Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 2 năm 2022 | 14:3

Rừng trong cuộc sống Hôm nay và Tương lai

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2021, cả nước trồng được 277.830ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tăng 0,01%, tương ứng tăng khoảng 3.300ha, so với năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20%, xuất siêu cả năm của ngành lâm nghiệp đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2%.

Ngoài ra, cả nước thu được 3.115 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, đạt 111% kế hoạch thu năm và tăng 20% so với năm 2020.

Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, là bộ phận quan trọng không thể thiếu của môi trưởng sinh thái, có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống và sản xuất của xã hội, không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn tạo ra môi trường an toàn, cân bằng hệ sinh thái, góp phần chống biến đổi khí hậu...

Bảo vệ rừng, bao gồm cả trồng rừng, là vấn đề cấp bách của mọi quốc gia và toàn cầu.

Bài 1: Máu rừng vẫn chảy

Một thực trạng đáng buồn là, dù lệnh đóng cửa rừng đã được thực hiện, nhiều vụ chặt phá rừng đã được xử lý nghiêm nhưng tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng vẫn “cướp” đi hàng nghìn hecta rừng mỗi năm. Hậu quả là, mưa lũ xuất hiện nhiều hơn, kèm theo đó là thiệt hại lớn về người và tài sản. 

Suy giảm 2.500ha rừng mỗi năm

Việt Nam coi rừng là nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế xã hội và hạnh phúc của cộng đồng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn, đảm bảo tuần hoàn nước.

Rừng là một trong những yếu tố tiên quyết cho vấn đề môi trường. Đảng và Nhà nước luôn đặt công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng. Từ nhiều năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc làm mất rừng cũng như đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng.

 

1.jpg
Cây nghiến trị giá gần 1,4 tỷ đồng ở xã Phúc Yên (Lâm Bình - Tuyên Quang) bị lâm tặc chặt hạ. Kết quả là 8 đối tượng bị tuyên phạt gần 50 năm tù.

 

Quyết tâm đình chỉ, thu hồi những dự án gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên; kiểm tra, truy quét đầu nậu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt, những người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác trái phép tài nguyên rừng.

Dù vậy, thực tế, tình trạng phá rừng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Đặc biệt, diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng suy giảm. Ông Hoàng Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) từng đặt vấn đề, phải chăng có sự bao che, tiếp tay, thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý của một bộ phận cán bộ chính quyền, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm được giao?

Nạn chặt phá rừng xảy ra ở nhiều khu vực, khiến nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Mất rừng được coi là một thảm họa quốc gia. Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500ha rừng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2021, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, giảm 13% so với năm 2020. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.229ha, tăng 527ha. Qua đây cho thấy, diện tích rừng bị thiệt hại đã có giảm so với những năm trước đây nhưng mỗi năm vẫn có hàng nghìn hecta biến mất.

Khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2019, tổng diện tích có rừng của khu vực này là gần 2,6 triệu hecta, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tịch thu 9.898m3 gỗ các loại.

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã ban hành cáo trạng truy tố 40 bị can liên quan đến vụ phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, xảy ra vào năm 2020. Trong đó, có 3 bị can gồm: Hoàng Công Ý, Trạm trưởng Trạm số 3, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô; Vương Thế Cao, Trạm phó Trạm số 5, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và Hoàng Công Nhật cũng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự; 35 bị can bị truy tố về các tội “Đưa hối lộ,” quy định tại Điều 364, Bộ luật Hình sự và tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản,” quy định tại Điều 232, Bộ luật Hình sự; 2 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản,” quy định tại Điều 232, Bộ luật Hình sự.

Liên quan tới phá rừng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, số vụ phá rừng trái pháp luật bị khởi tố hình sự tại tỉnh Điện Biên tăng đột biến với 18 vụ (tăng 260%). Riêng ở xã Mường Toong (Mường Nhé) xảy ra 33 vụ phá rừng với tổng diện tích 118.199m2, trong đó, 10 vụ bị khởi tố hình sự.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang tác động, làm mất một diện tích rừng rất lớn do bị cháy, sạt lở rừng ven biển. Chỉ riêng ở Cà Mau 10 năm qua đã mất gần 5.000ha rừng phòng hộ ven biển. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, giai đoạn 2011-2020, tỉnh này mất khoảng 4.950ha rừng ven biển. Nguyên nhân được cho là do tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, dẫn tới sạt lở ven biển diễn biến phức tạp trải rộng từ bờ Đông sang Tây.

Nguyên nhân mất rừng?

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng là do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về quy hoạch đất rừng hợp lý; người dân sống ở khu vực xung quanh vẫn có thói quen lên rừng chặt cây làm nhà, bán gỗ, đốn củi một cách thiếu ý thức; quy hoạch rừng để xây dựng thuỷ điện, nhà máy, làm trang trại; đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy, nhà cửa để phục vụ cho việc di canh, di cư; do sự tham gia, câu kết của cán bộ kiểm lâm với lâm tặc.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường khẳng định, thời gian qua, Đắk Lắk  đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, tuy vậy, độ che phủ còn thấp. Lý giải về việc này, ông Cường cho rằng, do đất đai màu mỡ nên dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất.

Cùng với đó, những năm qua, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương đã được các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ phá hủy môi trường, phá rừng và xảy ra lụt lội. Thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng thủy điện đã phần nào làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Chưa kể, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, tàn khốc hơn cũng có phần do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.

 

4.jpg
Sự cố sạt lở núi Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) khiến 30 người mất tích. Đây là sự cố thiên tai đặc biệt nghiêm trọng.

 

Việt Nam hiện có khoảng 200.000ha rừng ngập mặn, đứng tốp đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn trong nước đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn.

Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, để làm nương, làm rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt tình trạng phá rừng để lấy gỗ còn xảy ra ở nhiều nơi, có nhiều vụ phải đưa ra pháp luật. Việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa thực hiện nghiêm. Từ đó đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra.

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa 13 (ngày 9/12/2021), các đại biểu đặt câu hỏi về tình trạng phá rừng gây bức xúc trong nhân dân, ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, nguyên nhân chính thuộc về trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp còn buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát; do ảnh hưởng Covid-19, một số địa phương buông lỏng quản lý, đặc biệt là hạt kiểm lâm địa phương, ban quản lý rừng phòng hộ... thiếu tuần tra, kiểm tra địa bàn được giao; luật đã có nhưng hành lang pháp lý xử lý các vụ phá rừng chưa đủ sức răn đe; lực lượng kiểm lâm mỏng, bình quân 1 người quản khoảng 2.000ha rừng.

ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng cho rằng, đã đến lúc cần biện pháp mạnh hơn, cứng rắn hơn đối với các đối tượng lâm tặc, đặc biệt xử lý nghiêm một bộ phận cán bộ, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng.

Hậu quả nặng nề

Rừng bị mất đi quá nhiều khiến lũ lụt ngày càng gia tăng, thậm chí thảm họa lũ lụt ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng to lớn hơn. Theo chuyên gia lâm nghiệp GS. Nguyễn Ngọc Lung, hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mỗi năm nước ta xảy ra 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão, lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

Quảng Nam từng là nơi có độ che phủ rừng thuộc hàng lớn nhất nước; nhiều khu rừng hàng trăm năm tuổi với nhiều cây gỗ quý, nhiều loài động thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng vẫn chưa hiệu quả khi nạn chặt hạ rừng tự nhiên vẫn diễn ra. Huyện Bắc Trà My gần đây được xem là “điểm nóng” với hàng loạt vụ phá rừng, để lại hậu quả đau lòng. Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 năm 2017, toàn huyện đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất khiến ít nhất 12 người chết. Hai năm qua, Quảng Nam xảy ra hiện tượng nắng hạn nhiều, ít mưa. Riêng  năm 2020, chỉ mới xảy ra 2 đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 5 và bão số 6 nhưng hàng loạt địa phương miền núi phải “kêu cứu” vì tình trạng sạt lở xảy ra khắp nơi gây tổn thất nặng nề về cơ sở hạ tầng, giao thông...

 

3.jpg
Những năm gần đây, ở nhiều tỉnh, thành xảy ra tình trạng sạt lở đất làm thiệt hại lớn người và tài sản, trong đó, có nguyên nhân từ việc mất rừng.

 

Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, đặc thù địa lý dẫn tới mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực, khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn…

Trong một thời gian dài, hậu quả của việc phá rừng đã khiến nhiều diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh, thành bị san bằng để làm thủy điện, gây khó khăn cho việc điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn khi mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn.

Viện Nghiên cứu Môi trường nông nghiệp, nông thôn chỉ ra rằng, thực tế rừng tăng về diện tích, đồi núi trọc giảm dần, nhưng các năm qua nước ta vẫn bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng. Rừng trồng phòng hộ chất lượng, số lượng chưa đảm bảo. Rừng phòng hộ tự nhiên bị chặt phá, khai thác bừa bãi không duy trì được cấu trúc tự nhiên giảm thiểu khả năng phòng hộ.

 

Chặt phá rừng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, môi trường bị ô nhiễm, lũ lụt, cháy rừng, gây mất cân bằng sinh thái, bão, lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh phát sinh. Mùa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng, trở thành mối đe doạ nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế trong nước.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ, cháy rừng. Thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng gần đây có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Theo Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia, Việt Nam hằng năm hứng chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khí hậu diễn biến bất thường kèm theo các thiên tai mang tính cực đoan đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế đất nước.

Trong năm 2020, thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường, khốc liệt. Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể có 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Đặc biệt, cuối năm 2020, miền Trung đã phải gồng mình gánh chịu thiên tai: Lũ chồng lũ, bão chồng bão với những mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Năm 2021, Việt Nam xảy ra 9 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 139 trận động đất nhẹ, 326 trận mưa đá, dông lốc, sét; 174 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 163 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 19 đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc.

Tính đến ngày 10/11/2021, thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; 306 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.953 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 374.672 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 176.590 ha lúa, rau màu và 14.146 ha cây trồng bị thiệt hại; 298 km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở; 511km đường giao thông sạt lở... Ước giá trị thiệt hại hơn 5.244 tỷ đồng.

Tác động do biến đổi khí hậu đang trở thành nguyên nhân gây ra những thách thức an ninh khí hậu, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư.

Nhiệm vụ cấp bách

Phát biểu tại Lễ phát động Tết trồng cây ở Đền Hùng (Phú Thọ) mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954 tại chính mảnh đất này: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và nêu rõ, giữ nước không chỉ là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, mà hiểu rộng ra còn là bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, giữ gìn môi trường trong lành, sinh thái.

Chủ tịch nước nêu rõ, nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản. Điều này đã làm cho việc trồng rừng, bảo vệ rừng ngày càng có vai trò quan trọng, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững đất nước.

Theo kế hoạch đề ra, từ năm 2022-2025, cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải rất quyết tâm mới có thể đạt được.

 

Bài 2: Trồng cây gây rừng, tầm nhìn của tương lai

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top