KTNT - Mặc dù thửa đất của nhà thờ họ Nguyễn Lai ở xã Ngọc Mỹ đang tranh chấp nhưng không hiểu vì sao UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến việc tranh chấp chưa có hồi kết.
Ông Nguyễn Lai Xuân tâm sự nhà thờ họ đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa thể trùng tu, sửa chữa vì đang tranh chấp.
Vì đâu nên nỗi
Ông Nguyễn Lai Xuân, ở xóm Đầu Làng, thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, đại diện cho hàng trăm đinh trong dòng họ Nguyễn Lai phản ánh: Họ Nguyễn Lai có thửa đất 198m2, tại thửa đất số 306, tờ bản đồ số 01, tại xóm Đầu Làng, thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ. Trên đất trước đây có nhà thờ 5 gian; năm 1947 nhà thờ bị bắn cháy toàn bộ. Đến năm 1953, các gia đình trong dòng họ đóng góp để xây dựng ngôi nhà 3 gian lợp ngói.
Khi xây dựng xong, dòng họ đã giao cho cụ Nguyễn Lai Lọ (trưởng họ) trông nom, sau này cụ Lọ mất, dòng họ lại giao cho cụ Nguyễn Lai Lễ kế trưởng họ trông nom. Sau khi cụ Lễ mất, em trai Nguyễn Lai Hữu (vợ là bà Nguyễn Thị Đối - thường gọi là bà Kẹo - PV) kế trưởng họ trông nom nhà thờ. Để tiện cho việc trông nom, ông Hữu đã xin chuyển gia đình về đây sinh sống.
Khi ông Hữu mất, bà Nguyễn Thị Đối tiếp quản trông nom nhà thờ. Từ năm 1991, bà Đối có ý định chiếm dụng đất, tài sản của dòng họ nên đã dẫn tới tranh chấp. Nhưng không hiểu vì sao đang tranh chấp, UBND huyện Quốc Oai vẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 998743, vào sổ cấp GCNQSDĐ số 17.723 ngày 23/11/1994, mang tên bà Nguyễn Thị Đối.
Vụ việc đang tranh chấp, chính quyền chưa xử lý dứt điểm, ngày 17/2/2009, bà Đối mất và trước đó có làm di chúc thừa kế cho 2 con gái: Nguyễn Thị Bằng và Nguyễn Thị Phú. Gần đây, các cháu ngoại là Phan Văn Giang và Nguyễn Quyết Thắng đang tiến hành thủ tục kê khai đề nghị cơ quan chức năng chia tách thửa đất thành 2 phần. Tuy nhiên, do phản đối mạnh mẽ của dòng họ Nguyễn Lai nên vụ việc vẫn chưa được xử lý.
Một cụ cao niên trong họ Nguyễn Lai cho biết: “Từ năm 2009, bà Đối mất, các con bà đi lấy chồng, nhà cửa bị khóa bên ngoài nên mỗi khi muốn thắp hương cho gia tiên, chúng tôi buộc phải phá khóa để vào”.
Báo cáo của UBND xã Ngọc Mỹ gửi UBND huyện Quốc Oai báo cáo kết quả xác minh nguồn gốc đất của dòng họ Nguyễn Lai.
Cần xác minh lại nguồn gốc đất
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lai Xuân, đại diện dòng họ Nguyễn Lai, cho hay, trong khi dòng họ đang tranh chấp chưa có hồi kết, ngày 26/8/1993, UBND xã Ngọc Mỹ đã ra kết luận thửa đất số 306, diện tích 189m2 (diện tích thực 198m2 - PV), cùng toàn bộ số tài sản nằm trên đất bà Nguyễn Thị Đối đang sử dụng là hợp pháp và chính đáng (!?). Điều đáng nói là, UBND xã chỉ cho gia đình bà Đối biết kết luận, trong khi chúng tôi không hề hay biết. Mãi tận năm 2013, chúng tôi mới biết có bản kết luận này.
Trong khi đó, UBND xã Ngọc Mỹ lại gửi văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai xử lý việc tranh chấp tài sản giữa hai bên. Tuy nhiên, đại diện họ Nguyễn Lai - ông Xuân, bà Nguyễn Thị Phú (con gái bà Đối) cùng đề nghị Tòa án không giải quyết vụ việc vì hai bên không kiện lẫn nhau, chỉ có UBND xã Ngọc Mỹ đề nghị tòa giải quyết tranh chấp tài sản.
Sau khi Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai nhận được đề nghị của hai bên không yêu cầu tòa xử lý, ngày 20/6/1994, Tòa đã ra Quyết định số 03, đình chỉ việc giải quyết vụ án. Quyết định ghi rõ: Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý số 03, ngày 20/3/1994 của Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai về việc kiện đòi tranh chấp tài sản; về án phí, ông Xuân phải nộp 50.000 đồng để sung công quỹ nhà nước. Vậy là không nộp đơn khởi kiện lên tòa nhưng ông Xuân phải nộp án phí!
Đây cũng có thể là “gậy pháp lý” để UBND xã Ngọc Mỹ báo cáo với huyện Quốc Oai về thực trạng tranh chấp giữa hai bên. Ngoài ra, UBND xã Ngọc Mỹ còn dựa vào Bản đồ địa chính năm 1925 (thời Pháp) vẫn được lưu giữ, không có sổ mục kê, không xác định được thửa đất đứng tên ai.
Tuy nhiên, tại Bản đồ và sổ mục kê lập năm 1990, thửa đất 306, tờ bản đồ số 01 đứng tên bà Nguyễn Thị Kẹo (bà Đối khi đó người dân gọi là Kẹo), tại mục ghi chú có ghi “nhà thờ họ”, tiếc rằng khi báo cáo gửi UBND huyện Quốc Oai, UBND xã Ngọc Mỹ có thể đã “cố tình quên” đưa chi tiết này vào báo cáo.
Đặc biệt, ngày 14/11/1994, UBND xã Ngọc Mỹ còn kiến nghị UBND huyện Quốc Oai giải quyết khiếu nại cho công dân Nguyễn Lai Xuân. Nhưng chỉ 9 ngày sau, ngày 23/11/1994, UBND huyện Quốc Oai đã ra Quyết định số 304-QĐ/UB cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Đối, thửa đất số 306, tờ bản đồ 01, diện tích 198m2, trong khi thửa đất vẫn đang còn tranh chấp!
Tại Bản đồ và sổ mục kê lập năm 1990, thửa đất 306, tờ bản đồ số 01 đứng tên bà Nguyễn Thị Kẹo (bà Đối khi đó người dân gọi là Kẹo), tại mục ghi chú có ghi “nhà thờ họ”.
Ngày 9/5/2017, UBND xã Ngọc Mỹ có Báo cáo số 139 BC/UBND gửi UBND huyện Quốc Oai và Ban Tiếp công dân huyện, có nội dung: Việc xác minh làm rõ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Đối năm 1994 còn chưa cụ thể, cần xác minh lại. Vậy vấn đề chưa cụ thể ở đây là cần phải có những bằng chứng pháp lý nào, không thấy xã Ngọc Mỹ nêu ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ, cho biết, việc cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Đối năm 1994 còn chưa cụ thể, cần xác minh thêm. Còn việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Đối thuộc thẩm quyền của huyện Quốc Oai. Trước mắt, mọi việc chia tách thửa đất, xã đề nghị tạm dừng và đợi cấp trên xử lý.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, vụ việc tranh chấp giữa hai bên tốt nhất cho ra Tòa để xử lý thì tốt hơn. Chủ trương của huyện là mọi việc đúng sai ra tòa là nhanh nhất. Khi đó, cá nhân, tổ chức nào sai phải chịu trách nhiệm.
Thiết nghĩ, UBND huyện Quốc Oai cần xác minh rõ nguồn gốc đất, căn cứ các tài liệu đất đai, bản đồ địa chính gốc, đặc biệt sổ mục kê được lập năm 1990 của xã Ngọc Mỹ để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật, chấm dứt tình trạng tranh chấp kéo dài.
Hoàng Văn
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.