Việc trong khuôn viên Trường đại học Thành Tây ngang nhiên tồn tại trạm trộn bê-tông khiến người dân và nhiều sinh viên bức xúc.
Trạm trộn bê-tông nằm trong khuôn viên Đại học Thành Tây.
Trường Đại học Thành Tây (phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập số 1368/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 với diện tích 14,5ha.
Được biết, để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, một trạm trộn bê-tông đã được chủ đầu tư đặt trong khuôn viên trường.
Tuy nhiên, gần đây, Báo Kinh tế nông thôn liên tục nhận được thông tin bạn đọc phản ánh việc một trạm trộn bê-tông ngang nhiên hoạt động trong khuôn viên Trường Đại học Thành Tây, gây tiếng ồn và bụi bẩn cho nhiều hộ dân xung quanh.
Không chỉ người dân bức xúc, nhiều sinh viên cũng bày tỏ thái độ bất bình trước việc trạm trộn bê-tông này hoạt động liên tục 24/24 giờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân cũng như việc giảng dạy, học tập của thầy và trò.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhà trường xong, trạm trộn bê-tông này không được dỡ bỏ mà lại được một công ty khác thuê lại, tiếp tục sản xuất và tung sản phẩm ra thị trường. Điều đáng nói là, không chỉ có 1 trạm trộn bê -tông mà còn 1 trạm khác đang được hình thành, chuẩn bị đi vào hoạt động.
Khi bước chân qua cổng chính vào khuôn viên trường, đập vào mắt chúng tôi là trạm trộn bê-tông hoành tráng, khói bụi mù mịt. Hệ thống máy móc liên tục phát ra tiếng động inh tai nhức óc, những chiếc xe ben chở bê-tông vào ra liên tục.
Một nhân viên quản lý công trường trạm trộn bê-tông này tiết lộ: “Sau khi thuê lại mặt bằng ở đây từ năm 2012, Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị TSH (địa chỉ LK 6D, Khu đô thị Mỗ Lao, phường Mỗ Lao, Hà Đông) đang ngày đêm sản xuất và phân phối bê-tông tươi phục vụ cho các công trình trên địa bàn Hà Nội và ngoại tỉnh.Các anh mua cỡ nào chúng tôi cũng có”.
Trạm trộn bê-tông mọc trong khuôn viên Trường Đại học Thành Tây không chỉ nhằm phục vụ cho việc xây dựng trường, mà nay đã biến tướng sang hoạt động kinh doanh. Anh Nguyễn Văn T., một người dân chịu ảnh hưởng từ trạm trộn bê-tông, cho biết: "Mấy năm gần đây, trạm trộn bê-tông trong khuôn viên Trường Đại học Thành Tây khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ vì ô nhiễm môi trường, đường sá bị hư hại, tiếng ồn đinh tai nhức óc, khói bụi đặc quánh".
Theo phóng viên tìm hiểu, Trường Đại học Thành Tây sẽ được hưởng 415.560.000 đồng/năm từ Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị TSH. Còn trạm trộn thứ hai, Trường Đại học Thành Tây được hưởng 720.000.000 đồng/năm từ Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Dịch lịch Việt Nam; hợp đồng này có giá trị trong vòng 120 tháng kể từ này bên A (Đại học Thành Tây – PV) giao mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Phùng, Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa, cho biết: “Đất đó là của Trường Đại học Thành Tây, trạm trộn cũng của Thành Tây. Theo như hồ sơ mà trường cung cấp, hoạt động của trạm trộn bê-tông chỉ nhằm mục đích phục vụ xây dựng các công trình của trường. Vậy nên họ không phải xin phép”.
Lý giải của Chủ tịch UBND phường, không đúng bản chất với những gì phóng viên quan sát được. Có hay không sự quan liêu trong quản lý hoặc bao che của lãnh đạo phường Yên Nghĩa?
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị TSH, cho biết, để duy trì sản xuất, bắt buộc ông phải bán sản phẩm bê-tông ra ngoài. Bởi, nếu chỉ cung cấp bê-tông cho Trường Đại học Thành Tây xây dựng thì công ty ông đã phá sản từ lâu.
"Chúng tôi đặt trạm bê-tông trên đất này (Đại học Thành Tây) để cung cấp bê-tông cho dự án xây dựng trường Thành Tây. Tuy nhiên, các anh thấy đó, có thấy trường triển khai gì đâu. Chúng tôi chỉ mới làm bê-tông đổ, còn đường từ công trường đi vào, rồi mấy thứ linh tinh... Nếu cứ đợi vào đây (sản xuất bê-tông cung cấp cho Trường ĐH Thành Tây - PV) thì công ty tôi đã phá sản từ lâu rồi", ông Hùng phân trần.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty luật Khánh Việt thì tại Khoản 4, Điều 147, Luật Đất đai năm 2013 quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, cho thuê và phải sử dụng đất theo đúng mục đích.
Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác. Như vậy Trường Đại học Thành Tây đã có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai khi để trạm trộn bê -tông ngang nhiên hoạt động. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này.
Duy Cảnh
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.