Không có quyết định thu hồi đất bồi thường hoặc cưỡng chế để thực hiện theo trình tự trích đo, kiểm đếm theo luật định nhưng Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hà Vy vẫn huy động lực lượng đến hành hung chủ hộ, dùng phương tiện cơ giới san ủi, hủy hoại đất và tài sản trên đất, khiến nhân dân xã Dân Hóa (Minh Hóa – Quảng Bình) bất bình.
Cty TNHH TM tổng hợp Hà Vi san ủi đất hủy hoại tài sản của bà Hường mà chưa bồi thường theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường ở bản Ốc, xã Dân Hóa phản ánh: Ngày 21/11/2008, ông Hồ Đào Hoa, Trưởng bản Ốc thỏa thuận làm giấy chuyển nhượng đất và cây cối trên đất cho bà với diện tích 32.983m2 (tại thửa 72, tờ bản đồ số 32 đồi Cha Loong, bản Ốc) với số tiền 30 triệu đồng. Ông Hoa đã nhận tiền và hứa sẽ đưa sổ đỏ cho bà nhưng đến nay, qua nhiều lần hứa hẹn, bà vẫn chưa nhận được sổ đỏ từ ông Hoa.
Tin tưởng vào lời hứa hẹn của trưởng thôn, bà Hường yên tâm canh tác và sử dụng trên diện tích đất đã mua, chỉ đến khi UBND xã yêu cầu trả lại đất cho một đơn vị xây dựng cây xăng, bà mới vỡ lẽ đất của mình có tới 3 chủ, nghĩa là cũng tại địa điểm và diện tích trên, ngày 10/10/2012, ông Hồ Đào Hoa tiếp tục bán cho ông Lê Y Tam, người cùng xã. Năm 2015, ông Hoa bán tiếp cho Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hà Vy.
Bà Hường bức xúc nói: “Tôi nghĩ trưởng bản là người nói sao làm vậy chứ không có chuyện lừa dối, nên tin theo. Ai ngờ, đến nay tôi mới phát hiện ông Hoa lừa bán trên giấy tờ trót lọt từ chủ này đến chủ khác, thậm chí lừa cả cấp trên”. Chính vì vậy, bà đã có đơn thư yêu cầu UBND xã vào cuộc làm rõ.
Ngày 5/10/2015, UBND xã Dân Hóa tổ chức “hòa giải tranh chấp đất đai” với nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thu Hường, bị đơn ông Hồ Đào Hoa. Trả lời việc chuyển nhượng, ông Hoa thừa nhận chữ ký của ông trong “giấy chuyển nhượng đất và cây” ngày 21/11/2008 là đúng. Tuy nhiên, ông Hoa nói mới nhận 17 triệu đồng chứ không phải 30 triệu đồng, bà Hường bức xúc đề nghị công an điều tra làm rõ thì ông Hoa im lặng.
Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, khẳng định: Việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không lập hồ sơ chuyển đổi nộp UBND xã của bà Hường là trái quy định. Yêu cầu bà Hường không tranh chấp phần đất này mà tiến hành phá dỡ hàng rào, cây trồng trên diện tích đó. Tuy nhiên, mặt khác ông Hạnh cũng kết luận: “Đất chuyển nhượng giữa ông Hoa và bà Hường là đúng thực tế” (?!). Bởi bà Hường cho rằng, diện tích đất nói trên của gia đình bà phải được bồi thường và hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Nói về người chủ thứ 3 – Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hà Vy, ngày 15/10/2015, công ty này đơn phương ra Thông báo số 01/TB về việc san lấp mặt bằng thực hiện dự án. Ông Hoàng Tam Tĩnh, Giám đốc Công ty, cho rằng: “Căn cứ Quyết định số 2408/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh về việc chấp nhận thuê đất của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hà Vy; Biên bản giao đất ngày 14/10/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty thông báo: ngày 18/10/2015 sẽ thực hiện san lấp mặt bằng. Hiện nay còn một số cây trồng trên đất và hàng rào bao quanh, đề nghị bà Hường giải tỏa để đơn vị thi công như kế hoạch.
Để hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi trực tiếp gặp ông Hoàng Quốc Việt, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình. Ông Việt cho biết: “Công trình xây dựng nếu vướng vào đất, tài sản trên đất của dân thì chính quyền xã, huyện đó phải có trách nhiệm trích đo, kiểm đếm để bồi thường, hỗ trợ cho bà con đúng theo quy định của Nhà nước”. Thế nhưng Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hà Vy lạm quyền “thông báo bà Hường phải giải tỏa” để tước đoạt quyền được bồi thường đất và tài sản trên đất (sử dụng ổn định từ năm 2008 đến nay). Chưa hết, trong khi vụ việc đang chờ giải quyết thì vào 14 giờ 30 ngày 18/10/2015, ông Hoàng Tam Tĩnh, Giám đốc Công ty xông vào đánh bà Hường khi bà phản đối việc tháo dỡ tài sản trên đất đang tranh chấp.
Rất mong các cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Bình vào cuộc làm rõ vụ việc.
Nhóm PVĐT
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.