KTNT - Sau khi Báo Kinh tế nông thôn có bài phản ánh những tồn tại trong việc tu bổ cầu Hòa Hậu – Mỹ Phúc, UBND huyện Lý Nhân (Hà Nam) yêu cầu Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu triển khai ngay việc lắp đặt hệ thống lan can, tay vịn, đèn chiếu sáng ban đêm, biển báo hạn chế tải trọng qua cầu, thời gian xong trước ngày 02/9/2014.
Ngày 28/7/2014, UBND huyện Lý Nhân có Công văn số 575/UBND-CT gửi UBND xã Hòa Hậu và Phòng Công Thương huyện với nội dung: “Tại phiên tiếp dân ngày 10/7/2014, UBND huyện đã tiếp ông Trần Bá Sơn, công dân xóm 12 Hòa Hậu, ông phản ánh đã đề nghị nhiều lần với UBND xã Hòa Hậu cho sửa chữa lại cầu phao Nhân Hậu đi Mỹ Phúc để đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại, song đến nay UBND xã mới sửa chữa được phần mặt cầu, còn lan can vẫn chưa làm.
Sau khi xem xét, UBND huyện có ý kiến như sau: Năm 2013, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hòa Hậu cải tạo, nâng cấp cầu Hòa Hậu – Mỹ Phúc, gồm sửa chữa mặt cầu và lắp đặt hệ thống lan can tay vịn, đèn chiếu sáng. Đồng thời giao cho Phòng Công thương theo dõi, đôn đốc UBND xã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Hòa Hậu mới triển khai nâng cấp sửa chữa dầm, mặt cầu và chưa triển khai bổ sung lắp đặt hệ thống lan can tay vịn, đèn chiếu sáng.
Để đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại qua cầu, UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu triển khai ngay việc lắp đặt hệ thống lan can, tay vịn, đèn chiếu sáng ban đêm, biển báo hạn chế tải trọng qua cầu, thời gian xong trước ngày 02/9/2014 (Nếu quá thời hạn trên UBND xã Hòa Hậu vẫn chưa thực hiện, đồng chí Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện).
Điều đáng nói là, UBND huyện Lý Nhân chỉ đạo nhiều lần yêu cầu chính quyền xã Hòa Hậu tu sửa lại cầu đảm bảo cho nhân dân đi lại, thậm chí nếu không thực hiện, phải đóng cầu và để xảy ra tai nạn, đồng chí chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm nhưng đến nay sự việc vẫn như “nước đổ đầu vịt”.
Một giả thuyết mà người dân nơi đây đặt ra khi trò chuyện với chúng tôi là nếu không tu sửa phải chăng chính quyền xã không có kinh phí?
Nhưng thực tế, số tiền từ việc đấu thầu cầu phao Hòa Hậu – Mỹ Phúc hàng năm mang lại trên dưới 1 tỷ đồng. Trong khi nếu đại tu lại cầu theo ý kiến của người dân cho an toàn chỉ trên dưới 200 triệu đồng. Vậy số tiền kia xã chi vào những khoản nào? Sao không quan tâm đến tính mạng của người dân hàng ngày vẫn phải nơm nớp qua cầu?
Ông Trần Bá Sơn bức xúc: “Số tiền mang lại từ cầu như vậy nhưng đã bao năm nay chúng tôi kiến nghị lên xuống về việc tu sửa vẫn không được. Không biết bao nhiêu người đã bị tai nạn khi qua cầu, may mắn thì không sao chứ như trường hợp của chị Thanh vừa rồi nếu người dân không phát hiện cứu vớt kịp thời thì… Khi đưa chị lên bệnh viện tỉnh, người ta phải giới thiệu lên Hà Nội ngay. Chị bị cắt mất quả thận trái, nhà lại nghèo khó, chi phí gần 60 triệu đồng. Thử hỏi, việc để người dân bị đe dọa tính mạng như vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
UBND xã Hòa Hậu "bịt tai" các công văn chỉ đạo của cấp trên?! |
Cùng bức xúc như ông Sơn, ông Trần Trọng Tài, xóm 18, Hòa Hậu, cho biết: “Theo công văn của cấp trên thì xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn khi qua cầu. Nhưng người dân như chúng tôi làm sao bắt người ta chịu được, tất cả dân phải chịu hết thôi”.
Mang nỗi lo của nhân dân lên chính quyền huyện Lý Nhân được ông Lương Văn Tuyên, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Lý Nhân, cho biết: “Việc chỉ đạo giải quyết của ủy ban thông qua các phòng ban, việc này Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo trực tiếp Trưởng phòng Công thương”.
Ông Trần Huy Thanh, Trưởng phòng Công Thương cũng, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu xã khẩn trương tu bổ cầu, năm ngoái đã thẩm định làm dầm, mặt cầu, lan can, đèn chiếu sáng… nhưng mãi mà họ chưa làm được”.
Khi phóng viên hỏi việc để xảy ra tai nạn với người dân khi qua cầu trách nhiệm thuộc về ai, ông Thanh thẳng thắn: “Thuộc về xã! Việc này công an đang vào cuộc. Tiền đấu thầu mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng, chi phí dự trù tu sửa khoảng 200 triệu đồng thế mà trên này chỉ đạo mãi họ có làm đâu”.
Phải chăng chính quyền xã Hòa Hậu đã "bịt tai" tất cả những ý kiến chỉ đạo của cấp trên và không quan tâm đến sự an nguy tính mạng của người dân nơi đây?
Liệu rồi trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu như thế nào, người bị nạn như chị Thanh sẽ được quyền lợi gì?
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp đến bạn đọc./.
Nhất Nam
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.