Chỉ trong một ngày, trên địa bàn tỉnh Sơn La và Long An các cơ quan chức năng đã bắt gần 30 tấn lợn vận chuyển trái phép từ bên kia biên giới vào Việt Nam tiêu thụ.
Sơn La: Một ngày bắt 3 vụ vận chuyển lợn
Trong ngày 14/3, Đồn Biên phòng Chiềng On (Bộ Đội Biên phòng tỉnh Sơn La) đã phát hiện liên tiếp 3 vụ vận chuyển lợn trái phép từ Lào qua biên giới về Việt Nam tiêu thụ.
Cụ thể, vào hồi 8h20, Tổ tuần tra, kiểm soát phát hiện Nguyễn Quý Trọng và ông Lò Văn Thảo, cả hai đều trú tại xã Yên Sơn (huyện Yên Châu) đang điều khiển ô tô chở 30 con lợn với trọng lượng 2.067 kg.
Đến 10h15 phút, Tổ tuần tra, kiểm soát tiếp tục phát hiện Nguyễn Việt Dũng và Trần Trọng Diện điều khiển ô tô chở 34 con lợn với trọng lượng 2.418 kg.
Không lâu sau, 12h35 phút, Tổ tuần tra, kiểm soát phát hiện tiếp ông Lường Văn Ngoan, và Lò Văn Đức, cùng trú tại xã Yên Sơn, (huyện Yên Châu) đang điều khiển xe ôtô chở 33 con lợn với trọng lượng 2.292 kg.
Như vậy, chỉ trong 1 ngày Đồn Biên phòng Chiềng On đã ngăn chặn, thu giữ gồm 97 con lợn, với tổng khối lượng là 6.777 kg và 3 xe ô tô tải. Lực lượng biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn trên theo quy định.
Long An: Chặn đứng gần 20 tấn lợn chuẩn bị đưa đi tiêu thụ
Cũng trong ngày 14/3, lực lượng Cảnh sát môi trường, Bộ Công an phối hợp với lực lượng chức năng huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An bắt quả tang số lượng lớn lợn sống vận chuyển trái phép từ bên kia biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.
Điểm tập kết được các tối tượng ngụy trang bởi một xưởng gỗ rất lớn tại xã Thái Bình Trung, (Vĩnh Hưng, Long An) chỉ cách biên giới khoảng 5km. Kiểm đếm nhanh, lực lương chức năng phát hiện tổng số lợn là 220 con, khoảng gần 20 tấn. Tất cả số lợn này được vận chuyển nhỏ lẻ từ bên kia biên giới, đưa về bãi tập kết rồi chuyển lên các xe tải chuyên dụng cỡ lớn đưa về các tỉnh tiêu thụ.
Làm việc với lực lượng chức năng, các lái xe khai chỉ biết chở thuê, không biết chủ hàng là ai cũng không biết chở cho ai.
Trong khi cả nước đang nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, dịch tả lợn châu Phi việc các đối tượng vận chuyển từ bên kia biên giới vào Việt Nam có nguy cơ cao lây lan, bùng phát dịch. Trước thực trạng này các cơ quan chức năng các tỉnh dọc biên giới cần tăng cường hơn nữa để kịp thời phát hiện, ngăn chăn các đối tượng vận chuyển lợn vào Việt Nam.
Hà Giang: Khởi tố bị can buôn lậu khẩu trang y tế
Mới đây, Công an tỉnh Hà Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng để điều tra một đối tượng buôn lậu hơn 186.000 khẩu trang y tế kháng khuẩn qua biên giới. Có thể đây là đối tượng đầu tiên trong cả nước bị khởi tố vì buôn lậu khẩu trang y tế từ khi dịch covid -2019 bùng phát.
Bị can bị khởi, lệnh bắt tạm giam 4 tháng để điều tra là Giàng Thị Lan, trú tại xã Xín Cái (Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) về tội buôn lậu, quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự.
Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, vào 18 giờ ngày 2/2, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tổ công tác Đồn Biên phòng Xín Cái (huyện Mèo Vạc) phát hiện và kiểm tra xe ôtô tải biển kiểm soát 22C-046.36 đang đi hướng ra Mốc 465, trên xe vận chuyển 186.600 chiếc khẩu trang y tế kháng khuẩn.
Lái xe là Nguyễn Văn Huy, tạm trú tại xã Xín Cái, đi cùng trên xe có Giàng Thị Lan. Tại thời điểm kiểm tra, cả hai người không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa nên đã bị tổ công tác của Đồn Biên phòng Xín Cái bắt giữ và chuyển kiến nghị khởi tố đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang.
Quá trình điều tra, Lan đã có hành vi móc nối với các đối tượng thu mua khẩu trang y tế trong nước đưa sang Trung Quốc tiêu thụ với giá cao.
Hành vi của Lan có đủ dấu hiệu của tội buôn lậu, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra làm rõ.
Phú Yên: Phạt Công ty Tâm Hưng 70 triệu đồng
Mới đây, Cục QLTT Phú Yên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dược Tâm Hưng do ông Đỗ Tấn Lợi làm Giám đốc với số tiền phạt 70 triệu đồng về hành vi sản xuất trang thiết bị y tế (khẩu trang y tế) không có Giấy chứng nhận lưu hành.
Trước đó, Cục QLTT Phú Yên và Đoàn kiểm tra liên ngành BCĐ 389 tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang y tế tại thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thuộc Công ty TNHH Dược Tâm Hưng, có trụ sở tại 105 Nguyễn Thái Học, phường 5, thành phố Tuy Hòa do ông Đỗ Tấn Lợi làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản tạm giữ toàn bộ gần 79.250 chiếc khẩu trang y tế thành phẩm, được đựng trong các thùng giấy có ghi nhãn hiệu của Công ty TNHH Dược Tâm Hưng chuẩn bị mang đi tiêu thụ khi cơ sở này chưa đủ điều kiện sản xuất và lưu hành.
Ngoài ra còn có 1.623 kg nguyên liệu sản xuất làm khẩu trang y tế là vải không dệt và dây thun… không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Sau khi xác định hành vi vi phạm, Cục QLTT Phú Yên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dược Tâm Hưng số tiền phạt 70 triệu đồng về hành vi sản xuất trang thiết bị y tế (khẩu trang y tế) không có giấy chứng nhận lưu hành.
Ngoài ra, biện pháp khắc phụ hậu quả buộc tiêu hủy 79.250 chiếc khẩu trang y tế do Công ty TNHH Dược Tâm Hưng sản xuất nhưng chưa đủ điều kiện lưu hành.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.