Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022 | 10:55

Trồng cây gây rừng, tầm nhìn của tương lai

Trong bài viết “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân số 2082 (28/11/1959), Bác Hồ nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn.

Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

 

Rừng trong cuộc sống Hôm nay và Tương lai

 

Điều mong muốn này trở thành di sản của Bác để lại cho các thế hệ sau này. Đây thực sự là tầm nhìn của một con người vĩ đại để bảo vệ cho trái đất xanh, bảo vệ cuộc sống con người cho ngày hôm nay mà cả đến mai sau.

Trồng cây gây rừng theo lời Bác dạy

Ngay sau khi trở về nước để lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, ngày 01/01/1942, trong bài “Năm mới, công việc mới” viết cho Báo Việt Nam độc lập, số 114, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy tính tất yếu phải trồng cây: “Muốn ăn quả thì phải trồng cây”. Cụm từ “trồng cây” từ khi ấy liên tục được Bác nhắc lại trong nhiều bài viết, bài nói của mình.

Lý do phải trồng cây, theo Bác, trước hết là lấy gỗ làm nhà, ổn định cuộc sống. Vì thế, ngày 30/5/1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên Báo Nhân dân số 1901 có căn dặn: “Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà: Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất là 5 cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột). Và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre”.

 

trong-rung-copy-copy.JPG
Ảnh lớn: Người dân xã Tân Tiến (Yên Sơn - Tuyên Quang) trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Ảnh Vũ Quang. Ảnh nhỏ: Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái hướng dẫn người dân trồng quế tại xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu. Ảnh: Tiến Khánh.

 

Sau đó, ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây: “Từ năm 1960 - 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Sâu xa hơn, Người cho rằng, thi đua trồng nhiều cây nhằm mục đích lớn lao đó là tạo ra giá trị vật chất và môi trường cho xã hội; bởi theo Người: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc cho thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rẻ mỗi cây 3 đồng thôi, sau 5 năm sức lao động của các cháu bỏ ra sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội - Mátxcơva thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi”.

Với ý nghĩa thiết thực và lớn lao của “Tết trồng cây”, Lời kêu gọi của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Mùa Xuân năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ, rồi Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau. Hơn 60 năm qua, cây đa nhỏ năm xưa Bác trồng giờ đã là cây đa cổ thụ sum suê xanh tốt, tỏa bóng mát quanh năm.

Theo lời Bác dạy, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và các đơn vị, địa phương đều tổ chức “Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa của Dân tộc hơn 60 năm qua, không những làm cho “Đất nước ta càng ngày càng Xuân” theo như lời Bác, mà còn giúp cho hệ sinh thái, môi trường nước ta được bảo vệ.

Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu, hậu quả là lũ lụt thiên tai ảnh hưởng không chỉ đối với các nước khác trên thế giới, mà ngay cả Việt Nam  cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, hậu quả để lại vô cùng lớn. Một trong những nguyên nhân đó là việc tàn phá rừng tự nhiên, việc khai thác rừng nhưng không có biện pháp trồng lại, làm cho diện tích rừng ngày một cạn kiệt, mất dần đi.

Năm 2016, sau Hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk do Thủ tướng (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ngày 22/7/2016, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

Đây thực sự là  chủ trương đúng đắn và là biện pháp mạnh của Nhà nước trong việc bảo vệ rừng.

Theo Báo cáo của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam), trong năm 2021, vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp giảm 12% số vụ; diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, phá rừng và ảnh hưởng của thiên tai giảm 33%... Tỷ lệ che phủ rừng trên toàn quốc đạt 42,01%, tăng 0,11%; các hoạt động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực . Đây thực sự là kết quả rất đáng phấn khởi đối với công tác trồng cây gây rừng ở nước ta.

Tết trồng cây năm 2021 được “khởi động” bằng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ qua Chỉ thị 45/CT-TTg ký ban hành ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng phê duyệt Đề án số 524 với mục tiêu đến hết năm 2025 cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Năm 2021, cả nước trồng được 210 triệu cây, đạt 115% kế hoạch, trong đó một số địa phương có kết quả tốt như: Nghệ An 7,3 triệu cây; Thanh Hóa 5,3; Lâm Đồng 4; Hà Tĩnh 3,3; Quảng Nam, Cà Mau, Cao Bằng mỗi tỉnh trồng 3 triệu cây...

Nâng cao đời sống người dân

Đúng như những gì mà Bác hằng mong muốn trong cuộc vận động nhân dân tham gia và thực hiện “Tết trồng cây” là để góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân, đến nay, nhiều người dân đã làm giàu từ những khu rừng được nhà nước giao để trồng và khai thác. Nhiều mô hình trồng rừng đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nông Văn Đạt ở thôn Long Thịnh, xã Quốc Khánh (Tràng Định - Lạng Sơn) đã phát triển thành công mô hình trồng rừng. Với số vốn ban đầu trên 500 triệu đồng, anh mua 40ha đất rừng tại thôn Nà Khau (xã Đội Cấn, huyện Tràng Định) và mua bạch đàn giống ở cơ sở uy tín, trồng rừng theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến nay, anh đã trồng được 35ha cây bạch đàn. Năm 2020, gia đình anh khai thác 15 ha, có thu nhập 2 tỷ đồng. Dự kiến đầu năm 2022, gia đình anh tiếp tục khai thác rừng và trồng mới diện tích đã khai thác.

Hay như Chị Vi Thị Tha, dân tộc Thái ở bản Ho, xã Hiền Kiệt (Quan Hóa - Thanh Hóa), nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó,  phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng rừng.

Năm 2015, gia đình chị mua trên 20ha đồi rừng của người dân để trồng xoan. Do được học chuyên ngành nông, lâm nghiệp,  chị áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây keo, xoan. Đến nay, diện tích cây keo bắt đầu cho thu hoạch, cây xoan sinh trưởng, phát triển khá tốt. Năm 2021, gia đình chị bán gần 2ha keo, thu 150 triệu đồng. Tận dụng tán rừng, gia đình chị nuôi  10 con bò thịt, gần 300 con ngan, vịt, gà. Ngoài  phát triển kinh tế gia đình, chị còn vận động, hướng dẫn người dân cách trồng rừng, phát triển kinh tế rừng trên các diện tích đất bị bỏ hoang ở bản Cháo và bản Ho.

Cũng nhờ vào trồng rừng mà người dân làng Pốt của xã Song An (thị xã An Khê - Gia Lai) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Làng hiện có hơn 150ha sản xuất nông nghiệp thì có tới 143ha trồng rừng với 2 loại cây chính là keo lai và bạch đàn. Làng Pốt có 80 hộ với 351 nhân khẩu, 100% dân số của làng là người dân tộc Ba Na. Trước đây, đời sống của bà con trong làng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ trồng rừng mà đời sống của bà con  khá giả hơn, hiện chỉ còn 3 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm.

Hộ gia đình anh Vàng A Lai, ở bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu), tham gia Dự án trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Với diện tích đất trống, anh đưa cây sơn tra (táo mèo) vào trồng; tận dụng tán rừng, trồng trên 2 nghìn gốc thảo quả, địa lan. Đất chẳng phụ công người, đến nay, gia đình anh Lai có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu hái quả sơn tra, thảo quả và bán hoa địa lan.

“Nhờ rừng mà gia đình đã thoát nghèo, có thêm tiền mua sắm vật dụng như xe máy, ti vi, máy xay xát… Cuộc sống bây giờ tốt hơn trước rất nhiều. Mình cũng đang có ý định đăng ký nhận trồng thêm rừng nếu Nhà nước giao”, anh Lai chia sẻ.

Ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, cho biết: Cách đây 5 năm, xã có tới 70% hộ nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn có độ dốc cao, diện tích đất để sản xuất rất ít. Phát huy thế mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng.

“Khi người dân có thu nhập từ rừng, rừng là nguồn sống của họ thì bà con tự nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Bây giờ trên địa bàn xã có nhiều hộ có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/năm từ rừng. Kinh tế rừng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã, hết năm 2021, số hộ nghèo của xã chỉ còn gần 20%”.

Rừng đã giúp nông dân nâng cao thu nhập, từ du canh du cư sang ổn định sản xuất và đời sống. 

Trồng rừng cho tương lai

Xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản là một trong những khâu đột phát để Tuyên Quang trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Vì thế, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều cơ chế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Chẳng hạn, hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rừng...

Đến nay, Tuyên Quang có trên 192.100ha rừng trồng; trong đó, rừng trồng sản xuất trên 175.600 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 880 nghìn mét khối/năm, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng; thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC trên 35.800ha rừng trồng, cao nhất cả nước, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng lên 15%.

GRDP ngành lâm nghiệp Tuyên Quang đạt trên 1.600 tỷ đồng, chiếm hơn 17,5% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

 

4-copy.JPG
Sản xuất gỗ bóc ở xã Xuân Vân (Yên Sơn - Tuyên Quang).

 

Tuyên Quang cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất là 150.000m3 sản phẩm/năm (tương đương khoảng 600.000m3 gỗ nguyên liệu/năm). Nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hằng năm trên 1 triệu mét khối... Các doanh nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam chỉ ở mức từ 2-3 m2/người, trong khi đó, chỉ số tỉ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20-25 m2/người.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tỷ lệ cây xanh ở đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.

Do đó, yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài có sự định hướng của Chính phủ.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, Đề án 1 tỷ cây xanh chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Bên cạnh đó, với 180.000ha rừng trồng tập trung, trong đó có 150.000ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu mét khối gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra, với 180.000ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2, tương đương với giá trị 4,5 triệu USD.

Đến giữa tháng 6/2021, tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 87%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 38,06 triệu cây, tăng 5,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt khoảng 7,95 triệu mét khối, tăng 5,7% và sản lượng củi khai thác 9,9 triệu ste, tương đương  cùng kỳ năm 2020.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển, tới nay ngành lâm nghiệp đã trải qua 3 giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn 1 từ 2006 - 2010 là chương trình trồng rừng 661, giai đoạn 2 từ 2011 - 2015 bảo vệ và phát triển rừng và giai đoạn 3 từ 2016 - 2020 phát triển ngành lâm nghiệp bền vững.

 

Năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ và các loại lâm sản đạt 15,87 tỷ USD

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20 % so với kế hoạch năm, tăng 20% so với năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD, xuất lâm sản ngoài gỗ đạt 1,15 tỷ USD.

Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2%. Xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD tăng 21,2%.

 

Thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg  ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 05/08/2021, Chính phủ  ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó,  mục tiêu cụ thể là: a) Bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2025; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; b) Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao; c) Góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người làm nghề rừng. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Rừng thật sự quan trọng đối với cuộc sống của con người, tài nguyên từ rừng không phải là vô tận, nếu chúng ta chỉ biết khai thác mà không biết tái tạo thì sẽ đến lúc tài nguyên rừng cạn kiệt. Biến đổi khí hậu một phần do chúng ta khai thác rừng một cách tàn khốc, hậu quả là con người phải gánh chịu sự tàn khốc của thiên tai mà nguyên nhân chính lại do nhân tai gây ra.

Sự sáng suốt và tầm nhìn mang tầm  vĩ đại của Bác Hồ, của Đảng, Chính phủ về công tác trồng và bảo vệ rừng, thông qua “Tết trồng cây”, Đề án 1 tỷ cây xanh..., thật sự có ý nghĩa và quan trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước ta.

Một mùa xuân mới đã đến. Người dân khắp nơi hồ hởi tham gia Tết trồng cây.  Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương!

 

Bài 3: Trồng rừng và mục tiêu COP 26 của Việt Nam

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top