Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 8 năm 2014 | 7:45

Tiếp bài “Urenco biến hàng triệu USD tiền thiết bị “đắp chiếu”: Đẩy nhanh dự án nhằm hoàn thành đúng tiến độ

KTNT - Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 5/8/2014, ông Nguyễn Xuân Huynh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Ureco) cho biết: Công ty đã có văn bản báo cáo giải trình về việc chậm triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), đồng thời đang xúc tiến đẩy nhanh dự án nhằm hoàn thành trước 8/6/2016.



Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn nằm trong chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam – Nhật Bản theo chương trình viện trợ Xanh (GAP). Đây là dự án mẫu do Nhật tài trợ, có mức đầu tư khái toán khoảng 612,236  tỉ đồng.

UBND TP. Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) làm chủ đầu tư, để xây dựng hệ thống xử lý rác thải công nghiệp bằng phương pháp đốt với công suất 75 tấn/ngày, diện tích sử dụng đất khoảng 16.809m2. 

Về nguồn vốn đầu tư, phía NEDO tài trợ hệ thống thiết bị chính trị giá 1.770 triệu Yen, tương đương 472.188 triệu đồng. Ngân sách thành phố cấp vốn đối ứng 140.049 triệu đồng, gồm: Chi phí các thiết bị phụ trợ, chi phí xây dựng, chi phí lắp đặt, chi phí quản lý dự án, chi phí khác, dự phòng phí.
Ông Nguyễn Xuân Huynh, Phó TGĐ Urenco trả lời tại buổi họp báo

Liên quan đến việc chậm tiến độ triển khai dự án, lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị Hà Nội thừa nhận thiếu sót. Theo chủ đầu tư, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt là trọn gói. Tuy nhiên, trong quá trình lập dự án, phía Nhật Bản cung cấp tài liệu kỹ thuật của một nhà máy để làm cơ sở lập dự án và tài liệu có tính tham khảo. Khi dự án triển khai tại Nhật Bản, Hitz mới thiết kế và chế tạo thiết bị, sau đó gửi tài liệu chính thức để làm cơ sở thiết kế cho các phần việc tại Việt Nam. Cơ quan tư vấn thấy việc xác định khối lượng công việc xây dựng nhà máy chưa đầy đủ, không phù hợp với hình thức hợp đồng trọn gói, nên đưa ra hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định.

Theo quy định thì Công ty phải báo cáo UBND thành phố để xin phê duyệt điều chỉnh hình thức hợp đồng trong kế hoạch đấu thầu. Tuy nhiên, do sức ép về tiến độ của dự án, việc tổ chức thiếu khoa học, vội vàng của Công ty nên vẫn tiến hành mở thầu mà chưa xin phê duyệt điều chỉnh, sau đó lại ra thông báo trúng thầu về hình thức hợp đồng là trọn gói. 

Như vậy, Công ty đã làm sai các quy định quản lý về đấu thầu với 2 nội dung: Đó là, việc phê duyệt hồ sơ mời thầu không đúng với kế hoạch đấu thầu được duyệt về hình thức hợp đồng và thông báo trúng thầu, quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu không phù hợp với hồ sơ mời thầu về hình thức hợp đồng.

Sau khi có thông báo trúng thầu, nhà thầu đã cùng Công ty và phía Nhật Bản xác định chính xác nội dung công việc cụ thể và tiến độ. Trong quá trình thương thảo hợp đồng, Công ty và nhà thầu nhận thấy có sai lệch giữa hồ sơ mời thầu với kế hoạch đấu thầu, nên rất lúng túng trong xử lý. Đến phiên họp tổ công tác ngày 25.6.2014, Công ty đã mời Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), báo cáo rõ những vướng mắc này.

Về hướng xử lý, lãnh đạo Urenco cho biết, Công ty cũng đã gửi thông báo về việc trúng thầu và công văn đề nghị nhà thầu cùng chủ đầu tư hoàn thiện thương thảo, ký hợp đồng trước ngày 5/8/2014 và tiếp tục triển khai hợp đồng.

Cho đến nay, việc ký kết hợp đồng đã bị chậm trễ hơn 4 tháng so với dự kiến ban đầu. Hiện Công ty cùng nhà thầu và Hitachi Zosen đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án đúng biên bản ghi nhớ.

Liên quan vấn đề này, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cho biết, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo tháo gỡ, khắc phục những sai sót, đảm bảo dự án thực hiện đúng quy định pháp luật, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ.
Cần làm xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến sự việc.

Trước đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hà Nội đề xuất UBND TP. Hà Nội xử phạt hành chính với chủ đầu tư theo luật định, đồng thời giao Thanh tra Sở tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, báo cáo UBND TP. Hà Nội.

Quan điểm vụ việc, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết:  Theo kết luận sai phạm của Sở KH&ĐT TP Hà Nội với Urenco - Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại xã Nam Sơn: “Chủ đầu tư đã vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu như sau: Phê duyệt hồ sơ mời thầu không đúng với kế hoạch đấu thầu được phê duyệt về hình thức hợp đồng; Thông báo trúng thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu không phù hợp với hồ sơ mời thầu về hình thức hợp đồng. Hậu quả sai phạm này dẫn đến thiết bị trị giá hàng triệu USD nằm “đắp chiếu”, dự án chậm tiến độ trong khi nhu cầu xử lý rác thải Thủ đô là vô cùng cấp bách.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 17, Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng; ngoài ra còn bị đăng tải thông tin trên tờ báo đấu thầu và trang thông tin điện tử về đấu thầu. Trong trường hợp này, sai phạm của Urenco là rất nghiêm trọng. Vì vậy, mức phạt hàng chính phải áp dụng khung cao nhất là phạt 40 triệu đồng.

Theo luật sư Diện, ngoài xử phạt hành chính, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác định cụ thể mức độ thiệt hại do sai phạm tại Urenco gây ra. Đây là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc UBND TP. Hà Nội. Vì vậy, song song với việc xác định mức độ thiệt hại tại công ty này, UBND TP. Hà Nội cùng với cơ quan công an cần xác định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân liên quan. 

"Với mức độ sai phạm đã được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hà Nội xác định sơ bộ, rõ ràng trong vụ việc sai phạm tại Urenco có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285, Bộ luật Hình sự. Đó là cơ sở để Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội vào cuộc điều tra để đảm báo tính nghiêm minh của pháp luật", luật sư Diện phân tích.

Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin./.

Tiến Đạt – Thanh Thắng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top