Ở cuối thôn, nhưng mỏ cát Hòa Lợi như bức tường thành thiên nhiên khổng lồ, che chắn gió bão nơi cửa đầm Cù Mông. Tuy nhiên, bức tường này đã bị UBND xã Xuân Cảnh (TX.Sông Cầu - Phú Yên) bật “đèn xanh” cho hủy hoại.
>> Xã Xuân Cảnh (TX.Sông Cầu - Phú Yên): Vi phạm nối tiếp vi phạm?
Cồn cát của ông Nguyễn Văn Nuôi bị xe Cao Biền đào xúc.
“Xót” cho hiện trạng mỏ cát Hòa Lợi!
Sau khi vụ việc đào xúc mỏ cát Hòa Lợi được báo Kinh tế nông thôn, số ra ngày 10/3/2017 phản ánh, ngày 21/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phú Yên đã lập biên bản kiểm tra hiện trường. Từ thời điểm này, đội “xe vua” (4 chiếc, loại 5 tấn/xe và 1 xe đào múc cát) đã lập tức rút khỏi hiện trường và chuyển hướng hoạt động. TX. Sông Cầu đã buộc UBND xã Xuân Cảnh giải trình một số nội dung báo phản ánh tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 7/4/2017.
Trong giải trình tại cuộc họp, ông Huỳnh Lê Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh, vẫn cố tình biện hộ cho việc làm trái pháp luật của đội “xe vua” và việc làm tùy tiện, vi phạm pháp luật của UBND xã trong việc quản lý và sử dụng đất đai.
Thực chất, đội xe này là của ông Võ Quyết Thắng (Bí thư Đảng ủy xã), giao lại cho con rể quản lý, độc quyền khai thác cát ở mỏ cát Hòa Lợi và đặt tên đội xe là “Cao Biền” (tên con rể của ông Thắng). Sau khi báo phản ánh, cái tên “Cao Biền” cũng bị vứt bỏ.
Trước khi buộc phải dừng hoạt động, đội xe “Cao Biền” đã kịp biến mỏ cát Hòa Lợi thành sân bãi trơ trọi, với những hố sâu trên 10m, dài trên 500m và sâu vào thôn 120m. Phía Bắc của mỏ cát hiện đang chông chênh một ngôi trường của thôn, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Phía Nam, liền kề mỏ cát, là cồn cát của hộ ông Nguyễn Văn Nuôi cũng bị đội xe “Cao Biền” đào xúc từ cuối năm 2016, độ sâu trên 5m, bề rộng hơn 30m và bề sâu vào thôn hơn 100m, khối lượng cát bị mất ước hơn 20.000m3.
Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên Mai Kim Lộc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, sẽ cho điều tra làm rõ vụ việc hủy hoại môi trường sống ở mỏ cát Hòa Lợi.
Ai trục lợi?
Theo ông Nguyễn Văn Nuôi, khi đào xúc đến khu vực mỏ cát trong khu vực gia đình ông, đội xe “Cao Biền” đã trả cho ông mỗi xe 20.000 đồng và 10.000 đồng đóng cho xã. Do nghèo, ông Nuôi chấp thuận mà không có một giấy tờ viết tay nào, không cần biết khối lượng cát đã bị đào xúc đi là bao nhiêu. Tổng số tiền ông được nhận từ đội xe “Cao Biền” đến ngày lập biên bản (21/3/2014) là 40 triệu đồng, lúc ông Biền đưa, lúc ông Đạo đưa (trong biên bản ghi là ông Đỗ Lưu Bửu Đạo), mỗi lần 5-7 triệu đồng. Điều này thật mâu thuẫn với con số ghi trong biên bản là mới bị đào xúc 200m3.
Còn với mỏ cát Hòa Lợi đã bị vét sạch, theo cách tính bằng mắt của người dân: Chiều dài dọc biển 500m x chiều sâu vào thôn 120m x chiều cao bị đào xúc 10m, tương đương 600.000m3. Giá “Cao Biền” xúc bán tại chỗ cho những ai có nhu cầu là 60.000 đồng/m3, nếu chở đến tận ao đìa nuôi tôm là từ 400.000 đồng/xe trở lên (5m3/xe), với giá ấy, nguồn thu từ mỏ cát Hòa Lợi lên đến gần 35 tỷ đồng. Vậy, những ai được trục lợi từ nguồn thu bất chính này? UBND xã Xuân Cảnh có gây “quỹ đen” từ việc trích lại 10.000 đồng/chuyến xe không? Nếu không thì tiền này về túi ai?
Trước sai phạm nghiêm trọng của UBND xã Xuân Cảnh, người dân đề nghị cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, về quản lý đất đai; đồng thời thu hồi lại số tiền bán cát trái phép. Chọn vị trí thích hợp và an toàn xây dựng lại trường học thôn cho học sinh học tập. Riêng phần cát của ông Nuôi bị đào xúc phải được san lấp trả lại hiện trạng ban đầu, để bảo vệ xóm làng.
Phi Công
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.