Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 10 năm 2017 | 5:17

Tiếp vụ nhà thầu Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch không có hóa đơn vẫn được thanh toán: Sai tới đâu xử lý đến đó!

Liên quan tới việc Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên thanh toán cho Công ty cổ phần Bắc Việt hơn 5 tỷ đồng mà không có hóa đơn giá trị gia tăng, phóng viên có buổi trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên và đại diện Kho Bạc Nhà nước tỉnh Thái nguyên để làm rõ.

>> Nhà thầu Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch không có hóa đơn vẫn được thanh toán!?

Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Sai tới đâu xử lý đến đó!

Ngày 6/10, Báo Kinh tế nông thôn có bài phản ánh dự án "Cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch kết hợp làm đường giao thông vào Trường Đại học Nông - Lâm và khu trung tâm ký túc xá sinh viên Đại học Thái Nguyên” được xây dựng từ nguồn ngân sách Trung ương, do Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên) làm chủ đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Điều bất thường của dự án là chủ đầu tư đã thanh toán trên 5 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Bắc Việt mà không có hóa đơn giá trị gia tăng.

Làm việc với phóng viên ngày 02/10/2017, Chi cục Thủy lợi thừa nhận vẫn chưa có hóa đơn của Công ty cổ phần Bắc Việt.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Sau khi biết thông tin, tôi đã yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi báo cáo. Kiểm tra hồ sơ lưu thì đúng là chưa có hóa đơn. Về hướng xử lý, sai tới đâu sở sẽ xử lý đến đó, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được hướng xử lý.

“Sở đang yêu cầu Chi cục Thủy lợi báo cáo một cách cụ thể, xem mức độ đến đâu, liên quan những cơ quan nào. Đồng chí Chính (ông Bùi Tiến Chính, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi , người chịu trách nhiệm toàn diện về dự án, nay chuyển sang vị trí Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên - PV) không còn công tác tại Chi cục nên sở không xử lý được mà chỉ đề xuất hướng xử lý về mặt tài chính lên UBND tỉnh và các cơ quan chức năng chuyên ngành như: tài chính, thuế, kế hoạch - đầu tư. Sau khi xử lý về tài chính, trên cơ sở đó, sở mới xử lý về trách nhiệm”, ông Hải nói.

Chỉ cần làm văn bản xin thanh toán mà không hề có hóa đơn, Công ty CP Bắc Việt vẫn được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng giải ngân.

Không có hóa đơn, Chi cục Thủy lợi phải chịu trách nhiệm

Liên quan đến vụ việc trên, ông Lê Trọng Hiệp, Trưởng phòng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên), cho biết, thời điểm năm 2014, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát theo Thông tư 86 của Bộ Tài chính về quy trình kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Trong Thông tư 86 quy định hồ sơ thanh toán, khi khối lượng hoàn thành được nghiệm thu theo giai đoạn thanh toán và điều kiện thanh toán trong hợp đồng, chủ đầu tư lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước, bao gồm: Bảng xác định khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng và đề nghị thanh toán có xác nhận đại diện bên giao thầu, đại điện bên tư vấn (nếu có) và đại điện nhận thầu theo phục lục 03 kèm theo.

Khi có khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng, chủ đầu tư gửi bảng giá trị xác định khối lượng phát sinh (nếu có) ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết. Đề nghị thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu, bên tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu theo phục lục 04. Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư hoặc thanh toán tạm ứng theo phục lục 05 kèm theo.

Cuối cùng là chứng từ chuyển tiền ban hành theo quy định của hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính mà không cần hóa đơn.

Theo ông Hiệp, chứng từ chuyển tiền là Giấy rút vốn đầu tư.

Ông Hiệp khẳng định, khi thanh toán tiền không cần hóa đơn. Kho bạc chỉ thực hiện theo đúng thông tư của Bộ Tài chính ban hành và theo quy trình của Kho bạc Nhà nước thì không cần hóa đơn. Vì tất cả các giấy tờ đó, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, chứ không phải trách nhiệm của kho bạc.

Vấn đề đặt ra là tại sao sau 3 năm chuyển tiền cho Công ty cổ phần Bắc Việt, đến ngày 2/10, Chi cục vẫn chưa nhận được hóa đơn? Vậy, Chi cục Thủy lợi lấy cơ sở nào để chuyển tiền? Đặc biệt, thời gian từ khi công ty có đề nghị thanh toán đến khi chuyển tiền diễn ra trong một thời gian rất ngắn!?

Trước những dấu hiệu bất thường trên, dư luận nghi ngờ có tiêu cực,  ăn chia giữa các bên, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nhóm PV

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top