KTNT - UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận phương án và quận Cầu Giấy cấp phép cho Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ xây nhà 2 tầng nhằm mục đích trông giữ ô tô. Nhưng sau khi xây xong, doanh nghiệp lại cho rằng phương án trên là hoàn toàn không hợp lí và tự biến tướng thành hàng loạt nhà hàng, quán xá.
Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ đã thuê hơn 14.000m2 để thực hiện Dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đồ xe và công trình dịch vụ phụ trợ. Dự án thực hiện từ năm 2007 đến nay nhưng vẫn chưa hoàn toàn đưa vào sử dụng.
Sau khi chủ đầu tư có văn bản gửi UBND thành phố và các sở, ngành cho xây dựng nhà 5 tầng mật độ 40% trên đất dọc tuyến mương rộng 10m, bên dưới không có cống ngầm, không được UBND thành phố đồng ý và chỉ chấp thuận phương án xây 2 tầng, mật độ 15- 20% theo văn bản ngày 9/3/2009.
Nhưng chủ đầu tư đã xây dựng nhà 2 tầng với mật độ 20,5%, vượt theo giấy phép khoảng 50m2, đồng thời làm thêm mái tôn, nhựa một tầng đua ra trên diện tích sân trước nhà 2 tầng. Qua đó, năm 2012, doanh nghiệp đã bị Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt.
Mặc dù vậy, Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ vẫn bất chấp những quy định mà UBND thành phố cũng như quận Cầu Giấy đưa ra. Thể hiện bằng việc đưa toàn bộ diện tích xây dựng nhà 2 tầng và một phần sân trước nhà 2 tầng đã có mái vảy bằng vật liệu nhẹ vào phục vụ kinh doanh hàng quán, karaoke, beer…, bỏ ngoài tai ý kiến TP. Hà Nội với mục đích làm điểm trông giữ xe.
La liệt cửa hàng, quán ăn kinh doanh trái phép trên Dự án cống hoá mương thoát nước.
Theo quan sát của phóng viên, ngoài điểm kinh doanh dịch vụ KFC đã được thành phố Hà Nội chấp thuận từ tháng 9/2012, những nhà 2 tầng khác cũng đua nhà lập quán như quán beer Vuvuzela vẫn án ngữ khá kiên cố trên đất dự án hay Hùng Lai Quán và hàng loạt nhà hàng, café khác vẫn ung dung tồn tại thách thức dư luận, cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên, ông Cù Đức Tố, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ, thừa nhận: Trước đây, công ty đã có văn bản xin UBND TP. Hà Nội làm khu nhà để xe 5 tầng nhưng thành phố không chấp nhận, chỉ cho làm 2 tầng. Nguyên nhân dự án đến nay chưa đưa vào sử dụng hoàn toàn là do nhiều đoàn kiểm tra kể cả chỉ đạo của UBND thành phố, song kết luận chung chung không căn cứ vào thực tế và cũng không đưa ra văn bản mang tính pháp lý cụ thể nào để chủ đầu tư thực hiện.
“Thực tế mà nói, xây nhà 2 tầng bê-tông mà đi làm bãi đỗ xe thì không chấp nhận được, vì giá thành sẽ đội lên rất nhiều, trong khi theo quy định, giá gửi xe ô tô của UBND thành phố chỉ cho phép chỉ là 1,2 triệu đồng/tháng nhưng nếu công ty thu lên đến 5 triệu đồng/tháng thì chưa chắc đã đủ tiền khấu hao kết cấu công trình”, ông Tố nói.
Cũng theo ông Tố, bởi lí do trên, nên phần được cấp phép xây nhà 2 tầng chúng tôi đang đề xuất thành phố cho làm điểm kinh doanh dịch vụ.
Sai phạm của doanh nghiệp đã quá rõ, việc biến tướng dự án sau khi được cấp phép cho thấy sự coi thường pháp luật của doanh nghiệp cũng như sự lơ là trong công tác quản lí của cơ quan chức năng sở tại.
Chủ đầu tư “phản pháo” như thế nào về những thủ tục hành chính của cơ quan chức năng TP Hà Nội.
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin.
Thành Vinh – Thắng Đạt
KTNT