Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2019 | 13:23

Trường THPT Chiêm Hóa: Tiếp nối truyền thống

Gần 60 năm qua, với nhiều thành tích đạt được, Trường THPT Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã tạo nên niềm tin, lòng tự hào cho thầy và trò nhà trường. Các thế hệ học sinh luôn vinh dự và tự hào vì trưởng thành từ  ngôi trường giàu truyền thống này.

tr14t.jpg

Đồng chí Phạm Minh Huấn - Chủ tịch UBND tỉnh dự Lễ khai giảng năm học 2019-2020 tại trường.

 

Trong mỗi bước đi của mình, trường THPT Chiêm Hóa không chỉ chú trọng đến hoạt động giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa mà còn đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cho học trò. Chính sứ mạng dạy chữ, dạy người ấy đã hun đúc cho trường một bề dày thành tích ổn định trong hệ thống trường THPT trên toàn tỉnh.

58 năm xây dựng, trưởng thành

Trường THPT Chiêm Hóa - nơi bồi dưỡng những tài năng tương lai, nơi học sinh được dạy dỗ đủ đức, đủ tài để rồi mỗi em một ước mơ lựa chọn cho mình một tương lai tươi sáng. Mới đó mà đã gần 60 năm kể từ khi thành lập (1961), với biết bao khó khăn, vất vả, thầy và trò nơi đây đã cùng nhau vun đắp, xây dựng, để rồi mãi tự hào về sự lớn mạnh của nhà trường trong suốt chặng đường phát triển.

Trưởng thành từ ngôi trường này, nhiều học sinh tiêu biểu đã và đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, có thể kể đến như: Bà Hà Thị Khiết, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, học sinh khóa 7 của trường năm học 1967-1970; ông Nguyễn Hữu Khảm, trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, học sinh khóa 4 năm học 1964-1967; ông Lê Văn Bằng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc… Và nhiều người con quê hương là cựu học sinh của trường làm rạng danh nơi vùng đất chiến khu cách mạng đã đi vào lịch sử dân tộc. Với niềm tự hào trong hơn nửa thập kỷ qua luôn nhắc nhở thầy và trò nhà trường sống, tu dưỡng, học tập, công tác xứng đáng với truyền thống vẻ vang của vùng đất Chiêm Hóa anh hùng.

58 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Trường THPT Chiêm Hóa luôn xác định việc nâng cao chất lượng, việc dạy và học là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược lâu dài, nhà trường luôn coi trọng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên, đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn lẫn đại trà. Xây dựng tốt các điều kiện để duy trì và phát triển chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, xây dựng dựng môi trường giáo dục lành mạnh, từng bước xây dựng nhà trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Nhiều thành quả đáng ghi nhận

Đến nay, cùng với sự chuyển mình vươn lên của giáo dục Tuyên Quang, học sinh Trường THPT Chiêm Hóa được học tập và rèn luyện trong môi trường được đầu tư cơ bản, đảm bảo cho việc học tập của  học sinh. Cơ sở vật chất nhà trường có 30 phòng học; phòng học chung 1 phòng; phòng máy tính cho học sinh 2 phòng; phòng thí nghiệm 3 phòng; phòng tổ chuyên môn 7 phòng… Hiện nhà trường có 61 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 8 thạc sỹ, đại học 54. Tổng số học sinh đầu năm học 2019-2020 này là 1.170 học sinh/30 lớp, đảm bảo tổ chức dạy và học theo chương trình, nội dung và phương pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, mấy chục năm qua, nhà trường đã nỗ lực vượt mọi khó khăn và từng bước vươn lên để giành được những thành quả đáng tự hào trong công tác dạy và học. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, chỉ tính năm học 2018-2019, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia đạt 97,2%; 87/129 học sinh đỗ đại học năm học 2019 - 2020, chiếm 64,4%; tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt 42 giải, có 5 học sinh được vào vòng chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

Thầy Hiệu trưởng Lâm Đình Hưng cho hay, trên thực tế, hoạt động của nhà trường vẫn còn không ít khó khăn như: Trình độ giáo viên không đồng đều, việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn ở một bộ phận giáo viên chưa tích cực, nhiều học sinh nhận thức chậm, nhà công vụ của giáo viên xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa…, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của nhà trường. Tuy vậy, những gì mà tập thể lãnh đạo cùng cán bộ, giáo viên Trường THPT Chiêm Hóa đạt được là cả một chặng đường dài vất vả, tất cả cũng vì một mục đích chung: giáo dục học sinh nên người, để các em trở thành người có ích cho xã hội, cống hiến, phục vụ vì sự phát triển của tỉnh Tuyên Quang cũng như đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top