Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2019 | 12:3

TMĐT nông thôn: Đề cao cơ chế bảo vệ người tiêu dùng

Thương mại điện tử (TMĐT) trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển. Song, thực tế hoạt động này chưa tạo được niềm tin của người tiêu dùng (NTD), đặc biệt là NTD tại khu vực nông thôn,...

tr6.jpg
Khách hàng kiểm tra hàng trước khi nhận. (Ảnh. GHTK)

 

Thương mại điện tử (TMĐT) trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển. Song, thực tế hoạt động này chưa tạo được niềm tin của người tiêu dùng (NTD), đặc biệt là NTD tại khu vực nông thôn, khi mà tranh chấp trong hoạt động mua bán trực tuyến thường xuyên xảy ra. 

Giải pháp khắc phục tình trạng trên là hoàn thiện khung pháp lý để TMĐT hoạt động minh bạch, lành mạnh, bảo vệ tối đa quyền lợi NTD.

Kiểm soát từ “đầu nguồn”        

Thời gian tới, TMĐT sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam. Nhưng theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, vẫn còn rào cản khiến TMĐT chưa thể phát triển bền vững, đó là lòng tin của NTD vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ không giống như quảng cáo và tính bảo mật khi thanh toán qua mạng.

Theo thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thời gian qua, hàng loạt đơn khiếu nại của NTD được gửi về Văn phòng tư vấn khiếu nại vì mua hàng qua mạng không đúng như quảng cáo. Những “hạt sạn” này rõ ràng đang cản trở sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong vòng 4 năm, từ 2014 đến 2018, lực lượng quản lý thị trường  (QLTT) toàn quốc xử lý 1.024.000 vụ, tổng số tiền xử phạt và nộp ngân sách 92 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2018, xử lý 232.000 vụ và nộp ngân sách 490 tỷ đồng. Đây là những con số thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương và các địa phương. Trong điều kiện kinh tế mở như hiện nay, công tác chống hàng giả, hàng nhái đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Tuy nhiên, để quyền lợi của NTD được đảm bảo, các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chế tài, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng đến NTD cần được đẩy mạnh. “Nếu không kiểm soát từ đầu nguồn thì công tác này gặp rất nhiều khó khăn”, Thứ trưởng  Đặng Hoàng An  nhấn mạnh

Minh bạch thông tin hàng hóa

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết: TMĐT tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là 25-30%/năm. Riêng trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng  đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ TMĐT đạt trên 8 tỷ USD.

Song hành với tốc độ phát triển, TMĐTcũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Do tính đặc thù của TMĐT như người mua và người bán không gặp nhau mà chỉ liên hệ trên môi trường mạng, cùng với các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, vì vậy, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho NTD, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững, mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD tổ chức tập huấn “Bảo vệ quyền lợi NTD trong TMĐT” và lễ cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”.

Hoạt động này nhằm tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; bên cạnh đó còn góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT trong việc bảo vệ NTD, cam kết bán hàng hoá đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Một số sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam tham gia ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT” như: Adayroi.com, Ladada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn... Sau lễ ký kết, các sàn TMĐT sẽ được gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website nhằm minh bạch thông tin hàng hóa; minh bạch thông tin về số hotline, quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn.

Hệ thống pháp luật đang hoàn thiện

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, thế giới đang phát triển mạnh mô hình TMĐT. Đặc biệt, mô hình TMĐT doanh nghiệp đến NTD (B2C) sẽ phát triển mạnh với mức tăng trưởng 20%/năm, đạt khoảng 3.400 tỷ USD, trong đó TMĐT xuyên biên giới chiếm 30% (đạt khoảng 1.000 tỷ USD). Tại Việt Nam, đến năm 2020, dự kiến có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người.

Theo đó, TMĐT trên nền tảng di động và TMĐT định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Bên cạnh website TMĐT, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam. Hiện, số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến không ngừng gia tăng. Số doanh nghiệp sử dụng nền tảng di động như kênh liên lạc giữa nhà bán lẻ và NTD ngày càng nhiều. Do đó, việc quản lý các mạng xã hội kinh doanh TMĐT cũng như nền tảng di động càng trở nên cấp thiết.

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để buộc các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong TMĐT không được thực hiện một số hành vi có thể xâm hại tới quyền và lợi ích của NTD. Nhưng thực tế, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD chưa có tính khả thi cao. Vì vậy, cùng với quá trình phát triển TMĐT, Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.

Ông Nguyễn Quang Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện tử Phú Thịnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn, nên chăng cần định hướng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT để có một chuẩn chung, chứ tự phát như hiện nay thì chịu thiệt đầu tiên là NTD.

TS. Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho hay, cùng với việc tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, cần nâng cao sự hiểu biết của NTD về TMĐT, đặc biệt là các đối tượng cư dân khu vực nông thôn. Hiện, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các chương trình đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tạo niềm tin cho NTD trong việc lựa chọn doanh nghiệp tin cậy để giao dịch; các mô hình về giải quyết rút gọn khiếu nại của NTD; các công cụ nhằm phát hiện và ngăn chặn các loại hình lừa đảo trực tuyến. Về phía các doanh nghiệp bán hàng qua mạng, bên cạnh việc tiếp cận công nghệ hiện đại, cần nâng cao chất lượng và bảo đảm thương hiệu của doanh nghiệp để sản phẩm, dịch vụ tạo được sự tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp.

Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của NTD và xem bảo vệ quyền lợi NTD là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ NTD. Có giải pháp căn cơ, hiệu quả phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khỏe, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, an toàn của NTD, đồng thời tạo điều kiện để NTD nâng cao khả năng tự bảo vệ. Hoàn thiện các chế tài đủ răn đe đối với những hành vi sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, tính mạng..., nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các đối tượng NTD yếu thế. Xây dựng cơ chế phù hợp để có kinh phí cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi của NTD.

Đẩy mạnh hoạt động phân tích, kiểm định, đánh giá, kiểm soát, không để lưu thông trên thị trường những hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho NTD.

Mặt khác, cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ đối với NTD, coi đây là lợi thế cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời khuyến khích, động viên các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, giá thành hợp lý, có uy tín, thương hiệu trên thị trường cung cấp thông tin đến NTD. Có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

Nếu các cơ quan quản lý chậm trễ hoặc doanh nghiệp Việt không tạo dựng được niềm tin với NTD thì rất có thể, thị trường gần 100 triệu người sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top