Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 9 năm 2015 | 8:37

Tính phần trăm tiền hỗ trợ xây nhà tình nghĩa: Lòng nhân ái bị biến tướng

Những đóng góp từ tiền tiết kiệm, trích từ lương của chiến sĩ hải quân và nhiều nhà hảo tâm khác được Hội truyền thống cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn 126, Hải quân khu vực Nghệ Tĩnh chuyển đến giúp các gia đình cựu binh hải quân gặp khó khăn xây nhà tình nghĩa. Nhưng chính một số người trong Hội này sau đó quay lại đòi tiền hoa hồng, trích phần trăm.

Tấm biển trao tặng nhà tình nghĩa được ông Trần Minh Châu đặt trang trọng ngay giữa gian chính ngôi nhà.

Áy náy vì còn nợ tiền ban liên lạc

Với gương mặt khắc khổ, ông Trần Minh Châu (SN 1951), ở khối 1, xã Nghi Thủy (TX. Cửa Lò - Nghệ An) không giấu nổi sự xúc động khi nhắc đến ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng bởi tấm lòng của các chiến sĩ hải quân. Ông Châu từng là chiến sĩ đặc công nước, tháng 12/1970, khi 20 tuổi, ông gác bút nghiên lên đường đi bộ đội, thuộc Lữ đoàn 126 đặc công, Quân chủng Hải quân, chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế.

Tháng 9/1977, ông Châu phục viên rồi  lập gia đình năm 1978. Vợ ông là bà Mai Thị Xuân, từng là thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Hai người có với nhau 4 người con, cuộc sống chỉ dựa vào nghề đi biển bấp bênh của ông nên vô cùng vất vả. Sức khỏe yếu dần, di chứng chiến tranh hành hạ, ông đành bỏ nghề đi biển, ở nhà mở cửa hàng bơm vá, sửa chữa xe đạp, xe máy.

Nhưng tai họa cứ liên tiếp ập xuống gia đình vốn đã chịu muôn vàn khó khăn, khiến cho ông không thể nào “để dành được tiền của trong nhà”. Bà Xuân 5 năm trước bị ung thư vú, phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên bầu ngực. Con trai đầu của ông Châu sau khi lấy vợ không lâu thì ốm rồi mất, để lại người vợ trẻ với đứa con mới 3 tháng tuổi. Đến nay, chị lại bị u tuyến nước bọt, giành giật sự sống từng ngày. Con gái thứ 2 thì mắc bệnh tim bẩm sinh, năm ngoái, sau khi lấy chồng, trong cơn vượt cạn sinh con, người mẹ đã không qua khỏi. Còn lại con trai út chưa lập gia đình và 1 cô con gái lấy chồng xa, vất vả mưu sinh chưa giúp được gì cho cha mẹ. Ngôi nhà xập xệ, dột nát là nơi “đi ra, đi vào” của 7 - 8 nhân khẩu trong nhà.

Năm 2014, Hội truyền thống CCB Lữ đoàn 126, Hải quân khu vực Nghệ Tĩnh đến thăm và giúp ông Châu làm đơn xin sự ủng hộ, trợ giúp của cộng đồng để xây nhà. Sau đó, được Bộ tư lệnh vùng 1 Hải quân trao tặng 60 triệu đồng, vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng, ông đã cất được ngôi nhà 2 gian kiên cố. Trưa ngày 2/3/2015, Hội truyền thống CCB Lữ đoàn 126 thay mặt anh em chiến sĩ hải quân cùng với chính quyền địa phương làm lễ trao tặng nhà tình nghĩa cho ông Châu.

Nhưng sau khi các vị khách và đại biểu vừa bước ra khỏi nhà, “một đồng chí tên Đồng, trong Hội truyền thống ở lại, nói chuyện riêng với tôi. Đồng chí ấy nói rằng, trong số tiền được ủng hộ đó, gia đình phải trích 20% phần trăm chi phí “đi lại”, làm hồ sơ, thủ tục cho Hội, số tiền là 12 triệu đồng. Tôi nghĩ như thế cũng hợp lý, vì nếu không có Hội giúp đỡ, tôi cũng đâu có nhận được số tiền lớn như thế để làm nhà. Nhưng lúc đó tôi chỉ còn có 10 triệu đồng nên đưa luôn cho đồng chí ấy”, ông Châu kể lại.

Ngôi nhà tình nghĩa chỉ có 2 gian nhỏ, nhưng với ông Châu là niềm hạnh phúc lớn lao, là ước mơ cả đời bây giờ mới thành hiện thực, là niềm an ủi động viên đứa con dâu đang bệnh nặng. Tấm biển trao tặng nhà tình nghĩa ông đặt trang trọng ngay giữa gian chính ngôi nhà, như muốn khắc ghi tình cảm đồng đội.

“Cả đời tôi coi như trọn vẹn nghĩa vụ với quê hương, đất nước. Chỉ có điều cuộc sống vất vả quá, bây giờ, được ở trong ngôi nhà đồng đội xây cho, tôi ấm lòng lắm. Nhưng hiện tôi vẫn đang “nợ” Hội 2 triệu đồng, chưa trả được”, người cựu chiến binh áy náy.

Vợ chồng ông Trần Công Trường trong ngôi nhà ấm tình đồng đội

Ông Trần Công Trường (SN 1951), xóm 4, xã Xuân Lam (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) cũng là cựu chiến binh hải quân, được trao tặng nhà tình nghĩa vào tháng 3/2015. Tuy không bị đòi “lộ phí” khi vừa mới làm lễ trao tặng nhà như ông Châu nhưng một người trong Hội có hẹn 1 tháng sau sẽ vào lấy tiền phần trăm.

Ông Trường nhập ngũ năm 1970,  là đặc công nước, thuộc Lữ đoàn 126 Hải quân, vào sinh ra tử ở những chiến trường ác liệt: vịnh Cam Ranh, đảo Phú Quý, đảo Phú Quốc…, tham gia giải phóng miền Nam. Sau năm 1975, ông Trường về Quân khu 5. Năm 1982, ông phục viên, là bệnh binh 1/3. Trở về quê nhà, ông vẫn tham gia nhiệt tình các hoạt động khác ở địa phương. Nhưng gia đình đông con, 2 vợ chồng chỉ làm nông nghiệp nên cuộc sống quá khó khăn, vất vả.

Sau bao năm cả gia đình sống chen chúc trong ngôi nhà dột nát, nhờ có tấm lòng của các chiến sĩ Đoàn 126 Hải quân trao tặng 60 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn, ông Trường đã có được ngôi nhà đẹp đẽ. Với ông,  ngôi nhà là một “vật báu trong đời”, là kỷ niệm thiêng liêng thể hiện sự quan tâm của đơn vị, đồng chí, đồng đội dành cho người cựu chiến binh. “Những ngày đầu tiên được ở trong nhà mới, ngửi mùi sơn mới, tôi không làm sao ngủ được, cứ ngỡ như mơ, mừng lắm.  Sau đó khoảng 1 tháng, có 4 đồng chí bên Hội truyền thống vào nói xin “trích tiền thuốc nước” với số tiền 15 triệu đồng. Tôi cũng cảm ơn hội rất nhiều, vì nếu không có họ làm cầu nối, tôi làm sao biết viết đơn trình bày hoàn cảnh của mình gửi đi các nơi xin ủng hộ. Thế nên, 2 vợ chồng đã vay mượn tiền để trả đủ cho ban liên lạc. Số tiền này do anh Đồng bảo anh Tao đứng ra nhận’’.

Bơ xúc động  trong căn nhà mới: “Thằng Hòa nó không về được nữa, nhưng đồng đội nó về xây nhà cho mẹ đây rồi”.

Mẹ Việt Nam anh hùng cũng bị vòi “hoa hồng”

Phần lớn các gia đình được trao tặng nhà tình nghĩa đều là những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, với mỗi ngôi nhà, sau khi hoàn thành, lại có người của Hội truyền thống CCB Lữ đoàn 126 Hải quân khu vực Nghệ Tĩnh đến xin trích từ 20 - 25%. Ngay cả nhà của mẹ liệt sĩ cũng không ngoại lệ.

Bà Nguyễn Thị Bơ, ở xóm Đại Hải, xã Thạch Hải (Thạch Hà - Hà Tĩnh) năm nay 85 tuổi, chân yếu, mắt mờ nhưng nỗi nhớ về đứa con trai duy nhất, liệt sỹ Nguyễn Bá Hòa thì vẫn vẹn nguyên. Con trai của mẹ nhập ngũ năm 1970. Bà kể: “Tui còn nhớ bữa đó, cha nó dắt con đưa lên huyện để đi bộ đội tình nguyện. Trước khi đi, nhà nghèo, tui chỉ nấu cho nó được bữa cơm với cà. Sau đó, có một lần về tranh thủ, nó nấu cơm cho mẹ, cơm với rau má, nhưng tui mừng lắm, nhớ mãi. Rồi nó lại lên đường, nó dặn mẹ ở nhà chờ, sau ni con về, con nuôi mẹ, con xây nhà to cho mẹ ở…”.

Nhưng đến tháng 4/1975, khi chỉ còn 2 ngày nữa là hòa bình thì người chiến sĩ ấy đã hy sinh tại căn cứ Cần Giờ, Sài Gòn. Ở quê nhà, người cha - ông Nguyễn Bá Tiến, nhận giấy báo tử của con, lặng lẽ nói với vợ: “Rứa là thằng Hòa nó không về nữa mô bà nà”!

Ông Tiến cũng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp, vận tải quân sự theo đường biển; bà Bơ ở nhà tham gia dân công hỏa tuyến, nuôi bộ đội trong nhà. Vợ chồng sinh được 8 người con, mất 2 còn 6, các con đều vất vả, khó khăn. Năm 2013, ông Tiến mất, còn lại mẹ Bơ sống với đứa con gái thứ 5 lấy chồng tận trong Bình Định, nhưng chồng đánh đập, khổ quá không chịu nổi, dắt díu theo 4 đứa con về ở với bà ngoại. Thế là mẹ con bà cháu sống trong ngôi nhà tạm bợ đã 2 lần sập tường, tốc mái.

Thấy hoàn cảnh của mẹ, cán bộ Hội truyền thống CCB Lữ đoàn 126 Hải quân khu vực Nghệ Tĩnh đến hướng dẫn cho mẹ các thủ tục để xin nhận trợ giúp và ký hợp đồng vào giấy cam kết trả tiền phần trăm. Sau đó, mẹ được Học viện Hải quân tài trợ 70 triệu đồng để xây nhà, mẹ mừng rưng rưng: “Thằng Hòa nó không về được nữa, nhưng đồng đội nó về xây nhà cho mẹ đây rồi”.

Hôm trao nhà tình nghĩa, có đông người đến dự, ngoài đại diện Học viện Hải quân, còn có Hội truyền thống CCB Lữ đoàn 126 và cán bộ xã. Trong dịp đó, UBND xã Thạch Hải cũng tặng mẹ Bơ 1 triệu đồng. “Tuy nhiên, sau khi việc trao nhà hoàn tất, có một đồng chí của Hội ở lại, nói xin trích tiền hoa hồng. Họ nói mỗi nhà trích 25%, nhưng mẹ khổ ra rứa nên chỉ lấy 20% thôi, thế nên họ lấy của mẹ 14 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Thu, con gái mẹ Bơ kể lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải, cho biết: “Hôm trao nhà cho mẹ Bơ, chính quyền xã cũng có mặt chứng kiến, nhưng chúng tôi chỉ biết là có trao tiền, còn việc lấy lại tiền hoa hồng thì quả thật không rõ”.

Cũng theo ông Chiến, hoàn cảnh nhà mẹ Bơ rất khó khăn, nhưng chính quyền xã chưa xóa nhà tạm bợ cho mẹ được, bởi ở xã này những hộ nghèo, phải ở nhà tạm như mẹ rất nhiều.

Còn ông Trần Văn Dụ, nguyên Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống CCB Lữ đoàn 126, Hải quân khu vực Nghệ Tĩnh, cho biết: Trước đây, có nghe lùm xùm việc bớt xén tiền tình nghĩa, tôi thấy buồn quá nên xin ra khỏi Hội, không sinh hoạt nữa. Trước khi nghỉ, tôi đã viết thư nói rõ sự việc này và cảnh báo cho các đồng chí trong ban biết được việc “con sâu làm rầu nồi canh”. Bây giờ tôi không biết họ xin những nguồn tiền nào, nhưng việc họ lấy hoa hồng 20 - 25%  của các gia đình cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ khó khăn thì xót xa quá. Làm thế khác gì biến việc làm tình nghĩa thành kinh doanh trên uy tín của đồng đội, ảnh hưởng đến hình ảnh cao quý của bộ đội Cụ Hồ”.

Chia sẻ về sự việc, ông Vũ Xuân Tình, chính trị viên phó đơn vị Hải đội 137 Vùng 1 Hải quân, hết sức bất ngờ: “Xây nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh hải quân là phong trào được phát động trong lực lượng hải quân. Số tiền được tiết kiệm, trích từ lương của anh em, từ tình đồng đội, vì vậy, việc bớt xén phần trăm của Ban liên lạc là sai”.

Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Đình Sin (xóm Xuân Hùng, xã Hưng Lộc, TP.Vinh), Trưởng ban liên lạc Hội CCB Hải quân Nghệ Tĩnh xác nhận việc người của Ban liên lạc xin trích tiền “thuốc nước” của các cựu binh, gia đình liệt sỹ được hỗ trợ nhà tình nghĩa là có thật.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Đồng (ở xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An, phụ trách Hội truyền thống CCB đặc công nước 126) và một số người trong Hội truyền thống cho rằng, việc này đã được tập thể thống nhất và đây không phải là tiền hoa hồng mà là tiền các gia đình tự nguyện cảm ơn, được dành làm quỹ để thăm hỏi, hiếu hỷ.

Được biết, Hội truyền thống CCB Lữ đoàn 126 Hải quân khu vực Nghệ Tĩnh được thành lập năm 2004, lấy ngày 5/8 - “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” làm ngày gặp mặt. Hội đã nhập vào Ban liên lạc Hội CCB Hải quân khu vực Nghệ Tĩnh từ ngày 5/8/2014. Vai trò của Hội là kết nối các cựu chiến binh hải quân sinh hoạt cùng nhau. Đồng thời thành lập quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh cựu chiến binh gặp khó khăn, kêu gọi sự ủng hộ, quyên góp của anh em chiến sĩ hải quân và những tấm lòng hảo tâm. Tuy nhiên, mục đích, ý nghĩa của những việc làm nhân ái này đang bị “biến tướng” bởi một số người trong Hội. Được biết, Hội truyền thống CCB Lữ đoàn 126 đã giúp đỡ được 12 gia đình, nếu cứ trích phần trăm như thế thì số tiền không hề nhỏ.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục xác minh và cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Đình Lam

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top