Đằng sau những tấm biển “Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh - cấm xâm phạm” tại tuyến đê sông Hồng, đoạn qua địa phận phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), là hình ảnh đất bãi ven sông đang bị bê tông hóa, các trạm trộn bê tông hoạt động ngày đêm “băm nát” tuyến đê này.
Sau tấm biển “Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh - Cấm xâm phạm” là bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông.
Đã nhiều năm qua, người dân dọc tuyến đê sông Hồng phải sống chung với tình trạng bụi bặm, xi măng bốc bụi mù mịt. Nguyên nhân chính khiến cho tuyến đường này liên tục bị quần nát là bởi các xe trộn bê tông tươi đang hoạt động phía ven đê.
Theo ghi nhận của phóng viên, đằng sau những tấm biển đoạn cửa khẩu K52+220 có ghi “Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh - Cấm xâm phạm” là hàng loạt bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông hoạt động một cách công khai và không quan tâm đến tấm biển “cấm” ngay phía chân đê.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bức xúc của người dân sinh sống trên địa bàn. Ông T.Đ.L. (phường Liên Mạc) nói: “Nhiều năm qua, tuyến đê sông Hồng đang bị nhiều doanh nghiệp, cá nhân chiếm dụng để tập kết cát, sỏi và xây dựng trạm trộn bê tông. Hàng ngày, lưu lượng xe tải, xe trộn bê tông chạy qua rất nhiều, bụi bay mù mịt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, vi phạm Luật Đê điều”.
Hàng ngày, xe tải, xe trộn bê tông gây bụi bay mù mịt, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, vi phạm Luật Đê điều.
Lý giải về sự việc này, ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND phường Liên Mạc, cho rằng: “Hiện, trên địa bàn phường Liên Mạc có bốn trạm trộn đang hoạt động bao gồm trạm trộn của Công ty Việt Trung, Công Thanh, Việt Nga, trạm trộn Chèm. Đây là những tồn tại đã có từ lâu nên tôi cũng không biết là có đủ điều kiện hoạt động hay không, chỉ biết trước đây đất này là đất nông nghiệp được thành phố cho các đơn vị này thuê lại. Lãnh đạo phường cũng đã thành lập đội thanh tra đi kiểm tra nhưng chỉ kiểm tra về môi trường”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị ông Ngà cung cấp các hồ sơ liên quan tới 4 trạm trộn trên thì ông này “né tránh” và lấy lý do, “hôm nay cậu quản lý hồ sơ lại không có đây” . Với cách “né tránh” này càng khiến phóng viên không khỏi hoài nghi về tính pháp lý của các trạm trộn bê tông nơi đây.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tại sao những vi phạm trên vẫn ngang nhiên tồn tại? Phải chăng UBND phường Liên Mạc đang cố tình “bao che” cho các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân thuê đất để kinh doanh bến bãi trong hành lang bảo vệ đê sông Hồng?. Để làm rõ những vấn đề nêu trên, báo Kinh tế nông thôn đề nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc điều tra làm rõ.
Hữu Thắng
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.