Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2016 | 6:0

Trả lại sự thật cho liệt sĩ Hoàng Khắc Chấp

Ông Hoàng Khắc Chấp, ở Phúc Thịnh (Chiêm Hóa - Tuyên Quang), đi bộ đội năm 1967, hy sinh ngày 19/1/1969. Anh trai và họ tộc khẳng định trước khi nhập ngũ, ông Chấp chưa có vợ, tuy nhiên, trong danh sách của chính quyền, người đang được hưởng chế độ của liệt sĩ Chấp lại là… vợ và con.

Phiếu đăng ký nhân khẩu của gia đình ông Bài năm 1960, ông Chấp lúc này đang học vỡ lòng và có 1/5 người chưa đủ 18 tuổi.

Ai được hưởng chế độ?

Trong đơn gửi Báo Kinh tế nông thôn, ông Hoàng Khắc Bài (SN 1937), ở xã Phúc Thịnh, anh trai liệt sĩ Hoàng Khắc Chấp, phản ánh:  Hoàng Khắc Chấp sinh năm 1950, khi lên 2 tuổi, ông Hoàng Khắc Thi (bố đẻ) mất, lúc này tôi 15 tuổi. Vì suy nghĩ nhiều mà bà Lộc Thị Mình (mẹ đẻ) ốm nặng, đến năm 1955 thì bị liệt, lúc này tôi 18 tuổi, Chấp 5 tuổi.

Gia đình khó khăn, là anh cả trong gia đình nên ông Bài làm việc cật lực để nuôi mẹ, chăm em. Năm 1957, ông Bài lấy bà Hà Thị Nhấm.  Đến năm 1965, bà Mình mất; tháng 7/1967, Hoàng Khắc Chấp đi bộ đội và hy sinh ngày 19/1/1969. Sau khi có giấy báo tử, chính quyền địa phương tiến hành làm lễ truy điệu tại gia đình ông Bài và hiện nay liệt sĩ Chấp vẫn đang thờ tại đây.

Từ khi hy sinh đến năm 1998, hàng năm gia đình ông Bài vẫn được hưởng chế hộ thờ cúng cho liệt sĩ. Tuy nhiên, sau năm 1998, chế độ này bị cắt, gia đình ông nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng, đến nay vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

Trong biên bản họp anh em họ tộc ngày 26/1/1999, khẳng định ông Chấp không vợ con và ông Bài có công nuôi liệt sĩ hơn 10 năm.

Bà Hà Thị Nhấm, vợ ông Bài cho biết, năm 1998, ông Ma Thanh Và, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh (hiện là Bí thư Đảng ủy xã) có mượn Giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Chấp. Ông Và nói là để làm hồ sơ công nhận gia đình có công nuôi liệt sỹ, chế độ thờ cúng người có công cho gia đình. Thế nhưng chế độ chẳng thấy đâu, ông Và lại mang giấy tờ đi làm chế độ cho bà Hà Thị Nghiệp ở xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa), khiến gia đình vô cùng bức xúc.

Ông Bài cho biết thêm: “Trước khi đi bộ đội, em trai tôi với bà Nghiệp có tìm hiểu nhau nhưng chưa ăn hỏi, cưới xin gì, không biết tại sao bà Nghiệp lại được công nhận là vợ em tôi. Hiện, Nhà nước công nhận em trai tôi đang được thờ cúng tại xã Tân Thịnh, không phải là nơi em tôi sinh ra và lớn lên. Đề nghị chính quyền “trả” em tôi về Phúc Thịnh để gia đình thờ cúng, đồng thời, giải quyết chế độ người có công nuôi liệt sĩ, chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với gia đình tôi”.

Ông Bài mong muốn các cơ quan chức năng xác minh, trả lại sự thật cho liệt sĩ Chấp.

Cần làm rõ

Theo thông tin Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tuyên Quang cung cấp, liệt sĩ Hoàng Khắc Chấp sinh năm 1941 (gia đình khai năm 1950), bố là Hoàng Khắc Thi mất năm 1952, mẹ Lộc Thị Mình mất năm 1967 (gia đình khai mất năm 1965); nhập ngũ 7/1967, hy sinh ngày 19/1/1969. Vợ là Hà Thị Nghiệp, sinh năm 1951 (bà Nghiệp tự khai sinh năm 1949), con gái Hà Thị Nông, sinh năm 1968 (lưu tại xã Tân Thịnh, sinh tháng 3/1967). Trong khi đó, hồ sơ lưu tại huyện Chiêm Hóa, liệt sĩ Chấp lại sinh năm 1950.

Theo phiếu đăng ký nhân khẩu năm 1960, gia đình ông Hoàng Khắc Bài có 5 khẩu, do ông Bài làm chủ hộ, thời điểm này, Chấp là khẩu thứ 5 đang học vỡ lòng; trong đó có 4 người từ 18 tuổi trở lên. Trong giấy báo tử bỏ trống phần vợ, chồng liệt sĩ.

Còn giấy chứng nhận tình hình thân nhân gia đình liệt sĩ để xét trợ cấp tuất và giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, UBND xã Phúc Thịnh xác nhận bà Hà Thị Nghiệp là vợ, sinh năm 1951, con là Hà Thị Nông, sinh năm 1968. Trong khi đó, xã Tân Thịnh lại xác nhận bà Nghiệp sinh năm 1949, chị Nông sinh tháng 3/1967.

Trong đơn gửi UBND xã Tân Thịnh, Phòng LĐTB&XH huyện Chiêm Hóa (năm 1996), xin công nhận được hưởng chế độ thân nhân liệt sĩ, bà Nghiệp khai bà sinh năm 1949. Tháng 1/1967, bà và ông Chấp đăng ký kết hôn và tổ chức cưới. Tháng 7/1967, ông Chấp đi bộ đội, lúc này bà Nghiệp đang mang bầu và sinh Hà Thị Nông vào ngày 20/10/1967.

Tuy nhiên, hồ sơ quản lý nhân khẩu tại xã Tân Thịnh, bà Nông lại sinh vào tháng 3/1967, tức sinh sau 2 tháng bà Nghiệp với ông Chấp cưới, sinh trước 4 tháng khi ông Chấp đi bộ đội (không khớp với bà Nghiệp khai ở trên). Trong khi đó, Sở LĐTB&XH tỉnh Tuyên Quang lại khẳng định, bà Nghiệp sinh năm 1951 chứ không phải như bà khai là năm 1949; bà Nông sinh năm 1968 chứ không phải năm 1967.

Ông Ma Thanh Và, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thịnh (người bên trái) từ chối việc ông mượn hồ sơ làm chế độ cho bà Nghiệp ở xã Tân Thịnh.

Liên quan tới thông tin năm 1998 ông Ma Thanh Và, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thịnh, mượn Giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công của gia đình ông Bài làm chế độ cho bà Hà Thị Nghiệp, ông Và từ chối không làm việc này.

Theo ông Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh, liệt sĩ Chấp nằm trong số 47 liệt sĩ của xã, người được hưởng chế độ là bà Nghiệp ở xã Tân Thịnh. Hiện, nay xã chỉ lưu danh sách liệt sĩ, không có hồ sơ gì lên quan tới cưới, đăng ký kết hôn của ông Chấp với bà Nghiệp.

Còn ông Lê Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh thì cho hay, ông Chấp làm rể ở Tân Thịnh được hơn 1 năm thì nhập ngũ, trước khi đi có cưới xin, còn có đăng ký kết hôn hay không thì tôi không nắm được. Nhưng ông Chấp nhập ngũ từ Tân Thịnh, không phải từ Phúc Thịnh.

Bà Hà Thị Minh Quang, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Chiêm Hóa, cho biết, trường hợp của liệt sĩ Chấp đã quá lâu, hồ sơ Sở LĐTB&XH đang quản lý. “Dựa trên hồ sơ mà Sở gửi, chúng tôi thấy có những điểm chưa phù hợp, phòng sẽ đề nghị làm rõ”, bà Quang cho biết.

Còn theo Sở LĐTB&XH Tuyên Quang thì ông Hoàng Khắc Bài, anh trai liệt sĩ Hoàng Khắc Chấp, chưa đủ điều kiện công nhận người có công nuôi liệt sĩ, vì ông Bài sinh năm 1938, hơn liệt sĩ 3 tuổi (1941).

Vậy, trước khi đi bộ đội, ông Chấp đã lập gia đình và có con chưa? Liệt sĩ sinh năm 1941 hay 1950? Bà  Nông sinh tháng 3/1967 hay sinh năm 1968…  Đề nghị Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, trả lại sự thật cho liệt sĩ Hoàng Khắc Chấp.

Hoàng Văn

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top