Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 10 năm 2017 | 9:31

Trường THCS Dịch Vọng có vì học sinh thân yêu?

Nhiều phụ huynh có con em học tại Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy - Hà Nội) phải làm đơn “tự nguyện” xin chuyển trường đã phản ứng gay gắt về việc “gợi ý” này của nhà trường. Vì sợ con mình có được ở lại học cũng không mấy thuận lợi nên họ đành phải chấp nhận...

>> Bất thường tại Trường THCS Dịch Vọng!

Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 tại Trường THCS Dịch Vọng.

Những con số “biết nói”

Theo nhiều nguồn thông tin được nhóm phóng viên thu thập, việc “gợi ý” cho học sinh có học lực yếu kém “tự nguyện” chuyển trường diễn ra từ mấy năm nay tại Trường THCS Dịch Vọng.

Năm học 2015 - 2016, trường có hơn 80 em xin chuyển; năm học 2016 – 2017 hơn 85 học sinh chuyển trường;  năm học 2017 – 2018 là trên 50 học sinh “tự nguyện” chuyển trường trước khi bước vào năm học mới.

Điều khá bất ngờ và lạ lùng là, số học sinh này đều không đủ điều kiện lên lớp, phải thi lại, nhưng sau khi thi lại và được lên lớp thì gia đình có đơn “tự nguyện” chuyển sang trường dân lập để học tập với cùng một lý do là thuận tiện cho việc học tập của con hoặc gia đình chuyển chỗ ở.

Được biết, Trường THCS Dịch Vọng có số lượng học sinh khá đông, lên đến hơn 1.500 em. Nhà trường mới được đầu tư xây dựng mới thêm một đơn nguyên, mở rộng thêm phòng học để đáp ứng nhu cầu của học sinh trên địa bàn ngày một gia tăng.

Chính quyền thì quan tâm đến sự phát triển của giáo dục và thương hiệu của  trường, nhưng với việc mỗi năm nhà trường lại “gợi ý” để phụ huynh phải làm đơn tự nguyện chuyển trường cho con em sang các trường dân lập như vậy, liệu có đáp ứng được sự kỳ vọng của quận Cầu Giấy là đầu tư và xây dựng Trường THCS Dịch Vọng thành trường mạnh trong hệ thống giáo dục của quận?

Phụ huynh nói gì?

Nhóm phóng viên mất khá nhiều thời gian để tiếp cận các gia đình có con học tập tại Trường THCS Dịch Vọng phải chuyển sang một số trường dân lập khá xa. Thật buồn khi biết, gia đình các em hầu hết thuộc diện khó khăn, nhiều em cả bố và mẹ đều không có công ăn việc làm ổn định. Việc lo cho con học tập tại trường công lập theo đúng tuyến tuyển sinh đã khó, nay con chuyển trường vừa đi xa, vừa phải đóng góp nhiều hơn là một điều họ cần phải suy nghĩ.

Chúng tôi còn ngỡ ngàng hơn vì trong số những phụ huynh làm đơn xin chuyển trường cho con vì lý do phải chuyển nhà đều không đúng.

Một phụ huynh có con học khối 8, năm học 2017 – 2018, phải chuyển cho con sang Trường THCS H. (trường dân lập) cho biết: Nhà chúng tôi ở trên địa bàn phường Dịch Vọng, con đã học ở đây được 2 năm. Về sức học so với các bạn cùng trang lứa cũng có chậm hơn một chút. Năm học vừa qua (2016 – 2017), con không đủ điều kiện lên lớp phải thi lại.

Chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm mời ra trường thông báo về tình hình học tập của con. Cô giáo cho biết, nếu để con phải ở lại thì con sẽ không được lên lớp, còn nếu phụ huynh chuyển trường cho con sang trường khác thì nhà trường sẽ tạo điều kiện để trong đợt thi lại này con sẽ đủ điểm được lên lớp. Sau đó giáo viên chủ nhiệm đưa tôi lên gặp cô Phạm Thanh Bình, Phó hiệu trưởng nhà trường. Tại đây, sau khi nghe cô Bình trao đổi, chúng tôi về đành phải làm đơn xin chuyển cho cháu sang Trường THCS H..

“Biết con mình đi xa là vất vả, phải đóng góp nhiều hơn, cha mẹ lại phải làm việc nhiều hơn để lo cho con ăn học, nhưng vì thấy con mình không được lên lớp, gia đình không đành lòng. Hơn nữa, sợ làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường nên chúng tôi đành phải cho cháu chuyển trường”, vị phụ huynh này chia sẻ.

Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các trường trong hệ thống giáo dục được tính theo đầu học sinh, trong đó có tiền chi trả lương cho giáo viên và các khoản khác liên quan đến hoạt động dạy và học. Nếu con số học sinh như Trường THCS Dịch Vọng lên đến hơn 1.500 em thì nguồn kinh phí này là khá lớn.

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi quan tâm chính là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của chính quyền TP. Hà Nội, quận Cầu Giấy đối với các chủ nhân tương lai của đất nước đang bị Trường THCS Dịch Vọng tước đi quyền học tập của một số học sinh trong trường công lập.

Câu hỏi được dư luận đặt ra: Vì sao Trường THCS Dịch Vọng lại “gợi ý” để phụ huynh tự nguyện chuyển trường cho con? Học sinh học kém hay phương pháp giáo dục của nhà trường không phù hợp đối với trình độ của các em? Trường THCS Dịch Vọng có hết lòng vì học sinh thân yêu của mình?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc trên.

Nhóm PV

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top