Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 8 năm 2016 | 8:30

TP. Hồ Chí Minh: Nhập nhằng chuyện “thuê” đất

Nhiều hộ ở đường Trường Chinh (phường 15, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh), khu vực giáp tường rào sân bay Tân Sơn Nhất, đang hoang mang khi  đầu tư hàng tỉ đồng nhưng không thể kinh doanh sinh vật cảnh, do sự nhập nhằng với đơn vị ký hợp đồng cho thuê đất.

Nhiều hộ dân kinh doanh sinh vật cảnh tại khu vực đường Trường Chinh đang dính chuyện “lùm xùm” trong thuê đất kinh doanh.

Dân “tố” bị mất lòng tin

Trong đơn kiến nghị và xin giải quyết gửi đơn vị cho thuê đất, nhiều hộ kinh doanh phản ánh việc đơn vị cho thuê đất không quản lý người chặt chẽ, dùng hợp đồng đăng ký thu tiền không có “uy tín”, làm mất lòng tin của người thuê đất.

Chia sẻ vấn đề này, anh Nguyễn Hoàng Hòa, chủ doanh nghiệp hoa lan Hoàng Hòa, cho biết: “Hầu hết các hộ kinh doanh đã ở đây cả chục năm qua đều đóng tiền thuê mặt bằng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác với chính quyền địa phương. Ấy vậy mà, không hiểu lý do gì, đơn vị chủ đất nhiều lần mời bà con lên họp rồi “khẳng định miệng” là chưa nhận được tiền thuê đất; đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh phải đóng tiền truy thu từ trước tới giờ, nếu không sẽ thu hồi mặt bằng ngay?”. Theo anh Hòa, anh đã đầu tư gần 300 triệu đồng vào việc sửa sang nâng cấp cửa hàng để trưng bày và kinh doanh hoa lan xuất khẩu trên diện tích gần 100m2. Tuy nhiên, do chưa thống nhất về việc tiếp tục ký hợp đồng mà cửa hàng của anh phải đóng cửa gần một năm nay khiến kinh tế bị thiệt hại nặng nề.

Liên quan đến vấn đề này, hộ ông Nguyễn Văn Hùng, cửa hàng Hùng Anh, cho rằng, sau khi nhận được Thông báo số 1154/SĐ - KT ngày 13/4/2016 về việc giải phóng mặt bằng để bàn giao lại khu đất cho TP. Hồ Chí Minh, gia đình ông vô cùng hoang mang. Việc đầu tư kinh doanh cũng bị hạn chế, thậm chí chỉ cầm chừng vì không rõ thực hư thế nào.

Cũng theo ông Hùng, phía chủ đất đã mời các hộ kinh doanh họp nhằm trấn an người dân tiếp tục kinh doanh vì trong năm nay chưa giải tỏa. Đồng thời, phía chủ đất cũng vận động các hộ dân đóng tiền truy thu từ tháng 1 đến tháng 6/2016, trên cơ sở đó sẽ xem xét việc cho ở lại để tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, phía chủ đất trước đây có ký hợp đồng với các cá nhân, tập thể như Kim Minh Quang, Đào Văn Ba, Vương Trí nhưng nay lại để Công ty Vương Trí đại diện thu tiền các hộ kinh doanh. Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh cho rằng, giá thuê mặt bằng liên tục điều chỉnh, ban đầu từ  mức giá 100.000 đồng/m2, giảm xuống còn 80.000 đồng/m2, sau đó lại tiếp tục nâng lên, nay là 2,5 triệu đồng/m2. Điều này khiến các hộ kinh doanh bất bình và kiến nghị trong các cuộc họp với chủ đất là phải thống nhất mức giá cho thuê hợp lý và tiếp tục ký hợp đồng với từng hộ kinh doanh.

Không yên tâm làm ăn

Đó là chia sẻ của nhiều hộ kinh doanh khi đã bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư xây dựng cửa hàng, nhà xưởng, tìm nguồn hàng. Vốn đầu tư ban đầu chưa thu hồi lại được, nay nhận thông báo chuẩn bị giải tỏa khiến việc kinh doanh buôn bán bị ngừng trệ và không thể yên tâm làm ăn trên chính mảnh đất mình gắn bó nhiều năm qua. Theo đó, khi nhận được Thông báo số 1154 từ chủ đất về việc giải phóng mặt bằng, bàn giao khu vực đầu Tây sân bay Tân Sơn Nhất (đường Trường Chinh, phường 15) thực hiện dự án, người dân đã vô cùng lo lắng. Tiếp đến Thông báo số 1825/TB - SĐ ngày 13/6/2016 về việc dừng đóng tiền thuê mặt bằng khu đất đường Trường Chinh giáp tường rào sân bay Tân Sơn Nhất, càng khiến các hộ kinh doanh tại đây hoang mang cực độ.

Nhiều hộ dân tâm sự, mặc dù đã đầu tư một số tiền lớn vào cửa hàng kinh doanh nhưng nếu giải tỏa đất cho mục đích quy hoạch xây dựng công trình Nhà nước, an ninh quốc phòng thì bà con sẵn sàng chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng thuê mặt bằng để kinh doanh, buôn bán với “giá trên trời” chẳng khác nào đuổi các hộ kinh doanh bỏ của chạy lấy người.

Giải đáp cho vấn đề này trong các cuộc họp “nóng” với chủ đất và các đơn vị đại diện thu tiền thuê mặt bằng, người dân nhận được các câu trả lời rất chung chung từ cơ quan chức năng, rằng: “Trước khi bà con đi thuê đất phải tìm hiểu kỹ về nguồn gốc đất rõ ràng rồi mới quyết định đầu tư chứ. Còn đến nay, một số khu vực đất này đang dính vào dự án, chờ giải tỏa thì xem như “tai nạn nghề nghiệp”, bà con phải chấp nhận chứ chủ đất sẽ không chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh đã đóng tiền thuê mặt bằng qua nhiều đại diện khác nhau của chủ đất như Công ty Đầu tư xây dựng Tân Bình, Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ Kim Minh Quang, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ xây dựng xuất khẩu Vương Trí, Đào Văn Ba… và tất cả đều có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Câu hỏi đặt ra là, tại sao đại diện phía chủ đất vẫn viện lý do để bắt dân phải đóng tiền truy thu hoặc đòi giải tỏa trắng để lấy lại mặt bằng?

Thiết nghĩ, nếu việc lập nghiệp, phát triển kinh doanh không gây phương hại tới lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng thì TP. Hồ Chí Minh nên khuyến khích để mỗi người người dân sẽ là động lực để giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục tìm hiểu về hợp đồng hợp tác giữa công ty Vương Trí ký với chủ đất và ký lại với bên thứ 3 để thông tin tới bạn đọc.

Mạnh Tiến

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top