Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 12 năm 2014 | 1:0

Tranh chấp đất xây lăng mộ ở Nghệ An: Cần giải quyết thấu tình, đạt lý!

KTNT - Với mục đích tốt đẹp là xây cất lăng mộ tổ tiên, tôn tạo nghĩa trang dòng họ, ông Nguyễn Hữu Thắng ở xóm 4, xã Hưng Xá (Hưng Nguyên - Nghệ An) đã làm đơn xin chính quyền sở tại cấp đất. Nhưng sau khi bàn giao đất, nội bộ dòng họ lại xảy ra mâu thuẫn, chính quyền xã giải quyết sự việc không dứt điểm khiến việc kiện tụng kéo dài.

 

Ông Nguyễn Hữu Thắng (bên trái) tại khu đất nghĩa trang đã “mua” cách đây hơn 2 năm.

 

Mâu thuẫn vì mảnh đất nghĩa trang

Trong đơn thư phản ánh, ông Nguyễn Hữu Thắng trình bày: Ngày 13/8/2012, sau khi hỏi ý kiến một số đại diện trong chi họ Nguyễn, ông đã làm đơn gửi lên xã xin cấp diện tích đất xây nghĩa trang 28m2, thời điểm đó giá đất là 55.000 đồng/m2, ông đã nộp cho xã 1,6 triệu đồng, nhưng xã chỉ thu 1,5 triệu đồng (có ghi biên lai thu tiền).

Sau đó, Ban quản lý nghĩa trang cùng đại diện các ban ngành của xã tiến hành bàn giao, đóng mốc quy hoạch trong phần diện tích ông Thắng đã xin cấp. Sau khi được giao đất, ông Thắng tiến hành bồi đất, đổ gạch, xây bao quanh.

Ngày 17/2/2014, ông Nguyễn Văn Quế (em trai của bố ông Thắng) “bỗng dưng” làm đơn khiếu nại vì ông Thắng đã mua mảnh đất có phần mộ của cha và anh của ông Quế trên đó. Lý do được đưa ra là: “Anh Thắng là cháu và con nuôi, không đủ vị thứ và quyền để mua phần lăng mộ của cha (ông Nguyễn Văn Mạn), mẹ (bà Đinh Thị Mười), anh (ông Nguyễn Hồng Thái ) chúng tôi... Đề nghị UBND xã giải quyết, phân định phần đất lăng mộ của cha, mẹ, anh chúng tôi và đất của anh Thắng rõ ràng".

Sau khi tổ chức hòa giải không thành, ngày 10/4/2014, UBND xã Hưng Xá ra quyết định: "Tạm đình chỉ việc xây dựng và quy hoạch, cất bốc lăng mộ tại nghĩa trang liên quan đến diện tích và các ngôi mộ nói trên đối với cả hai phía; yêu cầu gia đình bàn bạc để thống nhất cao việc xây dựng quy hoạch, sắp xếp trong diện tích 13m2 mà UBND xã đã cấp 2 đợt, có biên bản gửi về UBND xã thì xã cho phép tiến hành xây dựng theo quy định của pháp luật và quy chế quản lý nghĩa trang" (gồm 10m2 đất cấp cho ông Thắng, 3m2 cấp cho ông Quế ngay sát đó - PV), ai vi phạm sẽ bị xử lý.

Tuy nhiên, ngày 14/4/2014, UBND xã và Ban quản lý nghĩa trang lại cho phép ông Quế cất bốc, xây dựng lăng mộ trong khi ông Thắng không được thông báo. Nhận được thông tin, ông Thắng xuống hiện trường thì phần diện tích đất ông xây tường bao, tập kết vật liệu chuẩn bị thi công đã bị đập phá và có lăng mộ mới xây trên đó. Ông Thắng đề nghị chính quyền xã làm rõ sự việc nhưng không được giải quyết.

“Bản thân tôi chỉ vì lòng thành kính muốn báo hiếu với tổ tiên mà xin xã cấp đất, để quy hoạch lăng mộ, hơn 2 năm qua không có tranh chấp gì. Đầu năm 2014, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân mà ông Quế, là em trai út của bố tôi, viết đơn gửi lên UBND xã phản ánh về việc làm của tôi, chính quyền đã không có giải pháp thấu tình, đạt lý, lại để người nhà ông Quế ngang nhiên phá hoại tường rào bao quanh rồi xây lăng mộ trên chính mảnh đất mà trước đó xã đã bán cho tôi. Diện tích đất không lớn, số tiền không đáng là bao, nhưng cách giải quyết của xã như thế khiến tôi rất bức xúc", ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Lai, một người chú của ông Thắng, chia sẻ: “Gia đình chúng tôi có tới 15 anh em, nhưng từ lâu không làm được nghĩa trang cho ông bà, tổ tiên. Anh Thắng là bậc cháu nhưng có lòng thành, mua đất để quy hoạch, xây cất lăng mộ cho ông bà tổ tiên và anh trai tôi. Khi mua đất, anh Thắng hỏi ý kiến tôi, tôi thấy anh ấy có ý tốt nên đã đồng tình”.

Xã đã làm hết trách nhiệm!

Trao đổi với PV, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Xá, ông Hoàng Văn Hạ cho biết: "Xã cấp đất cho ông Thắng là cấp cho dòng họ, ông Thắng chỉ là người đại diện và chỉ cấp 10m2 đất chứ không phải 28m2. Nhưng nguyện vọng của ông Thắng mong muốn được cấp đất ngay sát khu vực có mộ ông bà ở đó để tiện quy hoạch, vì thế xã cho phép ông Thắng xây bờ bao, quản lý một số ngôi của gia đình có sẵn từ lâu đời".

Khi được hỏi tại sao lại có quy định mức giá “mua” đất nghĩa trang là 150.000/m2, ông Hạ cho rằng: "Đất đai là do nhà nước tập trung quản lý, xã không có quyền bán. Xã chỉ vận động người dân đóng góp tự nguyện, với mục đích duy nhất là quay trở lại phục vụ cho việc xây dựng nghĩa trang. Số tiền đó, xã dùng cho việc mua nguyên vật liệu rào kè xung quanh nghĩa trang và trả tiền công cho quản trang".

Còn lý do tại sao đã tạm đình chỉ khi các bên đang tranh chấp mà vẫn cho phép ông Quế tiến hành cất bốc, xây dựng lăng mộ, ông Hạ giải thích: “Gia đình ông Quế đã xem ngày giờ rồi, xã không có lý do gì để đình chỉ việc cất mộ của người dân”.

Việc ông Quế xây lấn vào diện tích đất đang tranh chấp được lý giải là xã có rất nhiều việc phải quản lý, nên có những sơ suất không thể trọn vẹn, sẽ rút kinh nghiệm.

 Cũng theo lời ông Hạ, hướng giải quyết của UBND xã Hưng Xá lúc này là nếu gia đình ông Quế không có ý kiến gì nữa thì giao cho ông Thắng quản lý 10m2 đất đã cấp mới. Nếu ông Thắng không đồng ý, có thiện chí thì trả lại 10m2 này cho UBND xã, chuyển sang chỗ khác, xã sẽ cân nhắc giải quyết. Tuy nhiên, ông Thắng không đồng tình với hướng giải quyết trên của chính quyền.

Cách giải quyết sự việc không dứt điểm, chưa thấu tình, đạt lý của chính quyền xã Hưng Xá khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, những người trong chi họ Nguyễn cũng nên hòa giải, chỉ khi con cháu hòa thuận, đoàn kết thì ông bà, tổ tiên mới có thể “ngậm cười nơi chín suối”.

Đình Lam

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top