Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 16:2

Trồng rau sạch, mô hình cũ nhưng thiết thực

Không chỉ ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa mà ngay tại trung tâm TP. Đồng Xoài (Bình Phước), nhiều gia đình đã tận dụng mảnh đất sẵn có để trồng rau sạch, vừa giải quyết nỗi lo thực phẩm bẩn, vừa có thêm thu nhập.

Trồng rau sạch không còn là mô hình mới nhưng luôn cần thiết để tạo không gian xanh và góp phần nâng cao sức khỏe cho chính gia đình, người thân, bà con hàng xóm...

Cầu vượt cung

Gia đình chị Quản Thị Thu ở tổ 8, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình có 1ha đất ở, đất sản xuất. Ngoài phần lớn diện tích nuôi cá, trồng cây ăn trái, chị dành khoảng 2 sào (1 sào Nam Bộ = 1.000m2) đổ đất màu để trồng rau sạch. Chị Thu cho biết, lúc đầu chỉ trồng vài luống rau để phục vụ bữa ăn gia đình nhưng thấy nhu cầu người dân trong khu vực sử dụng ngày càng nhiều nên nhân rộng thêm. Diện tích đất không lớn nhưng trong vườn nhà chị có  nhiều loại như: rau muống, rau lang, cải, mồng tơi, quế, tía tô, húng, rau má… Điều đặc biệt là, vườn rau hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, nước tưới cũng sạch nên thực phẩm luôn đảm bảo an toàn. “Muốn rau sạch thì trước hết cuốc đất lên phơi ải, sau đó bón lót phân vi sinh, rồi gieo hạt hoặc cấy tùy loại. Đặc biệt, muốn an toàn thì quy trình trồng, chăm sóc tuyệt đối không xịt thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học mà chỉ bón lót phân chuồng”, chị Thu chia sẻ.

 

có-2-sào-đất-nhưng-chị-quản-thị-thu-trồng-đủ-loại-rau-sạch.jpg
Có 2 sào đất nhưng chị Quản Thị Thu trồng đủ loại rau sạch.

 

Tương tự, dù có khu đất không bằng phẳng, màu mỡ nhưng chị Đỗ Thị Huế ở tổ 5B, cùng khu phố Tân Trà 2 vẫn tận dụng tối đa diện tích để trồng các loại rau. Không chỉ đất của gia đình mà các khu lân cận nếu để trống chị Huế đều mượn để trồng rau với tổng diện tích 1,5ha nhằm cải thiện bữa ăn hằng ngày và bán cho người dân, nâng cao thu nhập.

Ở khu đất cao, chị Huế trồng mướp, bí, các loại rau thơm; khu đất bưng thì trồng rau lang, mồng tơi, cải; còn khu vực ao, hồ thì trồng rau muống, rau nhút. Theo kinh nghiệm lâu năm của chị Huế, để rau không bị sâu bệnh tấn công thì không nên trồng đại trà mà trồng thành từng khu vực độc lập, mỗi khu trồng một loại khác nhau. Chính vì thế, vườn rau 1,5ha của gia đình chị Huế ngoài bón phân vi sinh thì dù không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng vẫn không bị sâu bệnh phá hoại nên sản phẩm luôn tươi, sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

“Mỗi ngày, gia đình thu hoạch khoảng 50kg rau, củ các loại. Sản phẩm sạch cộng với giá bán rẻ hơn thị trường nên cung không đủ cầu, người dân đến tận nơi mua hoặc nếu dư đem ra cổng chợ bán, chỉ một lúc đã hết hàng. Mỗi ngày, vườn rau đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 1 triệu đồng sau khi trừ chi phí” - chị Huế cho hay.

 

chị-đỗ-thị-huế-tận-dụng-mọi-không-gian-để-trồng-rau-an-toàn.jpg
Chị Đỗ Thị Huế tận dụng mọi không gian để trồng rau an toàn.

 

Mở rộng sản xuất

Trước hiệu quả thiết thực từ trồng rau sạch tự phát của các hộ dân, tháng 5-2022, Hội LHPN phường Tân Bình đã thành lập Tổ hợp tác trồng rau sạch với 9 thành viên, diện tích hơn 2,5 ha. Đây là những hội viên thuộc Chi hội Phụ nữ khu phố Tân Trà 2 tham gia trồng rau sạch lâu năm với đủ loại rau, củ, quả.

Chị Đỗ Thị Tuyết Anh, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố Tân Trà 2, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng rau sạch, cho biết: Hằng ngày, trực tiếp đến cơ sở thấy chị em trồng rau không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên chúng tôi tập hợp, tham mưu thành lập tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên đều hưởng ứng tích cực và tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng sạch, an toàn.

Theo bà Võ Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Bình, Tổ hợp tác trồng rau sạch là diễn đàn để các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hằng quý, đơn vị đều tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ để các thành viên báo cáo tình hình sản xuất rau sạch thời gian qua và thảo luận, tìm hướng trồng các loại rau thích hợp với điều kiện thời tiết, mùa vụ. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người dân ở địa phương.

“Sắp tới, Hội LHPN phường sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho chị em trong tổ hợp tác vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm để mở rộng sản xuất. Đồng thời cùng ban chủ nhiệm giới thiệu, quảng bá sản phẩm rau sạch đến các điểm buôn bán rau, củ, quả tại chợ và các cửa hàng để kết nối cung ứng nguồn rau an toàn đến người tiêu dùng”, bà Hồng cho biết thêm.

 

 

 

Vũ Thuyên
Ý kiến bạn đọc
Top