Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 2 năm 2011 | 5:31

Trùm buôn lậu trở thành tỷ phú nông dân

KTNT- Từ một tay trùm buôn lậu bị kêu án 6 năm tù giam, anh Lê Minh Phăng (ngụ ấp 4, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, Long An) đã làm cú đổi đời ngoạn mục khi trở thành tỷ phú nông dân…

"Xì đen" tung hoành

Những năm 1990 của thế kỷ trước, vùng "tam giác sắt" (nơi tiếp giáp 3 tỉnh Long An, Tây Ninh của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia) gần như là lãnh địa của giới buôn lậu khu vực biên giới Tây Nam. Thuốc lá lậu, đường cát, rượu ngoại và nhiều mặt hàng khác đều theo cửa này để tuồn về TP.HCM tiêu thụ. "Xì đen" là cái tên mà các tay anh chị đặt cho ông trùm khét tiếng Lê Minh Phăng.

Lê Minh Phăng cùng công nhân thu hoạch đu đủ.

Không ai giải thích cái tên "Xì đen" từ đâu, do ai đặt. Thậm chí, đến giờ mọi người vẫn gọi anh Phăng là "Xì đen" nhưng bản thân anh cũng không biết tại sao mọi người lại gọi như thế. Nhiều người suy ra rằng có thể do anh Phăng có nước da đen giòn nên bị đặt chết tên. Tuy nhiên, "đen" có thể giải thích do màu da, còn cả tên "Xì đen" thì chẳng biết là ai đặt. Thời đó, dân buôn lậu vùng này ai cũng bị "thóp" (bị lực lượng chống buôn lậu phục bắt) một vài lần, riêng "Xì đen" thì chưa lần nào bị bắt.

Thập niên 90, khu vực biên giới Long An luôn "nóng" bởi những băng nhóm buôn lậu có máu mặt. Khét tiếng nhất thời bấy giờ là tên trùm có biệt danh "Xì đen". Với máu liều và sức khỏe hơn người, "Xì đen" luôn thắng trong những trận đấu tay đôi, thậm chí tay ba, tay tư với chiến sĩ đặc nhiệm giỏi võ để tẩu thoát. Hiện nay, "tên trùm" này đã thành tỷ phú nhờ chí thú làm ăn…

Anh Phạm Văn Hoàng - Công an xã Bình Hòa Nam, người từng nhiều năm tham gia truy bắt "Xì đen" kể lại: Tay trùm này "đánh hơi" và luồn lách rất giỏi nên lực lượng chống buôn lậu của huyện, thậm chí đặc nhiệm của tỉnh vẫn không bắt được.

Trên sông, "Xì đen" được coi là "thuồng luồng nước" khi luôn thoát ca nô của lực lượng chống buôn lậu dù anh chỉ điều khiển chiếc vỏ lái gắn máy xe hơi. Trong nhiều pha cận chiến trên lòng kênh hẹp, "Xì đen" sử dụng mái dầm như một thứ vũ khí lợi hại để chống trả lực lượng truy bắt và thoát thân.

Trên bờ, trùm này không ngại ngần tung những đòn cực mạnh để giành thế chủ động rồi nhanh chóng biến mất trong các lùm, bụi. Do lực lượng chống buôn lậu chỉ dùng súng thị uy chứ chưa bao giờ bắn vào con buôn nên "Xì đen" càng lúc càng tung hoành.

Nhiều con buôn biết được đặc điểm này nên giở chiêu "theo đóm ăn tàn", luôn tải hàng lậu sau lưng "Xì đen" coi như có lá bùa hộ mạng…

Đầu thú để trả nợ đời

Hồ sơ về "Xì đen" càng lúc càng dày nhưng tay trùm này vẫn chưa bị bắt. Mãi đến cuối năm 1996 “Xì đen” mới bị "thóp" do một đàn em đầu thú và chỉ điểm. Bị "bắt nguội” tại nhà, "Xì đen" đành đưa tay chịu còng. Ra đến khu vực chợ xã, người đội trưởng đội truy bắt còn tháo còng mời ăn sáng anh cũng không chạy. Ra tòa, Phăng bị tuyên án 6 năm tù, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, anh được hoãn thi hành án.

Những ngày chờ ra tòa, Phăng mới thấm thía chuyện mình làm giàu bằng con đường buôn lậu là sai. Khi bị tòa tuyên 6 năm tù giam, anh mới sực tỉnh khi thấy rằng toàn bộ tài sản bất chính do mình kiếm được lâu nay cũng chẳng còn gì khi đã trôi theo những cuộc chơi chiêu đãi đàn em. Tay trắng, vợ ốm đau, con còn nhỏ nên anh Đen viết đơn xin tạm hoãn thi hành bản án.

"Nhận quyết định tạm hoãn thi hành án trên tay, tôi vừa mừng vừa lo bởi thời gian tạm hoãn thì ngắn, trong khi gia sản dòm qua, dòm lại chỉ có 2 công đất phèn. Người ta đất mẫu trong tay mà còn đói lên đói xuống, huống gì mảnh đất chút xíu này" - anh Phăng nhớ lại.

Trồng mía không thể đủ sống, anh Phăng làm liều trồng chanh. Khi miếng đất 2 công chanh vẫn chưa thu hoạch thì cái hạn tạm hoãn thi hành án sắp hết. Nằm gác tay lên trán suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng anh lại làm cú liều thứ 2 khi trốn luôn vào bưng vỡ đất hoang để trồng chanh. Đội thi hành án lùng sục nhiều năm liền nhưng vẫn không bắt được.

Đầu năm 2005, khi thu hoạch từ cây chanh dư sức nuôi sống vợ con, Lê Minh Phăng ra trình diện công an. Nhờ cải tạo tốt, anh Phăng được làm Đội trưởng Đội trật tự trong trại giam. Với "uy tín" khét tiếng một thời, nhiều phạm nhân trong tù luôn xem Lê Minh Phăng như "anh cả". Năm 2007 anh được đặc xá.

Từ đó đến nay, nhờ chí thú làm ăn nên vườn chanh nhà anh cũng rộng ra. Hiện anh có 18ha đất, trong đó 5ha trồng chanh xen lẫn đu đủ (mỗi năm thu lãi tròm trèm 700 triệu đồng), số còn lại trồng mía (mỗi năm cũng kiếm khoảng 300 triệu đồng).

Trồng chanh thu lợi cao nhưng anh chỉ trồng 5ha, vì theo anh Phăng "trồng ít dễ chăm sóc, dễ bán". Cái hay là anh luôn trồng "gối đầu": Khi ruộng chanh này già sắp đốn bỏ thì anh trồng ruộng chanh khác thay thế, nên lúc nào anh cũng có chanh để bán.

Giám đốc nông dân

Năm 2009, Công ty TNHH 1 thành viên Minh Phăng được thành lập (chuyên san lấp mặt bằng, đào kênh thủy lợi) do chính anh Phăng làm giám đốc. Bởi cái chuyện anh bỏ được buôn lậu, làm lại cuộc đời tại vùng đất buôn lậu nổi tiếng này là một bất ngờ. Anh mở công ty rồi làm giám đốc càng làm mọi người bất ngờ hơn.

Nông dân Lê Minh Phăng bên vườn chanh.

"Đời tôi không chịu học hành đàng hoàng, đứa con trai lớn nghỉ học nửa chừng cũng do tôi chỉ lo làm ăn bất chính rồi rơi vào vòng tù tội. Bây giờ có được số vốn, tôi mở công ty để hướng dẫn cách làm ăn cho con, coi như là bù lỗ cho nó".

Con trai lớn của anh giờ theo nghiệp cha, là nông dân thứ thiệt. Riêng cô con gái thì đang học năm 2 Đại học Tài chính Ngân hàng ở TP.HCM. Cứ ngày nghỉ là cô đi xe buýt về nhà phụ hái chanh, tay thoăn thoắt như nông dân thứ thiệt.

Hôm tới nhà, thấy Giám đốc Phăng luôn bận rộn. Lúc thì chạy đi hối thúc mấy nhân công nam trồng nhanh ruộng chanh mới. Lúc thì hối mấy chị "công nhân" nữ lẹ tay hái nhanh để kịp cân chanh cho thương lái. Trong xóm anh, hàng chục người trước đây là dân cửu vạn chuyên đai hàng lậu giờ chuyển qua làm "công nhân" trên ruộng chanh với thu nhập trên 2 triệu đồng/ tháng.

Vừa tiếp khách, anh vừa liên tục nghe điện thoại nhận hợp đồng thi công, rồi báo giá chanh, hướng dẫn mấy nông dân ở huyện khác kỹ thuật chăm sóc.

Theo một đại diện Công an xã Bình Hòa Nam, trước đây xã này có hàng trăm người theo "nghiệp" cửu vạn, giờ hầu hết đã giải nghệ về nhà làm ăn chân chính. Nhiều người trước kia theo chân trùm buôn lậu "Xì đen" đi buôn lậu giờ lại theo chân nông dân Lê Minh Phăng trồng chanh và thoát nghèo, làm giàu chính đáng…

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top