Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 4 năm 2021 | 23:33

Tin PL: Tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu

Kiểm tra đột xuất 4 địa điểm kinh doanh lực lượng Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng phát hiện hơn 2.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, giả mạo nhãn hiệu. Ngay sau đó, toàn bộ số hàng này đã bị tam giữ.

 Lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng kiểm tra phát hiện hàng giả, hàng nhái.

 

Mới đây, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã đồng loạt tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 4 địa điểm kinh doanh hàng hóa là các mặt hàng đồ du lịch, đồ dã ngoại, đồ cắm trại, đồ phượt phục vụ cho hoạt động thể thao, du lịch, dã ngoại trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra tại 4 địa điểm kinh doanh, Cục Quản lý thị trường đã tạm giữ tổng cộng 2.155 sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; trong đó, có 921 sản phẩm gồm áo khoác, giày, quần, balo, túi đeo, găng tay có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “THE NORTH FACE”.

Số lượng hàng hóa tạm giữ tại các địa điểm gồm: số 155C Lê Đình Lý, quận Hải Châu, tạm giữ 1.228 sản phẩm; số 15 Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê tạm giữ 172 sản phẩm; số 335 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu tạm giữ 138 sản phẩm và địa điểm số 119 Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà tạm giữ 617 sản phẩm.

Đắk Nông tiêu hủy hơn 5.300 hộp sữa bột giả

Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Đắk Nông vừa tiêu hủy hơn 5.300 hộp sữa bột Omega 369 Q10 Alaska giả, trị giá trên 1,1 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 07/4/, tại Trạm xử lý rác thành phố Gia Nghĩa, địa chỉ thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông), Hội đồng tiêu hủy hàng hóa tịch thu tỉnh Đắk Nông đã tiến hành tiêu hủy 5.316 hộp sản phẩm dinh dưỡng sữa bột Omega 369 Q10 Alaska giả không có giá trị sử dụng, có tổng giá trị 1.121.940.000 đồng. Hội đồng tiêu hủy đã chọn hình thức tiêu hủy không gây ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng biện pháp cơ học, bằng hình thức cho xe cán dập và chôn lấp.

 

 Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông chuẩn bị tiêu huỷ hơn 5.300 hộp sữa bột giả.

 

Việc tiêu hủy sản phẩm dinh dưỡng sữa bột Omega 369 Q10 Alaska giả nhằm xử lý nghiêm vi phạm, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh.

Xét xử vụ sản xuất xăng giả do Trịnh Sướng cầm đầu

Ngày 8/4, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” với 39 bị cáo, ngụ ở nhiều tỉnh, thành như: Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Nai…

Trước đó, vào ngày 12/1, phiên tòa đã mở nhưng phải hoãn vì vắng mặt 3 bị cáo, đồng thời gia đình bị cáo Lê Châu Phước Hưng (ở TP Hồ Chí Minh) được người thân nộp giấy chứng nhận bị cáo bệnh tâm thần. Do đó, các luật sư và đại diện Viện KSND đã đề nghị hoãn tòa và được HĐXX chấp nhận để làm rõ giấy chứng nhận tâm thần nhằm không ảnh hưởng đến các bị cáo khác.

 

 Bị cáo Trịnh Sướng (ngồi giữa, hàng đầu) cùng đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm sáng 8/4. (Ảnh PLO).

 

Được biết, đường dây sản xuất, tiêu thụ xăng dầu giả này do Trịnh Sướng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng cầm đầu. Từ năm 2008 đến khi bị triệt phá từ tháng 1/2019 đến cuối tháng 5/2019, đường dây này đã sản xuất hơn 137 triệu lít xăng dầu giả và đã bán ra thị trường hơn 133 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 136 tỷ đồng. Riêng Trịnh Sướng thu lợi hơn 102 tỷ đồng.

Vụ buôn lậu, sản xuất 200 triệu lít xăng giả, bắt thêm 1 Tổng giám đốc

Liên quan tới đường dây buôn lậu, sản xuất hơn 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu, Công an tỉnh Đồng Nai mới bắt tiếp 1 Tổng Giám đốc công ty xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, ngày 7/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm, số 60A Hoàng Quốc Việt, phường Phú Mỹ, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm có vốn đầu tư 153 tỷ đồng, do ông Trần Huy Lập làm Tổng Giám đốc. Ngoài việc khám xét trụ sở công ty nêu trên, lực lượng chức năng cũng tổ chức khám xét nhà riêng, đồng thời tống đạt quyết định khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Trần Huy Lập.

Cùng ngày 7/4, Công an tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và Công an các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước khám xét thêm 9 địa điểm là các cây xăng trong hệ thống công ty nêu trên.

Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an chia thành 14 tổ công tác với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của những đối tượng trong đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả tại các tỉnh, thành: Đồng Nai, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, TP Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh.

 

 Công an và Viện KSND khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm, số 60A Hoàng Quốc Việt, phường Phú Mỹ, quận 7, TP Hồ Chí Minh. 

 

Tang vật thu được gồm: 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 sà lan có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỷ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.

Trung bình mỗi ngày đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng. Từ tháng 8/2020 đến khi bị triệt phá, bắt giữ, đường dây này đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.

Như vậy, đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 40 bị can về các hành vi “Buôn lậu”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp ngân sách Nhà nước” theo điều 188, 192 và 203 Bộ luật Hình sự 2015.

Phạt 53 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Ngày 8/4, Công an tỉnh Nghệ An, cho biết, cơ quan này mới ra quyết định xử phạt 210 triệu đồng với 53 công dân Trung Quốc về hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất, nhập cảnh.

 

 

Trong số 53 người có một trường hợp chưa đủ 18 tuổi nên chịu mức phạt 2 triệu đồng, số người còn lại bị xử phạt 4 triệu đồng/người. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng bàn giao số người này cho cơ quan chức năng phía Trung Quốc sau khi đã cách ly y tế tập trung phòng dịch đủ thời gian theo quy định và có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với Covid-19.

Liên quan đến vụ việc này, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cũng đã chuyển hồ sơ về tài xế và chủ xe chở 53 người quốc tịch Trung Quốc đề nghị Công an tỉnh Nghệ An khởi tố về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top