Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2019 | 13:37

TP Hà Tĩnh: Nhiều trụ sở bỏ hoang trên “đất vàng”!

Nằm trên “đất vàng” nhưng nhếch nhác, bẩn thỉu, thậm chí thành nơi vệ sinh công cộng... là những gì thấy được tại trụ sở các cơ quan nhà nước đã bị bỏ hoang lâu nay tại TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).

tr15d.JPG
Trụ sở của Tỉnh đoàn hoang phế.

 

“Đất vàng” bỏ hoang

Đường Phan Đình Phùng là một trong những tuyến đường có vị trí đắc địa, sầm uất nhất ở TP. Hà Tĩnh, thế nhưng, có  3 trụ sở cũ bị bỏ hoang, xuống cấp, nhếch nhác nhiều năm nay.

“Cơ ngơi” đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là trụ sở làm việc của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, 3 tầng, nhà cửa nguyên vẹn với diện tích đất rộng hàng ngàn mét vuông bỏ hoang. Đối diện là cơ ngơi của Tỉnh Đoàn, 4 tầng, một thời vang bóng, nay đứng trước hoang phế điêu tàn.

Cách đó không xa là trụ sở của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh (71 Phan Đình Phùng) với cơ ngơi 3 tầng, đóng cửa từ nhiều năm nay, cả tòa nhà mặt tiền rộng lớn chỉ treo 1 tấm biển to đùng choán cả 3 tầng “Giày Tuấn” thay cho cái biển Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh trước đây.

Nằm ngay cạnh khu vực chợ tỉnh, trên đường Đặng Dung, là Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, đây từng là nơi đào tạo những học sinh giỏi nhất tỉnh này. Tuy nhiên, nhiều năm không sử dụng, công sở này trở thành bãi đáp của con nghiện. Tại các phòng học không có khóa, đầy bơm kim tiêm, ống thuốc, lưỡi lam, vỏ thuốc lá vương vãi...

Hiện tại, TP. Hà Tĩnh còn nhiều trụ sở cũ bị bỏ hoang sau khi đơn vị sử dụng được chuyển về địa điểm mới như trụ sở UBND phường Nam Hà, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thống kê, Cục Thi hành án dân sự…  cùng chung “số phận” khi rao bán không có người mua.

Vì sao khó bán?

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, ông Hà Văn Trọng, Giám đốc Sở Tài chính tiết lộ, có trụ sở cũ bỏ hoang từ lâu nhưng hàng năm địa phương vẫn phải trích ra một số tiền để tu bổ, sửa chữa tránh xuống cấp.

Ông Trọng cho biết, các tài sản công kể trên bỏ hoang từ  năm 2013 đến nay, trước đây tỉnh đã có phương án đấu giá nhưng vẫn chưa bán được.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Công văn số 342/TTg-V.I về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên việc mua bán các tài sản công tại Hà Tĩnh cũng tạm dừng.

Cũng theo ông Trọng, hiện nay, Luật Quản lý sử dụng tài sản công cho phép bán đấu giá các tài sản khi không còn nhu cầu sử dụng. Để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước, các tài sản công trên không được bán chỉ định, trừ khi có ý kiến của Chính phủ.

Những năm qua, Sở Tài chính đã đề xuất một số giải pháp xử lý đối với các trụ sở cũ này. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý một số trụ sở cũ như Tỉnh đoàn, Sở Nông nghiệp và PTNT, Nhà khách Hương Sen, Hội liên hiệp Phụ nữ. Giao UBND TP. Hà Tĩnh quản lý một số trụ sở cũ như Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, UBND phường Nam Hà. Còn đối với trụ sở cũ của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thống kê, Cục Thi hành án dân sự là tài sản công của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thì thẩm quyền sẽ do bộ, cơ quan trung ương của các đơn vị này sắp xếp lại.

Trước tình trạng bỏ hoang các trụ sở đất công nhiều năm qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất  đã nhiều lần đề xuất phương án tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

“Qua nhiều lần bán đấu giá vẫn không có người mua, các trụ sở này thời gian xây dựng đã lâu, diện tích nhỏ, một số hạng mục nhà cửa giá trị khá lớn nhưng công năng sử dụng cho mục đích kinh doanh không cao, không phù hợp với mục đích sử dụng của người mua nên rất khó bán”, ông Nguyễn Chí Công, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Tĩnh, cho hay.

Trụ sở cũ không bán được, ngược lại, hàng năm tỉnh Hà Tĩnh phải dùng ngân sách để duy tu, sửa chữa để tránh xuống cấp. Để tránh việc lãng phí quỹ đất và ngân sách, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh nên sớm có phương án khả thi cho việc bán đấu giá tài sản bỏ hoang trên “đất vàng”.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top