Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu tại COP 26, trong đó nhấn mạnh cam kết: “Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030”.
Cuối năm 2021, cùng với hơn 120 nguyên thủ quốc gia khắp thế giới tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) ở Glasgow (Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu: “Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển”, trong đó nhấn mạnh cam kết: “Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030”.
Lá chắn thép trước biến đổi khí hậu
Rừng là nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hạnh phúc của cộng đồng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn và đảm bảo tuần hoàn nước.
Theo các chuyên gia, rừng cản không cho dòng chảy mặt chảy quá nhanh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Vì thế, ở những vùng có nhiều rừng che phủ, sẽ giảm bớt được thiên tai hạn hán và lũ lụt. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hoà dòng chảy càng lớn.
Theo tính toán của các nhà khoa học, các hàng cây với khoảng cách phù hợp sẽ cản được 30% tốc độ gió và có khả năng bảo vệ phạm vi đất đai gấp hơn 2 lần chiều cao của cây.
Ở những nơi có gió cát và hạn hán nghiêm trọng, việc trồng những hàng cây phi lao ngăn gió cát có tác dụng cải thiện môi trường sinh thái đất đai.
Thực tế cho thấy, nếu nước mưa trực tiếp xối vào mặt đất thì mỗi năm 1ha đất trồng hoa bị xói mòn 20 tấn, đất trồng cỏ bị xói mòn 1 tấn, trong khi đất trồng rừng chỉ bị xói mòn 0,1 tấn.
Mặt đất trong rừng có nhiều cành và lá cây khô, nước mưa rơi xuống mặt đất không thể xối thẳng vào đất, cũng không thể chảy nhanh mà ngầm chảy từ từ. Đó là vật cản quan trọng khiến mưa to không gây ra lũ lụt và rất có ích đối với việc bảo vệ đồng ruộng, nhà cửa.
Đặc biệt, hiện nay, lượng khí cacbonic thải ra ngày một tăng. Biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này là trồng nhiều cây xanh, vì cây xanh có khả năng hấp thụ khí cacbonic.
Còn đối với rừng ngập mặn, hệ sinh thái này không chỉ là nguồn cung cấp ôxy mà còn giúp điều hòa không khí. Đây là một trong những lá chắn giúp phòng hộ ven biển và phòng tránh được sự bào mòn của nước biển.
Là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260km và chạy dọc theo các tỉnh và thành phố, vì vậy, rừng ngập mặn ở Việt Nam được phân bố dọc khắp đất nước hình chữ S. Với hơn 200.000ha rừng, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới.
GS.TS Phan Nguyên Hồng, chuyên gia hàng đầu của châu Á về nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhận định, rừng ngập mặn là hệ sinh thái đặc biệt và hiếm có mà Việt Nam là một trong những quốc gia may mắn được thiên nhiên ban tặng. Rừng ngập mặn chỉ có ở các nước nhiệt đới, á nhiệt đới và có nhiều tác dụng trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bên cạnh đó, những hệ sinh thái giàu có này đang là một phần quan trọng hỗ trợ hành tinh và con người theo những cách độc đáo, từ cung cấp nơi sinh sản cho cá đến dự trữ carbon, chống lũ lụt. Rừng ngập mặn cô lập lượng carbon gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới khiến chúng trở thành giải pháp khí hậu dựa vào thiên nhiên hấp dẫn trong thị trường bù đắp carbon đang bùng nổ. Hệ thống rễ chắc chắn của cây rừng ngập mặn giúp hình thành hàng rào tự nhiên chống lại các cơn bão dữ dội và lũ lụt.
Phát triển kinh tế từ rừng
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp mới đây, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết. Năm 2021, diện tích trồng rừng đạt 277.830 ha, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với năm 2020. Trồng cây phân tán đạt 98,96 triệu cây, đạt 108,5% so với kế hoạch năm, tăng 13%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01%, tương ứng tăng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020. Trong số đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ 1,15 tỷ USD.
Có thể thấy, ngoài việc cân bằng hệ sinh thái, hạn chế biến đổi khí hậu, rừng còn góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân tại các địa phương.
Đơn cử, hiện, 17 tỉnh trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng gần 5,8 triệu hecta, độ che phủ gần 53% và chiếm gần 40% tổng diện tích rừng toàn quốc; trong đó rừng tự nhiên khoảng 3,9 triệu hecta, rừng trồng hơn 1,8 triệu hecta.
Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm. Tại các địa phương, có gần 750 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản; tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 đạt hơn 7.700 tỷ đồng, riêng năm 2020 thu gần 1.250 tỷ đồng.
Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, với một số địa điểm đặc trưng thu hút du khách như: Vườn quốc gia Hoàng Liên có đỉnh Fansipan; Vườn quốc gia Bái Tử Long - Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La, Tà Xùa, Sốp Cộp và Xuân Nha, tỉnh Sơn La... Qua đó, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan du lịch; ước tổng chi tiêu của du khách tới hàng nghìn tỷ đồng. Hoạt động du lịch góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, khẳng định, thời gian qua, phát triển rừng bền vững được Lai Châu xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Đến nay, Lai Châu đã có nhiều loại dược liệu quý hiếm được nhân dân bảo tồn và phát triển như: Sâm Lai Châu, cây Bảy lá một hoa, lan Kim Tuyến, tam thất, đương quy, thảo quả, hà thủ ô... Hiện, trên 70% số hộ dân của tỉnh đã tham gia trồng và bảo vệ rừng, có nguồn thu nhập ổn định từ rừng.
Từ việc chỉ đóng vai trò chức năng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, cân bằng môi trường thiên nhiên, người dân tỉnh Cà Mau đã biết tận dụng mặt nước dưới chân rừng ngập mặn thả nuôi các loài thủy sản.
Trong chuyến thăm mới đây, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP 26 và khẳng định, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong phát triển năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái. |
Theo Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau, trong những năm qua, đã có trên 400 hộ nuôi thủy sản dưới chân rừng ngập mặn, có thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau đã khuyến khích người dân sản xuất theo mô hình này - mô hình nuôi thủy sản sinh thái. Sản phẩm của mô hình này được thị trường chấp nhận với giá cao.
Ông Lê Minh Tỵ, trú tại ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc (Ngọc Hiển), cho biết, ngay trong rừng đước, nhiều hộ dân huyện Ngọc Hiển đã học tập cách đào vuông, thả tôm sú, phát triển kinh tế. Bằng cách nuôi tôm trong rừng ngập mặn, các hộ nuôi tôm chỉ mất chi phí mua tôm giống, hoặc tôm tự sinh sản, không mất chi phí thức ăn cho tôm. Con tôm thường sống len lỏi trong rễ cây đước, bám vào rễ cây, ăn rong rêu, từ đó mà lớn lên.
Chính vì vậy, con tôm được nuôi trong rừng đước sinh trưởng khỏe mạnh, ít dịch bệnh, lại an toàn cho người tiêu dùng. Người dân Cà Mau hiện nay có biểu tượng “con tôm ôm cây đước” chính là mô hình nuôi tôm sạch, tôm sinh thái lớn một cách tự nhiên trong rừng đước.
Nhiều khó khăn trong trồng rừng gỗ lớn
Biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và là một trong những nguyên nhân căn bản hủy hoại rừng. Tỉ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Độ che phủ của rừng nước ta hiện giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%.
Việc phát triển rừng gỗ lớn cần nguồn vốn ổn định, trong khi đó, điều kiện kinh tế nhiều hộ trồng rừng còn khó khăn. Do vậy, những năm qua, người dân vẫn đang duy trì việc trồng và khai thác rừng nguyên liệu gỗ nhỏ để cung cấp làm dăm cho các nhà máy, xưởng chế biến chứ chưa chuyển đổi trồng rừng khai thác gỗ lớn.
Thêm nữa, đối với rừng gỗ lớn, chu kỳ khai thác tối thiểu phải từ 10 đến 12 năm. Chu kỳ khai thác dài, rủi ro lớn do phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ. Cùng đó, điều kiện kinh tế của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn nên vấn đề trồng rừng càng gặp nhiều khó khắn.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, việc phát triển rừng sản xuất hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, đất đai và điều kiện sản xuất chưa thực sự phù hợp. Cụ thể, quỹ đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất còn hạn chế, không tập trung, chủ yếu quy mô nhỏ với diện tích chỉ 1-2ha. Hệ thống cơ sở hạ tầng lâm nghiệp phục vụ cho các vùng thâm canh trồng rừng còn thiếu và nhiều năm chưa được đầu tư.
Bên cạnh đó là khó khăn về vốn và tín dụng. Trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài, trong khi thủ tục vay vốn từ các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, thời gian cho vay ngắn. Do đó, các doanh nghiệp và hộ gia đình khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư thâm canh trồng rừng gỗ lớn.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, suy giảm diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Đặc biệt, gần đây, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương làm tăng nguy cơ phá hủy môi trường, phá rừng và xảy ra lụt lội. Thủy điện đã phần nào làm rừng bị mất đi khiến lũ có cường độ tàn phá nặng nề hơn.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Có thể thấy, đầu tư vào trồng rừng là hướng đi đúng đắn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng.
Kết luận cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong quý I/2022, các bộ ngành phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực quản lý để ứng phó biến đổi khí hậu, với các nhiệm vụ chủ yếu tập trung xử lý 8 vấn đề: Chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí methan; phát triển ô tô chạy điện; trồng rừng để hấp thụ cacbonic; vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững.
Để thực hiện cam kết tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam phải có cách tiếp cận toàn cầu, tiếp cận tổng thể để đánh giá mọi tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên phạm vi cả nước trong mối quan hệ toàn diện giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Lấy cấp cơ sở là nền tảng, lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, là động lực, là trung tâm... Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số... |
Thủ tướng lưu ý việc lập quy hoạch điện VIII cũng phải hướng tới các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Trong quý II, trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, thống nhất và trình các cấp có thẩm quyền chương trình tổng thể thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26, tổ chức triển khai bài bản, quyết liệt, hiệu quả sau khi được thông qua.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, các cơ quan ban ngành cần tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân vùng rừng; nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng thông qua việc tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo chuyên môn… lồng ghép với chương trình giáo dục pháp luật của các sở, ban, ngành và các lớp tập huấn do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ.
Thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng đóng quân trên địa bàn quản lý để kiểm tra, truy quét ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phối hợp giữa các trạm quản lý bảo vệ rừng, biển với chính quyền địa phương và các ngành chức năng nhằm đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm xảy ra trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thuỷ điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch…
Đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông, rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Qua đó, xây dựng cơ cấu xã hội nghề rừng ổn định, phù hợp với các mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc cải thiện và nâng cao tính bền vững của các hệ canh tác lâm - ngư nghiệp, tăng năng suất của rừng để nâng cao giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của rừng ngập mặn.
Xây dựng và thực hiện chính sách quản lý hệ sinh thái rừng, biển, trong đó người dân được phối hợp quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững theo quy định của pháp luật. Cụ thể, xây dựng cơ chế rõ ràng hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng nhận rừng để họ yên tâm đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lâu dài, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên đang giao cho các chủ dự án thuê rừng quản lý bảo vệ rừng nghèo kiệt.
Quan trọng hơn là cần có quy định cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc hiện nay cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện dự án trên đất rừng và sớm ban hành các giải pháp kỹ thuật để địa phương triển khai các dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt để trồng rừng thâm canh, nông - lâm kết hợp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.