Mặc dù là Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Gia Lâm (Hà Nội) nhưng ông Lý Duy Thanh đã “làm ngơ” trước hàng loạt sai phạm của gia đình mình.
>> Sai phạm tại Khu sinh thái Cánh Buồm Xanh: Sao chưa xử lý dứt điểm?
Dự án khu du lịch sinh thái Cánh Buồm Xanh có nhiều sai phạm.
Ai đang “bảo kê”?
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành uỷ Hà Nội, ông Lý Duy Thành (em ruột ông Lý Duy Thanh), Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ, là hộ trúng thầu thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi tại khu đất Cánh Buồm theo hướng trang trại kết hợp dịch vụ. Ông Lý Duy Thành là người trực tiếp ký Hợp đồng số 191/HĐ-UB, ngày 11/8/2004 và Hợp đồng số 85A/HĐ, ngày 10/3/2010 thuê đất thực hiện phương án với UBND xã Ninh Hiệp; là người sáng lập Công ty TNHH Cánh Buồm Xanh, cùng bà Lý Thị Thuỷ, em ruột bà Nguyễn Thị Thu Hương (con dâu ông Lý Duy Thanh) trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trên khu đất này.
Cùng với đó, ông Thành với trách nhiệm là người trúng thầu thực hiện phương án đã thực hiện không nghiêm túc Quyết định số 2186/QĐ-UB ngày 24/12/2003 và Quyết định số 478/QĐ-UB ngày 4/3/2010 của UBND huyện Gia Lâm, đã xây dựng nhà kho, nhà giới thiệu sản phẩm, nhà điều hành, nhà nghỉ tạm cho người lao động không đúng diện tích được phê duyệt; nhà giới thiệu sản phẩm xây dựng thành 18 kiốt cho thuê, nhà điều hành sử dụng làm nhà tập thể hình; tự ý xây dựng nhiều công trình không có trong phương án và chưa được UBND huyện phê duyệt.
Công ty TNHH Cánh Buồm Xanh giới thiệu ngành, nghề, dịch vụ kinh doanh.
Dựng tượng bố, xây 3 nhà sàn (trong đó có 1 nhà ông Lý Duy Xuân, con trai ông Lý Duy Thanh, hiện dùng để ở), 1 nhà lục giác, 4 nhà chòi; 1 nhà gỗ, tre, 1 nhà luyện tập thể thao; 1 nhà cấp 4; tự ý cho thuê dựng trạm BTS, thu gần 100 triệu đồng/năm; để Công ty TNHH Cánh Buồm Xanh do mình là thành viên sáng lập kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu đất Cánh Buồm là sử dụng không đúng mục đích, chưa đúng mục tiêu của phương án, vi phạm Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 4/3/2010 của UBND huyện Gia Lâm.
Những sai phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc ông Lý Duy Thành, em trai của ông Lý Duy Thanh. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của UBND xã Ninh Hiệp, là chủ phương án nhưng đã buông lỏng công tác quản lý, không thực hiện việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo đúng nội dung đã được UBND huyện phê duyệt; các đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện tiến hành kiểm tra nhưng báo cáo thiếu trung thực; Thanh tra Xây dựng huyện không tiến hành thanh tra để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý và báo cáo UBND huyện những vi phạm về trật tự xây dựng (TTXD), để hộ ông Lý Duy Thành vi phạm nghiêm trọng TTXD trên khu đất Cánh Buồm.
Cũng tại kết luận, UBKT Thành uỷ nhận định, ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Gia Lâm biết em trai là ông Lý Duy Thành, em gái là bà Lý Thị Thuỷ, con dâu là bà Nguyễn Thị Thu Hương trong Ban điều hành Công ty TNHH Cánh Buồm Xanh tự ý xây dựng nhiều công trình và sử dụng một số công trình trên khu đất Cánh Buồm không đúng phương án được UBND huyện phê duyệt trong thời gian dài, dựng tượng bố trong khu sinh thái, thiếu trách nhiệm trong quản lý để 2 cháu bé chết đuối thương tâm; để vợ cùng em trai tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống, để con trai ở trong nhà sàn tại khu Cánh Buồm là chưa làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên tại Khoản 3 Điều 2 điều lệ Đảng quy định đảng viên phải: “…tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, gây dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương và bản thân ông Thanh.
UBKT Thành uỷ cũng yêu cầu ông Lý Duy Thanh nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm đã nêu.
Ông Nguyễn Khắc Định, Chánh văn phòng Huyện uỷ Gia Lâm, cho biết: "Ông Lý Duy Thanh chỉ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm".
Liệu có “vùng cấm” xử lý sai phạm?
Ở một diễn biến khác, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Tô Hữu Vịnh, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng UBND huyện Gia Lâm, thừa nhận: “Để dự án Khu sinh thái Cánh Buồm Xanh xây dựng nhiều hạng mục sai phép và không đúng với quyết định phê duyệt phương án nâng cao hiệu quả sử dụng cho chủ đầu tư dự án khu sinh thái Cánh Buồm Xanh có phần trách nhiệm của Thanh tra xây dựng huyện. Trách nhiệm của chúng tôi là chưa kịp thời tham mưu cho UBND huyện để kiểm tra, giám sát dự án này”.
Về tiến độ xử lý các công trình sai phạm, người đứng đầu Đội thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tới hiện trường xác minh thông tin.
Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện trong tổng số 14 công trình được chủ đầu tư triển khai tại Khu sinh thái Cánh Buồm Xanh, chỉ có 6 công trình nằm trong quy hoạch cấp phép, 8 công trình còn lại được xác định xây sai phép.
Trước câu hỏi tại sao đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái xử lý các công trình sai phạm nêu trên, ông Vịnh trần tình: “Thanh tra xây dựng huyện không có chức năng trực tiếp xử lý các công trình sai phạm. Trước mắt, chúng tôi kiến nghị cấp trên giao UBND xã Ninh Hiệp yêu cầu chủ đầu tư dự án chấm dứt thực hiện các hoạt động dịch vụ không phù hợp với nội dung phương án được duyệt”.
Còn tại buổi làm việc với phóng viên ngày 8/7, ông Nguyễn Khắc Định, Chánh văn phòng Huyện uỷ Gia Lâm, cho biết: “Trong tuần tới, UBND huyện Gia Lâm sẽ báo cáo với Thường trực Huyện uỷ về những sai phạm tại dự án Cánh Buồm Xanh. Ngoài ra, Huyện uỷ cũng đã giao UBKT Huyện uỷ vào cuộc tiến hành xác minh những hành vi sai phạm của ông Lê Duy Thành”.
Trả lời phóng viên về việc Huyện uỷ đã có những hình thức kỷ luật gì đối với cá nhân ông Lý Duy Thanh?, ông Định cho biết: “Trong một cuộc họp trước đó, Thường trực Huyện uỷ đã yêu cầu ông Thanh viết bản kiểm điểm, rút kinh nghiệm và phê bình đồng chí Thanh và không đưa ra hình thức xử lý nào khác”(!?).
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Hàng loạt công trình sai phạm tại dự án Cánh Buồm Xanh:
Lê Duy
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.