Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 10 năm 2021 | 10:4

Trồng ngô sinh khối ở Phú Yên: Hướng đi mới giúp nhà nông tăng thu nhập

Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ.

Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi.

 

ảnh-6-từ-trái-ở-giữa-ông-đàm-ngọc-phi-giám-đốc-công-ty-đang-kiểm-tra-một-số-diện-tích-ngô-sinh-khối-đã-xuống.jpg
Ông Đàm Ngọc Phi, Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên, kiểm tra một số diện tích ngô sinh khối.

 

Làm thức ăn chăn nuôi

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các gia súc ăn cỏ tại nước ta, một số đơn vị khoa học và doanh nghiệp đã có các nghiên cứu ban đầu về cơ cấu thức ăn thô xanh phù hợp dành cho gia súc.

Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô thu hạt truyền thống. Ngô sinh khối thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng khó khăn của thời tiết hơn so với ngô hạt nên thuận lợi cho bố trí thời vụ. Thị tường tiêu thụ ngô sinh khối hiện nay khá thuận lợi, áp quy trình trồng ngô lấy hạt nên các hộ dân dễ dàng nắm bắt thực hiện. Đây là các yếu tố rất tốt để phát triển trồng ngô sinh khối tại Phú Yên.

Ông Đàm Ngọc Phi, Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên, cho biết: Việc sử dụng cây ngô chế biến thành thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua được ứng dụng tại các nước phát triển đàn gia súc nhưng mô hình này mới chỉ bắt đầu gần đây tại Việt Nam. Ngô sau khi ủ chua được sử dụng cho một số trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các trang trại nhập khẩu bò Úc nguyên con vỗ béo tại Việt Nam; đồng thời xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản...

Hiện nay, việc sản xuất ngô ủ chua không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt vào mùa khô. Vì vào mùa khô hạn, nhu cầu thức ăn thô xanh cho các trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên thiếu trầm trọng. Trong khi đó, tại Phú Yên lại là mùa thuận lợi trồng và thu hoạch ngô cây nên có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để chế biến thức ăn và cung cấp cho thị trường Tây Nguyên.

Ông Phi chia sẻ thêm, Công ty có trụ sở tại ngã tư Nông trường xã Sơn Thành Tây, có thể thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ dân đang trồng ngô sinh khối. Năm 2017, đa số vườn tiêu bị mất trắng do ảnh hưởng của cơn bão số 12 nên bà con tự  chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối để bán cho Công ty với giá thu mua hiện nay là  900 - 1.000 đồng/kg.

 

Toàn bộ cây ngô sinh khối (thân, lá, bắp) thường được băm/xay nhỏ để cho gia súc ăn trực tiếp, hoặc chế biến sâu hơn thành các thức ăn cho gia súc như ủ chua, viên nén hoàn chỉnh cho gia súc ăn cỏ...

 

Chính vì vậy, Công ty đã tạo điều kiện cho tất cả bà con có nhu cầu trồng ngô sinh khối để Công ty thu mua; các hộ dân nào không có vốn để bỏ ra sản xuất trồng ngô sinh khối thì Công ty cho mượn giống, phân bón và thuốc BVTV để thực hiện, sau khi ngô đã đến thời gian thu hoạch thì Công ty sẽ thu mua lại và lúc đó bà con hoàn trả lại phần vốn đầu tư.

Theo anh Đặng Quang Cẩm (Tây Hòa, Phú Yên), người trồng ngô sinh khối, có thể trồng 3 vụ/năm; năng suất khoảng 55 tấn/ha, tổng thu 57 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận bình quân hơn 20 triệu đồng/ha.

 

ảnh-8-ngô-sinh-khối-sau-3-tháng-trồng-công-nhân-công-đang-cho-vô-máy-xay-để-ủ.jpg
Ngô sinh khối sau 3 tháng trồng sẽ được thu hoạch để chế biến thành thức ăn cho gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò sữa, bò thịt. Trong ảnh: Công nhân đang cho cây ngô vào máy xay để làm nguyên liệu ủ chua.

 

Cần liên kết chặt chẽ

Ông Đàm Ngọc Phi cho biết thêm: Hiện Công ty có hơn 20ha ngô sinh khối, thời gian tới sẽ mở rộng thêm diện tích ở Gia Lai, Đắk Lắk và các huyện trong tỉnh Phú Yên. Để đạt mục tiêu, doanh nghiệp mong các ngành, các cấp ở địa phương  có chính sách hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất bấp bênh sang trồng cây trồng cạn.

Ngô là cây trồng có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở nước ta nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng. Cây có khả năng chịu hạn tốt, thích nghi rộng, năng suất cao, ít sâu bệnh và thị trường tiêu thụ ổn định nên có lợi thế trong việc bố trí mùa vụ cũng như các vùng trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng phát huy lợi thế vùng miền, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững.

Theo đó, đến năm 2030, duy trì diện tích ngô gieo trồng khoảng 600 - 700 nghìn hecta, sản lượng 3,5 triệu tấn, chú trọng phát triển ngô nếp, ngô đường, ngô rau, ngô sinh khối. Vùng sản xuất ngô trọng điểm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

 

Cùng với định hướng của nhà nước về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi, để nâng cao hiệu quả sản xuất ngô và giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, một hướng đi mới mở ra đó là trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, để thực hiện chủ trương trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi phát huy hiệu quả và mở rộng trong những năm tới, các địa phương cần tuyên truyền về hiệu quả của trồng ngô sinh khối, phải quy hoạch vùng trồng ngô sinh khối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, với các giống có triển vọng, giúp người dân nắm bắt tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất.

Bên cạnh đó, trồng ngô sinh khối và thu mua sản phẩm là công việc đòi hỏi phải có tổ chức, phối hợp giữa người sản xuất và người thu mua. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, đối với người sản xuất cần hình thành các tổ, nhóm sản xuất và xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể để bên mua có kế hoạch thu mua hợp lý.

 

 

Trần Nguyễn Lâm Viên
Ý kiến bạn đọc
Top