KTNT - Do ảnh hưởng bởi các cơn bão vừa qua, trằm Trà Lộc (xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) bị bồi lấp nghiêm trọng.
Lòng hồ trằm Trà Lộc bị cỏ dại, bèo xâm lấn hiện nay.
Do lòng hồ bị thu hẹp nghiêm trọng nên Khu du lịch sinh thái Trà Lộc sụt giảm du khách đến tham quan, giải trí dù vẫn đang là mùa nắng.
Chị Hương, hộ kinh doanh ăn uống, giải khát ở đây than vãn: “Quán của tôi buôn bán ở đây đã nhiều năm, khách khứa lúc nào cũng khá đông. Tuy nhiên, từ sau bão số 4 (cuối tháng 7/2017) đến nay, cỏ và bèo trôi về xâm lấn gần hết lòng hồ đã ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của các quán, lượng khách đến thưa thớt dần”.
Ông Cáp Hữu Hanh, Trưởng ban quản lý Khu du lịch sinh thái Trà Lộc, cho biết, toàn bộ khu vực lòng hồ trằm Trà Lộc rộng khoảng 10ha, nhưng hiện nay thảm cỏ, bèo trôi về xâm lấn khoảng 2/3 diện tích, chỉ còn một đoạn ở giữa lòng hồ là thấy mặt nước. Cỏ dại trôi về từ các lạch, khe nước, vùng sình lầy ở rú cát của xã Hải Vĩnh. “Các đợt bão lũ trước, cỏ, bèo cũng trôi về nhưng ít hơn, năm nay là nghiêm trọng nhất. Tình trạng này đã khiến việc kinh doanh của bà con cũng như việc quản lý, cải tạo lòng hồ của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hanh nói.
Cỏ, bèo ở đây đã phủ một lớp rất dày, phần rễ cỏ dại dài đến 70cm trên diện rộng của lòng hồ khiến việc xử lý của Ban quản lý là không thể thực hiện được. Ngoài ra, một lớp bùn dày quanh hồ cũng hình thành khiến cỏ bám vào mọc thành từng tảng lớn. Ông Hanh cho hay, Ban quản lý đã 2 lần được huyện hỗ trợ 200 triệu đồng vào các năm 2012 và 2016 để phục vụ việc nạo vét, cải tạo lòng hồ. Tuy nhiên, phần kinh phí này chỉ đủ để thuê xe múc, nhân công trục vớt phần cỏ dại nằm sát bờ hồ tại một số điểm bồi lấp nghiêm trọng chứ không thể cải tạo hoàn toàn khu vực lòng hồ. Những lần thực hiện trục vớt cỏ dại đã thực hiện, Ban quản lý thuê xe múc vớt cỏ lên sát mé hồ rồi đắp thành bờ chứ không thể vận chuyển đi nơi khác vì không đủ kinh phí. Theo ông Hanh, về lâu dài, để cải tạo lòng hồ một cách toàn diện, huyện, tỉnh cần xem xét hỗ trợ mức kinh phí cao hơn. “Muốn cải tạo, nạo vét toàn diện lòng hồ theo chúng tôi cần nguồn kinh phí ít nhất 500 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ như vậy, chúng tôi sẽ cho xả nước lòng hồ phơi một thời gian ngắn, cho xe ủi vét toàn bộ bèo, cỏ, đất bồi rồi be bờ xung quanh mé hồ. Sau đó sẽ tìm giải pháp hạn chế tối đa cỏ, bèo ở rú cát trôi về. Có xử lý triệt để như vậy thì lòng hồ trằm Trà Lộc mới đảm bảo được mỹ quan, mực nước mới đảm bảo cho cây xanh ven hồ phát triển tốt được”, ông Hanh cho biết.
Đợt trục vớt cỏ dại ở lòng hồ Trà Lộc vào năm 2012.
Tuy nhiên, theo ông Hanh thì hiện nay Ban quản lý gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh phí và một số hỗ trợ khác. Cụ thể là mới đây, huyện Hải Lăng đã bàn giao Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Trà Lộc cho UBND xã Hải Xuân quản lý. Điều này đồng nghĩa là, trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ không được cấp kinh phí từ huyện để phục vụ công tác duy tu, cải tạo lòng hồ Trà Lộc.
“Khu du lịch sinh thái Trà Lộc vẫn còn hoạt động yếu, nguồn thu hạn chế nên khi được giao cho xã quản lý thì việc tự xoay xở tìm kiếm nguồn kinh phí để phục vụ công tác nạo vét, trục vớt cỏ dại là rất khó. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cấp trên cần quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ thêm để giúp trằm Trà Lộc phục hồi cảnh quan, phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả. Nếu một thời gian ngắn nữa không được khắc phục thì cỏ dại, bèo sẽ xâm lấn toàn bộ lòng hồ. Lúc đó du lịch ở đây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, du khách chắc chắn sẽ vắng bóng!”, ông Hanh nêu nguyện vọng.
Đức Việt
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.