KTNT - Báo Kinh tế nông thôn có nhiều bài phản ánh việc UBND xã Định Tân (Yên Định- Thanh Hóa) ký hợp đồng trái thẩm quyền với các hộ dân để thực hiện dự án cá - lúa. Tuy nhiên, xã không tập trung sửa sai mà thành lập tổ “công tác” cùng công an xã cho gọi những hộ dân khiếu kiện để truy xét, tra hỏi, bắt phải ký vào văn bản nhận lỗi, cũng như đổ thừa cho báo viết sai sự thật…
Huyện chỉ rõ sai phạm
Sự việc diễn ra ở Định Tân thấm thoát trôi qua một vụ lúa, giờ đây cánh đồng Rọc Nhung, Đồng Phấng lại chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới. Khung cảnh quê hương với cánh đồng lúa yên bình ở đây mấy ai biết được bên trong đó vẫn ẩn chứa những câu chuyện buồn về một xã đã được công nhận xã nông thôn mới.
Cánh đồng lúa Rọc Nhung, Đồng Phấng đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới.
Ông Ngô Viết Tâm và một số hộ dân làm trang trại gửi đơn đến Báo Kinh tế nông thôn khiếu nại về việc trong nhiều năm qua, xã Định Tân đã thực hiện ký hợp đồng trái thẩm quyền với 17 hộ làm trang trại nhưng không thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng, nhiều lần họ có ý kiến lên xã, song đều bị bác bỏ. Cụ thể là, các hộ phải chịu đóng một khoản thuế cao trên đất lúa cơ bản; các khoản hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định 42, Nghị định 154, xã không thực hiện chi trả cho nhân dân. Ngoài ra, việc thực hiện cam kết trong hợp đồng để cung cấp nước cho nhân dân làm dự án cá - lúa cũng không thực hiện đúng, trong khi người dân phải bỏ ra khoản chi phí lên tới 40 triệu đồng/hộ để đào ao rồi lại lấp ao; UBND xã Định Tân được tỉnh hỗ trợ xây dựng một kênh mương trên 1 tỷ đồng để phục vụ dự án cá - lúa nhưng kênh mương không phát huy tác dụng, do vậy hệ thống kênh mương này bị xuống cấp nghiêm trọng…
Sau khi nhận được đơn thư, Báo Kinh tế nông thôn đã cử phóng viên tìm hiểu sự việc và đã có bài đăng tải phản ánh khách quan, trung thực. Đây là định hướng để UBND xã Định Tân chấn chỉnh những việc làm chưa đúng, còn thiếu sót, đồng thời có hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi của nhân dân. Không tập trung chấn chỉnh, sửa sai, Đảng ủy, UBND xã Định Tân lại làm ngược lại, cho rằng nội dung báo phản ánh sai sự thật và Ban chấp hành Đảng bộ, Mặt trận Tổ quốc, Trung tâm Học tập cộng đồng,… đã làm văn bản gửi Ban biên tập với nhiều nội dung ngụy biện. Trong các văn bản gửi báo, xã Định Tân luôn nêu thành tích nhằm che đậy những việc làm sai của mình, sau đấy thành lập tổ công tác cùng công an xã truy xét dân. Trong đơn thư tố cáo, các hộ dân cho biết: Lực lượng công an và cán bộ xã đã truy xét bà con làm trang trại về việc gửi đơn thư vượt cấp và gửi cho báo chí, trả thù người khiếu nại (vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo), bằng việc lập biên bản kết tội nhân dân về việc trồng cây xanh, xây tường rào xung quanh trang trại… Ban công an bắt các hộ dân phải ghi theo nội dung sai phạm mà Ban công an đọc từng câu cho mỗi hộ ghi… Đây là việc làm sai luật, thiếu tính dân chủ của Ban công an và cán bộ xã Định Tân, làm cho các hộ dân thêm bức xúc.
Với nội dung đơn thư phản ánh và sự vào cuộc của báo chí, ngày 14/7/2014, UBND huyện Yên Định có Quyết định số 995/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của công dân xã Định Tân. Nội dung quyết định ghi rõ: Công nhận nội dung các hộ khiếu nại việc UBND xã Định Tân đã ký hợp đồng giao khoán đất thầu ngân sách có thời hạn từ 15-20 năm sai quy định… Nội dung đề nghị giảm sản thầu đất ngân sách từ 120kg/sào/năm xuống mức 80kg/sào/năm, đề nghị các hộ tiếp tục có đơn thư gửi UBND xã Định Tân để được xem xét giảm thầu đất ngân sách. Yêu cầu đối với UBND xã Định Tân ký hợp đồng thầu khoán đất ngân sách đối với các hộ đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013; lập hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND huyện xem xét hỗ trợ diện tích đất thầu khoán ngân sách đối với các hộ theo quy định tại Nghị định 42 của Chính phủ; kiểm tra, tiếp tục đầu tư nâng cấp để đưa kênh tưới tiêu vùng dự án vào khai thác sử dụng có hiệu quả; xem xét giảm sản thầu đất ngân sách đối với các hộ từ 120kg/sào/năm xuống mức 80kg/sào/năm.
Ông Ngô Viết Tâm cho biết thêm: “Đến nay, xã đã chi trả cho chúng tôi tiền hỗ trợ của nhà nước theo Nghị định 42, số thóc phải đóng chênh lệch tăng 31 kg/sào trước đây cũng đã được miễn bằng mức chung trên đất cơ bản và giảm sản trên đất thầu cho mỗi hộ 45-50kg/sào/năm”.
Như vậy, trong nhiều tháng qua, để bảo vệ quyền lợi của mình, các hộ làm trang trại ở xã Định Tân đã ôm đơn lên xã, huyện… nhưng rồi mọi việc đều không được giải quyết cho đến khi các cơ quan báo chí vào cuộc thì sự việc được sáng tỏ, huyện Yên Định đã vào cuộc, thể hiện bằng Quyết định 995 QĐ-UBND.
Làm lãnh đạo nhưng không có bằng cấp ba
Sự việc chưa được giải quyết dứt điểm, nhân dân tiếp tục gửi đơn tố cáo đến cơ quan báo với các nội dung: Trang trại nhà ông Phạm Quang Vọng (trước đây là Phó chủ tịch UBND xã, trong vụ làm dự án cá - lúa đồng Phấng, dọc Nhung, đồng Trắm bị kỷ luật vì phá mương xây gạch để xây mương đất nung, giờ đang làm cán bộ văn phòng xã) nằm dưới hành lang lưới điện 500kV, đã được đền bù gần 100 triệu nhưng 10 năm nay gia đình ông này không giải tỏa. Đối với ông Trần Minh Trung, Bí thư Đảng ủy, có nhà máy ép than trấu làm dưới hành lang an toàn lưới điện, thuộc đất thầu cấy lúa của ngân sách xã; ông Trung chỉ có giấy chứng nhận đã học cấp 3 chứ không có bằng cấp ba, theo quy định thì không đủ tiêu chuẩn để làm lãnh đạo…
Ông Trần Minh Trung, Bí thư Đảng bộ xã Định Tân.
Để làm sáng tỏ nội dung đơn thư của công dân, chúng tôi có buổi làm việc trực tiếp với ông Trần Minh Trung. Ông cho biết: Về trang trại nhà ông Vọng nằm dưới hành lang lưới điện là có thật và được biết là đã được đền bù, còn việc giải tỏa thì tôi cũng có nghe là đã chặt cây rồi… Còn phía gia đình tôi, khi làm nhà máy ép than trên đất ngân sách xã, khi xây dựng, tôi đã hỏi anh Lâm ở chi nhánh điện, các anh chi nhánh điện nói là làm được tôi mới làm… Về bằng cấp thì tôi là bộ đội được cử về Trường Văn hóa Quân khu 1 học ôn văn hóa và được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp 1979.
Giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 của ông Trung.
Để rõ hơn về bằng cấp liên quan đến vấn đề quy hoạch cán bộ, ngày 16/9/2014, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thọ, Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Định. Ông Thọ cho biết: Qua kiểm tra thì ông Trần Minh Trung được Trường Văn hóa Quân khu 1 cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 năm 1979, theo nguyên tắc thì giấy chứng nhận này không thay thế được bằng cấp 3 và giấy này cũng không đủ điều kiện để làm thủ tục quy hoạch cán bộ.
Như vậy, trong suốt quá trình làm Chủ tịch, Bí thư Đảng bộ xã Định Tân, Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Định đã làm cách nào để ông Trung được cơ cấu vào nguồn lãnh đạo và làm cán bộ cho đến nay? Câu trả lời xin nhường cho Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Định và các ngành chức năng ở Thanh Hóa.
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin.
Tân Thành
KTNT