Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 12 năm 2015 | 10:10

Tiếp bài “Phú Thọ: Công trình không phép xâm phạm hành lang đê điều”: Chính quyền “bất lực” trước sai phạm!

Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh tình trạng xây dựng không phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai ở Phú Thọ, dù ngành chức năng đã ra hàng loạt văn bản xử phạt nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn ngang nhiên “qua mặt”.

>> Sai chồng sai!

>> Phú Thọ: Công trình không phép xâm phạm hành lang đê điều

Hàng loạt sai phạm về hành lang đê điều ở xã Phượng Lâu.

Nhiều lần xử phạt...

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã Phượng Lâu hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bến bãi, bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng thì có tới 3 doanh nghiệp thường xuyên vi phạm Luật Đê điều, ảnh hưởng đến an toàn đê sông Lô là Cty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng An Khang, Cty CP Tùng Ngọc và Cty CP Thượng Long.

Năm 2014, trong một đợt kiểm tra của đoàn liên ngành vào ngày 18/12, Cty An Khang đã có các hành vi vi phạm nghiêm trọng như đắp lấn ra lòng sông, bãi sông, vi phạm khoản 7, Điều 7 Luật Đê điều. Chất thải vật liệu trong hành lang đê, mái đê, bãi sông khi chưa được cấp phép, vi phạm khoản 10, Điều 7 và điểm g, khoản 1, Điều 25 và Điều 29, Luật Đê điều. Sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết, trung chuyển vật liệu, vi phạm Nghị định số 34/2010 của Chính phủ.

Trong quá trình hoạt động, Cty An Khang không có Bản cam kết bảo vệ môi trường, phát sinh chất thải nguy hại như vỏ thùng, can bám dính dầu bôi trơn; không đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 12/2011 của Bộ TN-MT, vi phạm Nghị định số 179/2013 của Chính phủ.

Ngoài ra, Cty An Khang còn tự ý chuyển mục đích diện tích 9.748,8m2 đất trồng cây hàng năm thuê của 93 hộ dân sang làm bãi tập kết kinh doanh bến bãi tại xã Phượng Lâu, vi phạm khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai 2013; lấn chiếm hành lang đê, bờ vở sông 17,265m2 để tập kết vật liệu kinh doanh bến bãi, vi phạm khoản 1, Điều 12, Luật Đất đai.

Ngày 18/9/2014, UBND TP.Việt Trì (Phú Thọ) có Công văn 1854/UBND-KT về việc xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai (PCTT) của Cty Thượng Long trên địa bàn xã Phượng Lâu. Trong đó, nêu rõ: “Cty Thượng Long phải ngừng ngay việc làm trên và trả lại hiện trạng ban đầu trước ngày 25/9/2014”.

Tiếp đó, ngày 9/6/2015, Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ có Công văn số 699/SNN-ĐĐ về việc đề nghị xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và PCTT tại xã Phượng Lâu. Công văn nêu rõ đích danh 3 công ty vi phạm và đề nghị UBND TP. Việt Trì chỉ đạo thực hiện.

Ngày 12/6/2015, UBND TP.Việt Trì tiếp tục có Công văn số 1061/UBND-KT về việc giải phóng vật liệu cát, sỏi, đá trong hành lang bảo vệ đê và bãi sông Lô tại xã Phượng Lâu, đồng thời yêu cầu: “Cty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng An Khang, Cty CP Tùng Ngọc và Cty CP Thượng Long tiến hành giải phóng ngay toàn bộ các vi phạm chất tải vật liệu cát, sỏi, đá trong hành lang đê, bãi sông xong trước ngày 20/6/2015. UBND xã Phượng Lâu có trách nhiệm đôn đốc 3 công ty giải phóng các vi phạm. Đến thời hạn nêu trên, công ty nào không thực hiện, xã báo cáo về UBND TP.Việt Trì”.

Công trình xây dựng khi chưa có phép của Cty Thượng Long ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao.

Sai phạm vẫn tiếp diễn!

Riêng Cty Thượng Long, còn tiếp tục sai phạm ở xã Cao Xá (huyện Lâm Thao). Ngày 17/7/2015, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ ra Văn bản số 948/SNN-ĐĐ về việc đề nghị xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và PCTT tại xã Cao Xá của Cty Thượng Long. Đơn vị này cũng bị Hạt Quản lý đê Lâm Thao và TX. Phú Thọ lập biên bản vi phạm tới 3 lần. 

Cụ thể, chỉ trong tháng 7/2015, HạtQuản lýđêLâm Thao và TX. Phú Thọ đã 2 lần tổ chức kiểm tra và lập biên bản vào các ngày 13 và 30, nội dung các biên bản ghi rõ: Tại Km 94+400 tuyến đê Tả Thao thuộc xã Cao Xá, Cty Thượng Long đã vi phạm khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều: Xây dựng móng và cột nhà xưởng sản xuất gạch không nung ngoài bãi sông khi chưa có giấy phép của các cấp thẩm quyền. Cơ quan này cũng yêu cầu đình chỉ ngay vi phạm trên của Cty Thượng Long, tạm dừng việc lắp dựng cột nhà xưởng và tháo dỡ những cột đã hoàn thành, tháo dỡ toàn bộ phần móng đã xây dựng, hoàn trả lại mặt bằng bãi sông nhằm đảm bảo hành lang bảo vệ đê, kè. 

Trong biên bản lập vào ngày 13/7, cơ quan chức năng yêu cầu Cty Thượng Long chấp hành xong trước ngày 15/7. Mọi việc không có gì biến chuyển. Ở biên bản lần 2 tiếp tục yêu cầu phải tháo dỡ trước ngày31/7. Nhưng đến nay đã gần 4 tháng  trôi qua, sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Điều khiến dư luận hoài nghi là chính quyền sở tại đã phát huy hết vai trò của mình trong quản lý hay “nương tay” cho các doanh nghiệp trên sai phạm?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Hoàng Kim

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top