Thời điểm xuống giống vụ hè thu đã gần kề nhưng ngành nông nghiệp huyện An Nhơn (Bình Định) lại không thể bơm nước về đồng ruộng cho nông dân vì trạm bơm mất điện liên miên. Cũng vì thế, nhiều thửa ruộng đang trong tình trạng “khát”...Thêm giờ cao điểm, thêm giờ cắt điện
Ông Cao Thiên Bình, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Phong (An Nhơn) than thở: “Hợp tác xã có 510ha đất sản xuất thì có đến 120ha không được “ăn” nước tự chảy. Diện tích này tập trung tại 2 thôn Trung Lý, Liêm Định và hoàn toàn trông chờ vào nguồn nước của các trạm bơm. Khi bắt đầu thực hiện lịch cắt điện luân phiên, ở Nhơn Phong mỗi tuần cắt điện 2 ngày, từ 7 - 21 giờ, thời điểm đó chúng tôi vẫn cố gắng điều tiết nước hợp lý. Đáng lo là gần nửa tháng nay, ngành điện lại cắt thêm mỗi ngày 2 giờ, từ 5 - 7 giờ sáng nên chúng tôi không biết xoay xở thế nào với 120ha “ăn” nước trạm bơm”.
Trạm bơm đang chờ điện. |
Cũng theo ông Bình, những ngày không bị cắt điện, trạm mới khởi động bơm tưới được vài giờ đồng hồ đã chạm giờ cao điểm buổi trưa, phải dừng bơm. Buổi chiều cũng chỉ nổ máy được vài tiếng lại chạm giờ cao điểm buổi tối. Vì thế, 40ha cây màu vụ hè ở thôn Trung Lý và Liêm Định lâm vào cảnh khốn đốn.
Ông Nguyễn Việt Thanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã 2 Nhơn Mỹ (An Nhơn), nơi có gần 200ha lúa nằm dọc sông Côn “ăn” nước trạm bơm không giấu được bức xúc: “Lịch cắt điện như hiện nay khiến các trạm bơm không thể tưới đều ca, chu kỳ tưới cũng không đảm bảo cho cây lúa phát triển. Trước đây, ngành điện quy định từ 17 - 22 giờ là giờ cao điểm, nay quy định thêm, từ 9 - 11 giờ trưa cũng là giờ cao điểm, dùng điện trong giờ này phải trả đến 2.200 đồng/kWh, trong khi giá điện trong giờ thấp điểm chỉ có 720 đồng/kWh. Thêm vào đó, mới đầu tháng 5 mà nước sông Côn đã cạn, ngày có điện, trạm bơm Đại Bình có 4 bơm mà chỉ hoạt động được 2 bơm vì thiếu nước. Nếu kéo dài tình trạng này chắc chắn cây lúa sẽ chết”.
...ruộng đồng “khát”! |
Giải pháp: Tạo đường điện riêng cho trạm bơm
Tình trạng cắt điện luân phiên càng gây khó khăn nghiêm trọng cho những địa phương có 100% đất sản xuất nông nghiệp phải dùng nước trạm bơm như xã Nhơn Hậu (An Nhơn). Nhơn Hậu có 376ha đất trồng lúa và hơn 80ha đất trồng màu, 100% diện tích đều dùng nước của 8 trạm bơm. Để dẫn nước đến ruộng, trên địa bàn xã có 25km kênh mương cấp 1 và 19km kênh mương cấp 2. Đến nay, Nhơn Hậu mới kiên cố hóa được 1/3 tuyến kênh nội đồng, hầu hết vẫn là kênh mương đất. Do kênh mương xuống cấp nên khi dẫn nước phải bơm liên tục thì nước mới đến được các ruộng xa. Trong khi đó, lúa vụ hè mới trồng được 1 tháng, diện tích sản xuất vụ thu lại đang làm đất chuẩn bị xuống giống nên các cánh đồng đang rất cần nước. Ông Lê Ngọc Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Hậu cho biết: “Những thời điểm căng quá chúng tôi phải bơm nước cả trong giờ cao điểm, chấp nhận trả tiền điện với giá cao mới kịp phục vụ sản xuất và giảm lượng tiêu hao nước trong kênh mương. Mỗi trạm bơm chúng tôi đều bố trí từ 2 máy trở lên, toàn máy có công suất lớn nên HTX đang là “chúa chổm” của ngành điện. Dù địa phương đã có văn bản chỉ đạo ngành điện chậm đòi nợ các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng đến thông báo lần 2 mà chưa nộp tiền chúng tôi vẫn bị cắt điện. Thông thường, cuối tháng 4 hằng năm chúng tôi sẽ được ứng 1/3 hoặc 1/2 kinh phí hỗ trợ miễn giảm thủy lợi phí nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào. Sản xuất không thể đình trệ nên chúng tôi luôn trong cảnh giật gấu vá vai...”.
Ông Trần Văn Tình, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Phúc (An Nhơn) lo lắng: “HTX có 180/462ha lúa dùng nước trạm bơm. Do chỉ sản xuất 2 vụ/năm nên sau ngày 21/5 chúng tôi mới xuống giống vụ thu. Thời điểm này xã viên như “ngồi trên đống lửa” vì sợ không có nước để gieo sạ. Riêng trạm bơm số 2 ở thôn Thắng Công, nếu bơm liên tục phải đúng 4 ngày 4 đêm mới đủ nước cho 120ha, cứ tình trạng bơm 2 ngày nghỉ 1 ngày sẽ ảnh hưởng đến lịch gieo sạ”.
Theo ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng Kinh tế huyện An Nhơn, toàn huyện có khoảng 6.800ha lúa gieo sạ vụ hè thu, trong đó 1.600ha đã xuống giống hơn 1 tháng nay. Nguồn nước tưới tự nhiên ở huyện đã được đảm bảo bởi hồ Núi Một và sông Kôn vẫn đang ở mức cho phép. Tuy nhiên, vẫn có 2.000ha đất ruộng tại các xã Nhơn Khánh, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn An đang rất căng vì phụ thuộc vào nước tưới của 49 trạm bơm điện. ông Minh cho biết thêm: “Chỉ có 7 trạm bơm có đường điện riêng, các trạm còn lại dùng chung đường điện hạ thế với khu vực dân cư nên phải chịu cảnh cắt điện luân phiên. Trước tình cảnh bức bách của ngành nông nghiệp, UBND huyện An Nhơn đã có văn bản đề nghị Điện lực Bình Định ngừng cắt điện tại các xã có diện tích lúa đang chuẩn bị gieo sạ để đảm bảo nước tưới cho ruộng đồng”.
Võ Dương Lam
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.