Trong chăn nuôi, kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn dịch bệnh là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công và tạo thương hiệu trên thị trường.
Thanh Hóa: Khó khăn trong kiểm soát chất lượng giống vật nuôi
Hiện nay, Thanh Hóa có 16 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, 950 trang trại và 578.241 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với tổng đàn trâu 198.000 con, đàn bò 257.000 con, gần 1 triệu con lợn và 23 triệu con gia cầm. Để duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh cần khoảng 7,2 triệu con giống gia cầm, gần 300.000 con giống lợn từ các cơ sở sản xuất giống để đưa vào nuôi gối đàn. Tuy nhiên, bên cạnh 8 cơ sở nuôi giữ đàn gia cầm giống gốc, nguồn giống tự sản xuất ở các trang trại thì hiện nay phần lớn giống lợn và gia cầm phải nhập từ các tỉnh ngoài về và đây đang được xem là một trong những nguyên nhân gây nên dịch bệnh.
Tận dụng diện tích vườn đồi, gia đình chị Trần Thị Vân, xã Thọ Tân (Triệu Sơn) nuôi hơn 1.200 con gà. Khi bắt đầu nuôi, do chưa có kinh nghiệm, chị nhập giống tại cơ sở trôi nổi được quảng cáo trên mạng xã hội với giá thấp hơn so với các cơ sở giống được kiểm nghiệm chất lượng ở địa phương. Lứa gà đầu tiên, tỷ lệ sống chỉ đạt dưới 70%. Rút kinh nghiệm từ thực tế, những lứa nuôi tiếp theo, chị Vân đã nghiên cứu, tìm hiểu và mua con giống của các cơ sở có giấy chứng nhận kiểm dịch nên hiệu quả cao hơn hẳn. Với các hộ chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, về cơ bản đã chủ động được đàn lợn giống, nhưng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc tìm được nguồn giống bảo đảm chất lượng cũng không dễ dàng.
Có thể nói, giống vật nuôi là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người chăn nuôi; đồng thời, công tác quản lý giống có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất giống vật nuôi cho người dân. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải làm các thủ tục để được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống ra vào địa bàn tỉnh; yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không vận chuyển con giống mắc bệnh, từ vùng có dịch bệnh, không rõ nguồn gốc về địa phương; xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch...
Về phía chính quyền các địa phương cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, khuyến cáo và hướng dẫn người dân lựa chọn các loại giống vật nuôi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không mua các loại giống vật nuôi trôi nổi trên thị trường; đồng thời, cung cấp danh sách các cơ sở kinh doanh giống vật nuôi đủ điều kiện, có chất lượng để người dân lựa chọn.
Ninh Bình: Thúc đẩy liên kết trong nuôi, trồng thủy sản
Thúc đẩy liên kết chuỗi trong nuôi trồng thủy sản là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Với gần 22.500 ha mặt nước, 113 km sông nước chảy, 18 km đường bờ biển, Ninh Bình có tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng nuôi, trồng thủy sản tập trung. Dự tính năm 2020, diện tích đưa vào nuôi, trồng thủy sản của Ninh Bình sẽ đạt 14 nghìn ha, trong đó nước ngọt là 10,5 nghìn hecta, nước mặn lợ là 3,5 nghìn hecta; sản lượng ước đạt 53,6 nghìn tấn, giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc gắn kết các khâu trong hoạt động nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đang sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm qua thương lái, sản phẩm chủ yếu dưới dạng tươi sống không qua sơ chế, chế biến, do vậy thường bị ép giá. Để từng bước giải quyết những bất cập trên, thời gian qua, Chi cục Thủy sản phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, chính quyền các địa phương, hỗ trợ thành lập nhiều HTX, tổ hợp tác nuôi, trồng thủy sản. Qua đó hình thành nên mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm.
Tổ Thủy sản, HTX nông nghiệp Yên Bình (phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp) được thành lập năm 2019 với 27 hộ thành viên, quy mô diện tích là hơn 30 ha. Do các thành viên trong Tổ chủ yếu nuôi cá theo hình thức thâm canh và bán thâm canh với đa dạng các loại như: trắm cỏ, trôi, rô phi, chép... nên lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường khá ổn định, kéo dài suốt các tháng trong năm, sản lượng lớn (khoảng 1.600 tấn/năm).
Ông Vũ Văn Tấn, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Bình, tổ trưởng Tổ Thủy sản cho biết: Tham gia HTX đã giúp các thành viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi; thống nhất về bảo vệ môi trường nguồn nước. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Hỗ trợ nhau về giống, vốn, nguồn nhân lực. Hệ thống hạ tầng vùng nuôi, trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất. Nhờ đó, năm 2019, trung bình mỗi ha nuôi trồng của thành viên cho thu nhập 200 đến 250 triệu đồng.
Tại xã Gia Minh (huyện Gia Viễn), được các sở, ngành, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cơ chế, đầu năm 2019, HTX dịch vụ nuôi, trồng thủy sản Gia Minh được thành lập gồm 19 thành viên với chức năng, nhiệm vụ là cung cấp thức ăn, con giống, vật tư và đầu ra cho sản phẩm thủy sản. Do làm tốt khâu dịch vụ thức ăn, HTX đã làm lợi cho xã viên trong HTX và nhân dân 20% giá so với thị trường bên ngoài. Không chỉ vậy, HTX tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay đã ký hợp đồng tiêu thụ được 90% sản lượng thủy sản của HTX. Một năm, các thành viên HTX thu hoạch 2 vụ cá với năng suất trung bình 13-15 tấn/ha ao nuôi, tổng sản lượng ước đạt 300 tấn, doanh thu 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Đạt, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển thủy sản của tỉnh, thời gian qua, Chi cục đã chọn một số HTX, tổ hợp tác thủy sản để chuyển giao các kỹ thuật nuôi, trồng thủy sản mới, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường, hạn chế việc sử dụng kháng sinh để tạo ra các sản phẩm thủy sản an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, gắn kết sản xuất với việc tiêu thụ sản phẩm bằng cách giới thiệu, kết nối các cơ sở thu mua với các HTX, tổ hợp tác, từ đó thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Hưng Yên: Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường
Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên vừa có công văn về việc triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường từ ngày 20/9 đến ngày 20/10/2020.
Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, tiến hành phát quang cây cỏ, dọn sạch phân, rác xung quanh trang trại, chuồng trại chăn nuôi; khử trùng toàn bộ chuồng trại và vùng phụ cận; nâng cao mức độ an toàn cho chuồng trại, kiểm tra hố sát trùng, vệ sinh và khử trùng các phương tiện, vật dụng liên quan. Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tiến hành vệ sinh, khử trùng toàn bộ khu vực sau mỗi ca sản xuất và nơi quây nhốt. Tại chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, quét dọn và phun hóa chất khử trùng khu vực buôn bán, quầy bày bán, xử lý an toàn các chất thải. Đối với khu vực có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, tổ chức phun hóa chất khử trùng từ 1 đến 2 lần/tuần.
Đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Trích kinh phí mua hóa chất khử trùng, vôi bột, bảo hộ lao động, vật tư khác phục vụ cho công tác khử trùng tiêu độc và chi hỗ trợ tiền công cho đội phun hóa chất khử trùng tập trung. Phát động các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm tự mua hóa chất khử trùng, vôi bột để sử dụng.
Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, tích cực hưởng ứng Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Chi cục Thú y tỉnh hướng dẫn sử dụng, cung ứng, phân bổ hóa chất khử trùng cho các địa phương trong tỉnh; tăng cường phân công cán bộ thú y xuống cơ sở để kiểm tra việc thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, giám sát việc sử dụng hóa chất khử trùng bảo đảm đúng yêu cầu, đúng mục đích và hiệu quả.