều kiện đưa ra cho 3 đợt thanh toán này cũng bị chủ đầu tư làm lệch một cách khó hiểu.
Cửa ra tầng tum, lỗ thông gió bị các nhà sử dụng khóa trái.
Đối chiếu các hợp đồng người dân cung cấp, một số hợp đồng ghi đợt 2 thanh toán sau khi xong phần thân công trình, đợt 3 sau khi công trình hoàn thiện. Có hợp đồng sau khi thanh toán đợt 3 khi công trình thi công xong phần thô…
Điều này, theo lý giải của người dân ở tòa nhà thì những hợp đồng nào không ghi diện tích sử dụng chung, họ vô tình bị chủ đầu tư “ăn cắp” quyền lợi. Cũng như việc đóng tiền vì hợp đồng bất nhất như vậy nên họ phải đóng đầy đủ tiền cho chủ đầu tư nhưng công trình thì chưa đâu vào đâu. Ngay cả diện tích căn hộ cũng bị thâm hụt từ 3-4m2.
Anh Trần Hiệp, số nhà 1603 tòa nhà 113, bức xúc: "Chuyện thi công chậm nhưng bắt người dân đóng tiền, rồi việc sở hữu chung, riêng ở đây, ai cũng muốn có sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa có. Ngay cả tính diện tích chủ đầu tư cũng tính sai. Như căn của nhà tôi lệch từ 4-5 m2.
Đặc biệt là vấn đề an toàn, hội nghị dân cư, thành lập ban quản lý, hệ thống báo cháy, ga tổng chưa có”.
Hợp đồng thể hiện sự bất nhất của Công ty Thăng Long với người dân.
Liên quan đến chung cư này, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 4639/QĐ-UBND ngày 20/11/2007 về việc chấp thuận đầu tư dự án: Xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát 113 – Công an TP. Hà Nội tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Mục 1.10, Điều 1 nêu rõ thời gian thực hiện dự án và tiến độ: Thời gian khởi công – quý IV/2007; thời gian hoàn thành – quý IV/2009. Tiến độ thực hiện dự án 24 tháng, phân kỳ đầu tư 1 lần.
Mục 1.11, hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.
Mục 1.13, phương án tổ chức quản lý, vận hành dự án sau đầu tư: Chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm quản lý, sử dụng sau đầu tư theo các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố về quản lý nhà ở.
Rõ ràng Công ty Thăng Long phải chịu trách nhiệm ở tòa nhà này. Thế nhưng đã nhiều lần phóng viên liên hệ đặt lịch làm việc đều nhận câu từ chối từ ông Trương Văn Đức, Phó giám đốc Công ty Thăng Long: “Các anh phải liên hệ bên Công an 113, chúng tôi chỉ xây dựng thôi, tầng kỹ thuật khi bỏ tiền người ta phải tận dụng, các tầng chóp sử dụng mục đích thông thoáng gió. Tòa nhà chưa thanh quyết toán”.
Nếu theo Quyết định 4639/QĐ-UBND của TP. Hà Nội thì việc chưa hoàn thiện các hạng mục cũng như thủ tục, hồ sơ cho các hộ dân đã là sai. Thế nhưng, Công ty Thăng Long luôn tìm cách trốn trách trách nhiệm. Mặc dù người dân đã nhiều lần có đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng các đơn vị này đều tỏ ra ngạc nhiên, không biết khi làm việc với phóng viên.
Anh Phạm Tiến Dũng, cư dân tòa nhà cho hay: “Chúng tôi đã gửi đơn lên phường, phòng 113, lên quận nhưng quận không nhận, bắt về phường”.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó chủ tịch UBND phường Yên Hòa, cho biết: “Bây giờ các bạn có ý kiến chúng tôi mới nắm được. Hiện nay tòa nhà chưa bàn giao gì cả, chưa cấp giấy chứng nhận, hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và các hộ dân chúng tôi không nắm được. Cấp quản lý tòa nhà này thì thanh tra sở trở lên, phường chỉ phối hợp thôi. Tòa nhà vận hành 2 - 3 năm nay rồi, có vấn đề gì đâu”.
Bà Bùi Ngọc Diệp, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng quận Cầu Giấy, cũng cho biết: Chúng tôi không nhận được bất kỳ đơn thư nào của người dân. Góc độ quản lý nhà nước của quận ở đây như thế nào thì sẽ xử lý cái đó, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Vấn đề kiến nghị đến chủ đầu tư, quận sẽ có văn bản yêu cầu chứ không phải quận đi giải quyết tất cả vấn đề thuộc chủ đầu tư. Như việc thành lập ban quản trị, theo luật thì sau 12 tháng chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị dân cư thành lập ban quản trị. Nếu như trách nhiệm của quận ở đây thì chỉ là việc tổ chức hội nghị, thành lập ban quản trị tòa nhà, an ninh chính trị...
Thiết nghĩ, nếu các cấp, ban ngành chức năng cứ như vậy thì người dân có đợi mỏi mắt cũng khó đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Rồi những việc làm khuất tất của Công ty Thăng Long ai sẽ xử lý?
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc./.
Nhất Nam
KTNT