Theo quy định trước thời điểm công chức hết thời gian bổ nhiệm 3 tháng, cơ quan quản lý công chức phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại. Tuy nhiên, điều này lại không diễn ra tại các Chi nhánh VPĐKĐĐ 24 quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh.
Hệ luỵ là hàng loạt cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) đang “mòn mỏi” chờ quyết định bổ nhiệm lại, khiến công việc bị “đóng băng”. Trong khi đó, một số cán bộ dù chưa được bổ nhiệm lại vẫn ký duyệt hồ sơ, không những sai quy định mà còn tiềm ẩn các rủi ro pháp lý, thậm chí có dấu hiệu lạm dụng chức vụ quyền hạn.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 41 Nghị định 24/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì chậm nhất 90 ngày trước thời hạn bổ nhiệm, cơ quan quản lý công chức phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý. Quyết định bổ nhiệm lại công chức chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành ít nhất trước 1 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, trong đợt bổ nhiệm lại đối với những trường hợp công chức thuộc quản lý của Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) hết thời hạn bổ nhiệm ngày 1/7/2020 có 51 người.
Trong đó có 10 người làm việc trực tiếp tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đã được bà Bùi Thị Bích Tuyền, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố bổ nhiệm trong cùng ngày 30/6 ở các phòng chuyên môn như Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Kiểm tra, Phòng Kỹ thuật Địa chính, Phòng Lưu trữ, Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận.
Trong khi đó các Giám đốc, Phó Giám đốc còn lại tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở 24 quận, huyện (gọi tắt là Chi nhánh) vẫn đang bị “ngâm” một cách khó hiểu. Đáng chú ý tại một số Chi nhánh có 3 chức danh Giám đốc và 2 Phó Giám đốc đều nằm trong danh sách bổ nhiệm lại. Theo quy định, các công chức trong thời gian chưa có quyết định bổ nhiệm sẽ không được ký các văn bản, hồ sơ liên quan đến công tác quản lý chuyên môn do mình đảm trách. Trong thời gian chờ bổ nhiệm, công chức không được ký các văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước.
Thế nhưng thực tế lại diễn ra điều ngược lại. Đơn cử vào ngày 3/7 vừa qua, ông Đoàn Công Duy Phong, mặc dù hết thời điểm bổ nhiệm lại từ ngày 1/7 vẫn giải quyết hồ sơ với tư cách Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 2.
Về trường hợp này, bà Bùi Thị Bích Tuyền xác nhận, bản thân bà chính thức bổ nhiệm lại ông Đoàn Công Duy Phong vào ngày 24/7. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/7 và dự kiến hôm nay 7/8 đây sẽ trao quyết định bổ nhiệm lại cho ông Đoàn Công Duy Phong (!).
Trả lời một số cơ quan báo chí, bà Tuyền cho rằng, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố đã phải ban hành một quyết định kéo dài công tác cho ông Đoàn Công Duy Phong 1 tháng. Về nguyên tắc là không được nhưng làm như vậy để giải quyết hồ sơ.
Rõ ràng có thể thấy, không những việc bổ nhiệm lại đối với ông Đoàn Công Duy Phong diễn ra chậm trễ mà còn nhiều vấn đề bất hợp lý, cần được các cơ quan chức năng có liên quan thẩm tra, xác minh làm rõ.
Lý giải về việc bổ nhiệm lại chậm trễ, trả lời một số cơ quan báo chí bà Bùi Thị Bích Tuyền cho biết, theo quy định trước 3 tháng phải làm quy trình bổ nhiệm lại, tức vào ngày 1/4 nhưng do dịch COVID-19 nên không tổ chức hội nghị triển khai việc lấy ý kiến quy trình bổ nhiệm, không bỏ phiếu được và phải đến giữa tháng 5/2020 mới lấy được ý kiến nên có chậm trễ. Đây là lý do khách quan.
Về quy trình bổ nhiệm lại, Bùi Thị Bích Tuyền cho biết, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố sẽ có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về bổ nhiệm, sau đó Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ gửi các quận huyện để Ban Thường vụ quận huyện hiệp y. Sau khi hiệp y, các quận huyện gửi văn bản về lại cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến lượt mình, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai bổ nhiệm.
Cũng theo bà Bùi Thị Bích Tuyền, để đảm bảo công việc, ở một số Chi nhánh phải làm quyết định gia hạn thời gian công tác quản lý để giải quyết công việc cho đến khi có quyết định chính thức bổ nhiệm lại. Đến thời điểm ngày 5/8 (là thời điểm bà Tuyền xác nhận với phóng viên), các Chi nhánh đã bổ nhiệm hết, việc bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 1/7.
Tuy nhiên trái với những gì bà Bùi Thị Bích Tuyền nói, đại diện Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 cho biết, họ chưa hề nhận được quyết định bổ nhiệm lại. Trong khi chờ quyết định bổ nhiệm lại, Giám đốc đơn vị này đã chuyển việc ký duyệt hồ sơ cho người còn có hiệu lực công tác quản lý.
Hiện nay nhiều lãnh đạo Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai 24 quận huyện Thành phố Hồ Chí Minh đang mòn mỏi chờ quyết định bổ nhiệm lại để thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, hồ sơ liên quan đến đất đai trên địa bàn thành phố vô cùng nhiều và cần phải giải quyết đúng tiến độ cho người dân, tổ chức.
Qua vụ việc trên cho thấy, việc bổ nhiệm lại tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh đang đặt nhiều hoài nghi trong dư luận cả về độ trễ, tính minh bạch và việc tuân thủ quy định. Phóng viên cũng đã liên hệ với Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố nhưng chưa nhận được phản hồi cụ thể.
Theo Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo thì có thể hiểu, sau khi hết hết thời gian bổ nhiệm lần đầu thì cán bộ, viên chức lãnh đạo là người được bổ nhiệm đó không còn có thẩm quyền đối với chức vụ của mình và không có thẩm quyền ký chứng từ mà mình phụ trách.
Trong trường hợp các hồ sơ được ký trong thời gian cán bộ, viên chức chờ nghỉ hưu hay đợi tái bổ nhiệm lại mà có khiếu nại hay tranh chấp thì công dân có thể khiếu nại theo Luật khiếu nại tố cáo hoặc khởi kiện hành chính ra tòa án theo thủ tục được quy định tại Luật tố tụng Hành chính 2015.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.