Tại TP. Huế có một khu Trung tâm mua sắm hoạt động về đêm xây dựng trái phép trên đất quy hoạch làm bãi đậu xe, trồng cây xanh. Dù đã bị lực lượng chức năng đình chỉ nhưng trung tâm này vẫn tiếp tục hoạt động như “thách thức” chính quyền.
Trong nhiều năm trở lại đây, các loại hình buôn bán về đêm diễn ra cực kỳ phổ biến trên địa bàn TP Huế (Thừa Thiên - Huế) và những nơi đó được nhiều người gọi là “chợ đêm”. Mặt hàng buôn bán khá đa dạng, lượng khách đến đây luôn tấp nập kéo theo sức mua bán ở những “chợ đêm” vô cùng hấp dẫn. Và, đương nhiên, lợi nhuận từ hoạt động buôn bán tại đây thường khá cao.
Cũng vì lẽ này, ở TP Huế đã xuất hiện “chợ đêm” hoạt động trái phép và ngang nhiên ngay tại trung tâm thành phố. Khu “chợ đêm” mà chúng tôi muốn nhắc đến thuộc Trung tâm mua sắm của Công ty TNHH MTV dịch vụ Him Huế, có địa chỉ tại số 174 Bà Triệu, phường Phú Hội (ngay cạnh Siêu thị Big C Huế). Theo tìm hiểu, khu đất này nằm trong quy hoạch với công năng sử dụng làm bãi đậu xe và trồng cây xanh.
Sự xuất hiện của “chợ đêm” trái phép này khiến cho hoạt động kinh doanh của các “chợ đêm” hợp pháp trên địa bàn bị ảnh hưởng. Điển hình, đại diện khu mua sắm của Công ty TNHH MTV Ngô Đồng, nằm trên đường Trần Phú (TP Huế) chia sẻ, hiện tất cả tiểu thương khu chợ của công ty đã rời đi, khả năng tới đây đơn vị này sẽ phải đóng cửa.
“Với diện tích 1.400m2, quy mô 130 gian hàng, đầu tư hàng chục tỷ đồng, tất cả dường như đổ xuống sông xuống biển vì nghịch cảnh trớ trêu chợ đêm trái phép hoạt động bất chấp pháp luật do nằm ở địa thế thuận lợi nên hút hết khách hàng, kéo theo tiểu thương, đồng thời dẫn đến tình trạng chợ đêm chấp hành pháp luật rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách”, vị đại diện này cho biết.
Cùng hoàn cảnh ấy, đại diện Công ty TNHH MTV Trung tâm mua sắm sinh viên ở số 37, đường Bà Triệu (TP Huế) thông tin, đơn vị này cũng bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của Công ty TNHH MTV dịch vụ Him Huế.
Được biết, để được phép hoạt động, một trong những điều kiện bắt buộc là các khu “chợ đêm” này phải đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) với những yêu cầu gắt gao; theo đó, nhiều công ty đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống PCCC; trong khi đó, “chợ đêm” trái phép bên cạnh Siêu thị Big C nói trên thì không đáp ứng được điều này, vì vậy, nguy cơ xảy ra sự cố luôn hiện hữu.
Liên quan đến việc này, lực lượng công an đã vào cuộc. Cụ thể, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế căn cứ các nghị quyết, thông tư, văn bản có liên quan, đặc biệt “Căn cứ tình hình thực tế, xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ không thể khắc phục được và có nguy cơ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng của Trung tâm mua sắm thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Him Huế” đã có Quyết định số 800/QĐĐC-PC07 Đình chỉ hoạt động khu “chợ đêm” tại đây.
Mặc dù trong Quyết định số 800/QĐĐC-PC07 đã nêu rõ có hiệu lực kể từ 10h10’ ngày 29/11/2018, tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến thời điểm tối ngày 17/12/2018 (hơn nửa tháng kể từ lúc quyết định có hiệu lực), khu chợ này vẫn ngang nhiên hoạt động như không có chuyện gì xảy ra.
Thêm nữa, trước đó UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo số 6507/UBND-ĐC ngày 31/8/2018, số 7806/UBND-ĐC ngày 11/10/2018 và đồng thời UBND TP Huế cũng có văn bản số 4151/UBND-TH ngày 12/11/2018 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng đất quy hoạch, yêu cầu chấm dứt việc sử dụng đất cơi nới làm hàng quán, buôn bán, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu tại khu vực Siêu thị Big C.
Theo đó, Công văn số 6507/UBND-ĐC đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Công ty cổ phần Espace Business Huế (đơn vị được thuê đất) để yêu cầu chấm dứt sử dụng đất cơi nới làm hàng quán buôn bán; theo dõi và cương quyết xử lý vi phạm, tham mưu xử lý thu hồi đất vi phạm theo quy định. Giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Huế chỉ đạo xứ lý dứt điểm vi phạm pháp luật về xây dựng, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý thu hồi đất vi phạm theo quy định. Công văn cũng nhấn mạnh, yêu cầu tập trung thực hiện, xử lý dứt điểm trong tháng 9/2018.
Vậy nhưng, đến nay đã gần hết năm 2018, khu chợ này vẫn tấp nập kẻ bán người mua, bất chấp ý kiến chỉ đạo của ông Chủ tịch UBND tỉnh và mới đây là quyết định của Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Trước việc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Him Huế coi thường pháp luật của Nhà nước và các văn bản pháp lý của cơ quan chức năng liên quan, dư luận đang dấy lên lo ngại rằng, trong trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ, cơ quan chức năng, cá nhân nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Phải chăng đơn vị này đang “thách thức” cơ quan chức năng hay đang có chuyện “chống lưng” phía sau của một thế lực nào đó?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.