Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 8 năm 2016 | 11:9

Tiếp bài “Nghệ An: Gia đình liệt sĩ bỗng dưng... mất đất”: Chính quyền cấp đất sai quy trình

Việc không tuân thủ, làm sai quy trình cấp đất của chính quyền đã đẩy Công ty CP Mía đường Sông Con và gia đình mẹ liệt sĩ Lê Thị Thệ ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vào vòng tranh chấp quyền sử dụng đất.

>> Nghệ An: Gia đình liệt sĩ bỗng dưng... mất đất

Bảng tổng hợp diện tích đất xưởng cao Tân Kỳ bàn giao cho Công ty Mía đường Sông Con” sai phạm nghiêm trọng về vị trí thửa đất.

Từ việc cấp đất sai quy trình...

Năm 1997, theo Quyết định 1258 ngày 07/4/1997 của UBND tỉnh Nghệ An về việc nhập Trại dược liệu Tân Kỳ vào Xí nghiệp Đường rượu Sông Con, Công ty Dược phẩm dược liệu Nghệ An đã bàn giao toàn bộ diện tích 16.222m2 cho Xí nghiệp Đường rượu Sông Con quản lý và sử dụng. Đến năm 2004, Công ty Mía đường Sông Con (nay là Công ty CP Mía đường Sông Con) được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê 225.378m2 đất theo Quyết định số 1249/QĐ-UB.ĐC ngày 4/8/2004, để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở trong thời hạn 20 năm. Ngày 13/8/2004, Công ty Mía đường Sông Con ký Hợp đồng thuê đất số 82/HĐ-TĐ và ngày 28/9/2004 được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận QSDĐ số AA 172508 với diện tích 225.378m2.

Trong quá trình làm hồ sơ thủ tục xin cấp đất, Công ty Mía đường Sông Con lập “Bảng tổng hợp diện tích đất xưởng cao Tân Kỳ đã bàn giao cho Công ty Mía đường Sông Con”, bao gồm thửa số 1 (Trại Hươu - 5.104m2) và thửa số 2 (chuyên dùng - 11.118m2) với tổng diện tích  16.222m2. Tuy nhiên, trên thực tế thì vị trí đất xưởng cao lại chưa bao giờ thuộc thửa số 1 và số 2, bởi 2 thửa này là đất nông nghiệp (đất màu) nằm dọc sát bờ sông Con và có tổng diện tích lên đến 50.176m2 (gấp hơn 3 lần diện tích xưởng cao Tân Kỳ).

Càng lạ lùng hơn khi trong cùng ngày 17/2/2004, Công ty Mía đường Sông Con lập ra 2 bản báo cáo số 06 và số 09 về cùng một nội dung “Bảng tổng hợp diện tích các loại đất Công ty Mía đường Sông Con” nhưng kết quả 2 bản kê khai lại hoàn toàn khác nhau lần lượt là 183.686m2 và 225.378m2. Tuy nhiên, bất chấp  sai lệch khó hiểu đó, UBND thị trấn Tân Kỳ, UBND huyện Tân Kỳ, Phòng TN&MT huyện Tân Kỳ vẫn ký xác nhận thông qua hồ sơ cho công ty này.

Trong khi đó, về phía UBND tỉnh Nghệ An, sau khi nhận được hồ sơ xin thuê đất của Công ty Mía đường Sông Con, theo nguyên tắc Sở TN&MT tỉnh này phải tiến hành thẩm tra hồ sơ địa chính; xác minh thực địa; kiểm tra mức độ chấp hành pháp luật về đất đai của Công ty Mía đường Sông Con. Tuy nhiên, không hiểu cơ quan này đã thẩm tra, xác minh nguồn gốc và hiện trạng sử dụng đất theo quy trình như thế nào mà cả một diện tích hơn 3.000m2 do mẹ Thệ khai hoang, vun xới từ năm 1972 đến nay, được người dân xung quanh và chính quyền sở tại thừa nhận là đất có nguồn gốc chuyển nhượng rõ ràng và sử dụng ổn định, lâu năm nhưng đoàn “thực địa” của tỉnh lại không hề hay biết? Bản thân gia đình mẹ Thệ cũng chưa từng nhận được thông báo thu hồi đất hay quyết định bồi thường nào từ phía cơ quan chức năng.

Điều 32 - Luật Đất đai 2003 chỉ rõ: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Vậy tại sao khi chưa thông báo cho người bị thu hồi đất biết rõ lý do thu hồi, quyết định thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng… UBND tỉnh Nghệ An lại có thể ký quyết định giao đất, cho thuê đất đối với Công ty Mía đường Sông Con? Chỉ đến khi xảy ra tranh chấp, người ta mới vỡ lẽ ra rằng: Năm 2004, khi đoàn của tỉnh về xác minh thực địa, đo vẽ, cắm mốc ranh giới để cấp bìa cho Công ty Mía đường Sông Con, họ không hề thông qua hay hỏi ý kiến của cán bộ địa chính thị trấn Tân Kỳ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu như không thông qua những “thổ công” bản địa thì cán bộ sở TN&MT Nghệ An dựa vào đâu mà “vẽ” trích lục bản đồ để trình UBND tỉnh cấp bìa? Điều này cũng lý giải tại sao trong Giấy CNQSDĐ số AA 172508 của UBND tỉnh Nghệ An cấp cho Công ty Mía đường Sông Con năm 2004 lại không hề phản ánh số tờ bản đồ, số thửa, còn bản đồ cũng chẳng thể hiện tứ cận cũng như chữ ký giáp ranh của những hộ liền kề.

Trong cùng một ngày, có tới 2 bản kê khai “Bảng tổng hợp diện tích các loại đất Công ty Mía đường Sông Con” với 2 kết quả tổng hợp khác xa nhau.

... đến nghịch lý khó hiểu

Như đã nói trước đó, năm 2004, sau khi được UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định cấp đất, Công ty Mía đường Sông Con đã xây tường rào bao quanh công ty mình và không hề đả động gì đến diện tích 3.017m2 mà gia đình mẹ Thệ đang sử dụng. Đầu năm 2012, khi xảy ra tranh chấp, trong Báo cáo số 09 ngày 20/6/2013 của UBND thị trấn Tân Kỳ “Về việc cung cấp nguồn gốc sử dụng đất, quá trình sử dụng đất của bà Lê Thị Thệ...” cũng  khẳng định rằng: Trước năm 2002, phần đất này được nhân dân xã Kỳ Tân sử dụng vào mục đích trồng hoa màu; năm 2002, hộ ông Nguyễn Thế Cường và bà Ngô Thị Hòa sử dụng một khoảng nhỏ để làm bãi tập kết cát, sỏi và đến năm 2011 thì tiến hành cải tạo, mở rộng khuôn viên; năm 2011, Công ty CP Mía đường Sông Con tiến hành đổ đất bùn. Thậm chí trong “Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai” ngày 15/8/2012, ông Nguyễn Như Khoa - đại diện Công ty CP Mía đường Sông Con cũng thừa nhận rằng: Gia đình bà Hòa có sử dụng một phần diện tích để làm bãi đổ sỏi, sau này bà Hòa có mở rộng mặt bằng đổ sỏi.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng, gia đình mẹ Thệ đã sử dụng ổn định diện tích đất nói trên từ lâu, việc sử dụng đất cũng được người dân và chính quyền cấp xã, lãnh đạo hợp tác xã qua các thời kỳ xác nhận. Trong khi đó, dù được UBND tỉnh Nghệ An cấp đất nhưng suốt 9 năm, Công ty CP Mía đường Sông Con không hề sử dụng cũng như quản lý diện tích đất nói trên. Bởi nếu quản lý thì tại sao chừng ấy năm khi gia đình mẹ Thệ sử dụng, cải tạo, mở rộng, phía công ty lại không hề có ý kiến ngăn cản, phản đối hay báo cáo với các cơ quan chức năng tiến hành giải quyết?

Giấy chứng nhận QSDĐ mà UBND tỉnh Nghệ An cấp cho Công ty Mía đường Sông Con không hề thể hiện số tờ bản đồ, số thửa.

Việc Công ty CP Mía đường Sông Con không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của tổ chức sử dụng đất đối với diện tích đất 3.017m2 là thực tế rõ ràng và diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, không hiểu tại sao đến năm 2011, khi công ty này có tờ trình xin nâng thời hạn thuê đất, thay vì thanh tra, kiểm tra thực trạng sử dụng đất và thu hồi diện tích đất  không sử dụng, UBND tỉnh Nghệ An lại ký quyết định gia hạn thuê đất từ 20 năm (9/2004 đến 9/2024) lên 50 năm (9/2004 đến 9/2054).

Liệu quyết định điều chỉnh thời hạn thuê đất như trên của UBND tỉnh Nghệ An có thực sự khách quan? Bởi việc xem xét điều chỉnh gia hạn thuê đất không chỉ đơn thuần căn cứ trên tờ trình hay đơn xin gia hạn mà quan trọng là phải căn cứ vào thực tế thực hiện quy định pháp luật về đất đai của Công ty CP Mía đường Sông Con.

Sự việc này sẽ được giải quyết như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ và thông tin đến bạn đọc.

Đức La - Nhật Minh

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top