Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân giao UBND thành phố có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng công khai quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ để doanh nghiệp theo dõi.
Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) do UBND TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố hiện có 38% số nhà kiên cố, số còn lại là bán kiên cố và nhà tạm, trong khi dân số tăng hằng năm khá lớn, nhu cầu nhà ở rất lớn. Vì thế, đây là thị trường khổng lồ để doanh nghiệp kinh doanh BĐS đầu tư.
Kiến nghị của doanh nghiệp
Tại hội nghị, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã tổng hợp và gửi nhiều kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn mong muốn được lãnh đạo thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
HoREA kiến nghị thành phố và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết có tình, có lý đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra, vừa bảo đảm nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công, vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, người mua nhà.
HoREA kiến nghị thành phố và các sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi, cho tiếp tục các dự án BĐS thuộc diện bị rà soát về các thủ tục pháp lý và hành chính nhưng chưa có quyết định đình chỉ, khẩn trương xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án…
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, hiện Tập đoàn có một số dự án chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở cho khách hàng, dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện. Đại diện Tập đoàn Novaland kiến nghị thành phố sớm phê duyệt tiền sử dụng đất để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ, các dự án tiếp tục triển khai.
Còn theo TS. Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch HoREA, thành phố nên tiến hành thanh tra dự án Bình Trưng Đông (quận 2) quy mô 154ha vì dự án đã kéo dài hơn 16 năm, có nhiều chủ đầu tư tham gia nhưng không bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng cũng như không đầu tư hạ tầng cho dự án.
Thành phố sẽ tháo gỡ
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân giao UBND thành phố có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng công khai quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ để doanh nghiệp theo dõi. Đồng thời thành phố nên nghiên cứu phát triển các loại dịch vụ đa dạng trong sản phẩm BĐS khu vực nội thành, tăng mảng xanh, chiếu sáng không ảnh hưởng nhiều đến xây dựng mới, qua đó xây dựng thành phố đẹp hơn, văn minh và đáng sống hơn.
Theo Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, trong giải quyết hồ sơ dự án, không để tình trạng người đứng đầu trả lời “không biết làm thế nào, chuyên viên không trình lên cấp trên do chưa biết phải làm sao?”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết thêm, sự phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp BĐS. Thành phố chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khi các dự án ngưng trệ do bị thanh - kiểm tra, chủ đầu tư áp lực về lãi suất vay ngân hàng, áp lực khách hàng, đối tác, trong đó có đối tác nước ngoài. Thành phố chịu áp lực về phát triển, thu ngân sách mỗi ngày hơn 1.000 tỷ đồng cũng như áp lực về sự yếu kém của một số cán bộ. Trong thời gian tới, thành phố sẽ kiên quyết điều chuyển cán bộ quận, huyện thiếu trách nhiệm, sợ và đùn đẩy trách nhiệm.
Cũng theo ông Tuyến, trong tổng số 124 dự án chậm tiến độ, dự án nào đang thanh tra có kết luận sai phạm, đang được công an thụ lý thì phải dừng lại; còn dự án nào không rơi vào trường hợp nói trên thì UBND thành phố sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn để tiếp tục khởi động, triển khai. Thành phố đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 360 ngày xuống còn 240 ngày.
Dưới góc độ quản lý cấp sở ngành, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, cho biết, từ cuối tháng 12/2018, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường 6 vấn đề, trong đó có vấn đề xử lý đất công nhỏ đen xen trong dự án, quy trình rút ngắn thời gian duyệt giá đất.
Còn theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, hiện có 75% dự án BĐS khi đầu tư phải làm hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, lập quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư… Thủ tục lòng vòng, không rõ trình tự trước sau nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khiến một số dự án khó có cơ hội triển khai. Đến năm 2020, thành phố đề ra chỉ tiêu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội từ 39 dự án nên doanh nghiệp có cơ hội để tham gia. Tuy nhiên, hiện nay, thủ tục và chính sách chưa hấp dẫn doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.