Mặc dù, không ít lần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt những trường hợp ngang nhiên phá rừng, ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm trí là truy tố hình sự nhưng những đối tượng này không giảm.
Bắt giam đối tượng phá rừng phòng hộ
Ngày 29/8 vừa qua, công an huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết, vừa tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Văn Vương (SN 1988), Triệu Tiến Tài (SN1988, cùng trú tại thôn Khe Ca, xã Lâm Ca, huyện Đình Lập), Triệu Tiến Phúc (SN 1986, trú tại xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) về hành vi "Hủy hoại rừng".
Theo kết quả điều tra, 3 đối tượng trên đã sử dụng dao quắm, cưa máy cắt hạ với tổng số cây rừng trên 23,3 m3, mỗi cây có đường kính từ 7cm – 25cm trên diện tích 6.920,8 m2 tại khu rừng Mạy Mười, thuộc khoảnh 15, tiểu khu 8, xã Lâm Ca, huyện Đình Lập.
Đối chiếu với bản đồ hiện trạng, cơ quan chức năng xác định vị trí rừng bị phá thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng khai nhận, họ chặt phá rừng với mục đích chiếm đất để trồng cây thông, cây keo. Hiện nay, cơ quan công an Đình Lập (Lạng Sơn) đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc.
Bị phạt gần 400 triệu đồng vì hành vi phá rừng
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Sông Hiền (gọi tắt Công ty Sông Hiền) có trụ sở tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) gần 400 triệu đồng vì hành vi phá rừng.
Cụ thể phạt 197 triệu đồng, trong đó 22 triệu đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật với diện tích 847 m2 thuộc loại rừng sản xuất, 175 triệu đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật với diện tích 508 m2 thuộc loại rừng đặc dụng.
Công ty Sông Hiền còn phải chịu hình phạt bổ sung nộp 113,613 triệu đồng tương đương giá trị 1 máy đào bánh xích nhãn hiệu VOLVO (phương tiện vi phạm); buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu diện tích rừng đã bị phá trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hành chính.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe Nguyễn Thế Trường (SN 1985) và nhân viên bảo vệ Công ty Sông Hiền Lê Văn Thủy (SN 1968), cùng trú xã Hiền Thành mỗi người 5 triệu đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật. Ông Trường và ông Thủy chịu hình phạt bổ sung nộp 1.861.000 đồng tương đương 1 máy cưa cầm tay nhãn hiệu STIHL MS381 (công cụ vi phạm).
Trước đó, người dân các xã Vĩnh Hòa và Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh phát hiện gần 4ha cây hoa màu của họ mới trồng đã bị Công ty Sông Hiền ngang nhiên đưa phương tiện vào cày ủi, phá nát mà không thông báo trước.
Theo phản ảnh của người dân, diện tích đất hoa màu trên thuộc vùng đệm rừng đặc dụng Rú Lịnh. Vào năm 2017, chính quyền thu hồi diện tích này giao cho Công ty Sông Hiền, song sau nhiều năm công ty không sử dụng, để cỏ mọc hoang hóa, trong khi người dân cần đất để sản xuất nên đã trồng hoa màu ở đây.
Điều đáng nói, sau phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng, gồm Công an, Kiểm lâm huyện và chính quyền 2 xã Vĩnh Hòa và Hiền Thành tiến hành kiểm tra, thì phát hiện thêm hàng loạt sai phạm khác trong quá trình Công ty Sông Hiền triển khai dự án, san ủi mặt bằng tại đây. Trong đó rừng đặc dụng Rú Lịnh đã bị doanh nghiệp này xâm hại nghiêm trọng.
Người dân cần nhận thức đúng đắn để bảo vệ rừng và chấp hành pháp luật
Như chúng ta đều biết, rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống của con người, rừng có vai trò cân bằng hệ sinh thái, ổn định và điều hòa khí hậu, điều hòa và điều tiết nguồn nước, giúp sự sống trên trái đất được duy trì bền vững.
Bên cạnh đó, rừng còn có giá trị cao về kinh tế, về khoa học đồng thời là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, dược liệu quý hiếm phục vụ cho các ngành khoa học như: Y học, sinh học, hóa chất, là nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhiều ngành công nghiệp, là cơ sở để phát triển ngành du lịch sinh thái. Hơn thế nữa, rừng còn có tầm quan trọng chiến lược trong việc tạo tuyến phòng thủ vững chắc trong an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng chặt phá, hủy hoại và lấn chiếm đất rừng phòng hộ nêu trên vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, thực trạng tài nguyên rừng đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng, diện tích đất rừng phòng hộ ngày càng cạn kiệt và bị thu hẹp; gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái nói chung và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.
Mặc dù Nhà nước rất quan tâm, thường xuyên tuyên truyền và xử lý nghiêm nhưng tình trạng chặt phá, hủy hoại và lấn chiếm đất rừng phòng hộ vẫn diễn ra, nguyên nhân chủ yếu do thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân.
Hình phạt nêu trên đối với những đối tượng nêu trên là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những ai đã và đang có hành vi và có ý định chặt phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép, cho dù ý thức chỉ đơn thuần chỉ là phát rừng để làm nương trồng lúa, trồng keo. Nhưng mọi người đều phải nhận thức được rằng hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ chính là hành vi hủy hoại rừng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, xâm phạm đến chế độ quản lý rừng của Nhà nước.
Qua vụ án nêu trên, các cấp, các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa của Rừng đối với môi trường sống của con người, tuyên truyền trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi chúng ta về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ lá phổi xanh cho cuộc sống.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.