Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 10 năm 2015 | 5:23

Trường THPT Lương Thế Vinh: Nhiều sai phạm?

Được coi là một trong những cái nôi đào tạo nhân tài của tỉnh Lâm Đồng nhưng Trường THPT Lương Thế Vinh (Đức Trọng) lại đang có nhiều sự việc khuất tất, gây bất bình trong đội ngũ giáo viên, khiến dư luận bất ngờ, học sinh và phụ huynh hoang mang, ảnh hưởng tới công tác dạy và học.

Bị tố... 16 sai phạm!

Trong đơn phản ánh gửi tới Báo Kinh tế nông thôn, Ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh bị tố tới 16 dấu hiệu có biểu hiện sai phạm, như: Cuối năm học 2014 - 2015, hiệu trưởng chỉ đạo bắt buộc điểm trung bình môn cuối năm của học sinh lớp 12 phải đạt từ 5.0 trở lên (mặc dù trong hội nghị cán bộ - viên chức đầu năm thống nhất chỉ tiêu ở lớp 12 không có môn nào đạt 100%, trừ môn Thể dục và Quốc phòng, thậm chí có nhiều môn chỉ tiêu khoảng 60 - 70%) với mục đích cộng vào điểm thi nhằm nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT. Đánh giá chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên chưa đúng quy trình, mang tính đối phó. Phân công công việc chưa hợp lý, mang nặng tính cá nhân; một số được cử đi học thạc sỹ nhưng không bố trí công việc phù hợp; giáo viên dạy tin học chuyển qua dạy toán trong khi giáo viên môn tin lại đang thiếu (phải hợp đồng người ngoài dạy), môn toán lại đang thừa giáo viên. Bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn không đúng quy trình, thiếu dân chủ trong nhiều năm, trù dập cá nhân…

Một trong những sổ điểm bị sửa khá nhiều của lớp 12A10 năm học 2014 - 2015 của Trường THPT Lương Thế Vinh.

Đổ lỗi cho nhau

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các sổ gọi tên và ghi điểm của các lớp 12 năm học 2014 - 2015 đều xuất hiện vô số các con điểm bị sửa một cách bất thường. Môn Hóa học học kỳ 2 của lớp 12A4 bị sửa 9 chỗ. Môn Ngữ văn của lớp 12A10 học kỳ 2 cũng có tới 15 chỗ sửa điểm. Ngoài ra, còn có nhiều sổ điểm của lớp khác cũng nằm trong tình trạng tương tự, kết quả học tập của học kỳ 2 năm học 2014 - 2015 bị sửa tràn lan.

Kết quả xếp loại học lực của khối 12 học kỳ 1 năm học 2014 - 2015 của nhà trường: toàn trường có 1.256 học sinh, trong đó khối 10 có 500 em (có 2 học sinh giỏi, đạt 0,4%; khá 95 em, đạt 19%; trung bình 207 em, đạt 41,4%; yếu 177 em, chiếm 35,4%; kém 19 em, chiếm 3,8%). Nhưng kết thúc học kỳ 2, thi xếp loại học lực của học sinh nhà trường tăng bất thường, đặc biệt là khối 12, toàn khối có 404 học sinh, trong đó học sinh đạt học lực loại giỏi có 7 em, chiếm 1,7%; loại khá 238 em, chiếm 58,91%; trung bình 159 em, chiếm 39,36%; không có học sinh xếp học lực yếu và kém.

Trao đổi với phóng viên sáng 12/10, ông Hồ Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, đổ lỗi: “Việc sửa điểm trong sổ điểm lớn nhà trường không có chủ trương vì đã đánh giá đúng thực chất của học sinh, điểm như thế nào đánh giá như thế ấy. Việc này là do giáo viên ghi sai nên họ sửa điểm cho học sinh đúng theo sổ điểm cá nhân; đến cuối học kỳ, cuối năm học người ta sao từ sổ điểm cá nhân qua sổ lớn. Việc sửa điểm là do giáo viên bộ môn và trách nhiệm là của họ”.

Nhưng đến chiều 12/10, ông Châu lại bao biện: “Việc chỉ đạo cải thiện điểm cho học sinh từ 5,0 điểm trở lên là do Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo (cụ thể là do thầy Ngọc, Giám đốc Sở) bằng cách cho ôn tập kiểm tra nhiều lần để cải thiện điểm số”. Tuy nhiên khi chúng tôi xin được xem văn bản chỉ đạo thì ông Châu bảo không có. Tại sao chỉ trong một ngày mà vị hiệu trưởng này có tới hai cách trả lời khó hiểu như vậy?

Còn đối với các giáo viên bộ môn, ông Trần Đình Tuấn, giáo viên dạy môn Lịch sử lớp 12A5 năm học 2014 - 2015 (một trong những giáo viên bộ môn sửa  điểm của học sinh lớp 12 nhiều nhất năm học đó), khẳng định: “Môn Lịch sử cũng có em này em kia, riêng lớp 12A5 môn Sử có em yếu hơn một chút. Thật sự lực học của các em cũng mức độ nhưng do nhà trường chỉ đạo cần phải cải thiện điểm cho các em trong quá trình học, để đạt được ­điểm 9, điểm 10 môn Lịch sử là rất khó nên giáo viên có quá trình cải thiện điểm cho các em bằng nhiều cách. Có bao nhiêu em phải làm lại bài kiểm tra, tôi không thể nhớ hết vì không phải tôi chỉ dạy mỗi lớp 12A5 mà còn nhiều lớp khác. Việc vào sổ điểm lớn không thể không có sai sót bởi vì có những lúc do sơ suất, việc nhìn lộn cột điểm này vào cột kia là không tránh khỏi. Tôi chịu trách nhiệm về những sai sót đó”.

Ông Nguyễn Thành Vĩnh, giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 12A10 năm học 2014 - 2015, cho hay: “Đối với học sinh lớp 12A10, thực tế lực học của các em chỉ ở mức trung bình, cũng có những em lười biếng hay kiến thức, kỹ năng còn yếu. Thời điểm cuối học kỳ 2, hôm đó chúng tôi đang chấm thi thì thầy hiệu trưởng phổ biến Sở chỉ đạo nên đề nghị anh em cố gắng cho 5 điểm để các em đạt đủ điểm xét tốt nghiệp. Tôi thấy việc kiểm tra cần có thời gian, tôi cũng có làm nhưng không thể hết được nên chỉ kiểm tra được một số, còn một số thì kiểm tra theo hình thức để có điểm”.

Phóng viên làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh.

Nghi vấn đáng ngờ

Đối với vấn đề bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, ông Châu cho biết: Học kỳ 2 năm học 2014 - 2015, trường bổ nhiệm thêm 8 tổ phó vì những lúc tổ trưởng đi vắng thì có tổ phó họp thay. Còn việc bổ nhiệm tổ trưởng tổ Ngữ văn là do thầy Hiếu xin thôi vì thầy bảo nếu làm hai năm không hoàn thành chỉ tiêu thì tôi xin nghỉ. Khi bổ nhiệm tổ trưởng tổ Văn mới thì cử tổ phó lên.

Thế nhưng, khi làm việc với phóng viên, ông Trương Phan Văn Hiếu, nguyên Tổ trưởng tổ Văn năm học 2014 - 2015 (khi đó có mặt cả ông Châu chứng kiến), khẳng định: Tôi không hề xin nghỉ vì xin nghỉ thì tôi sẽ có đơn. Khoảng tháng 8/2015, thầy Hiệu trưởng đọc quyết định bổ nhiệm tổ trưởng mà không phải tôi. Hơn nữa, tôi không nhận được thông báo về vấn đề bãi nhiệm chức vụ tổ trưởng mặc dù khi đảm nhiệm chức tổ trưởng, tôi có quyết định và đọc trước hội đồng nhà trường. Khi bổ nhiệm tổ trưởng mới, bản thân tôi cũng như nhiều thành viên trong tổ thực sự bất ngờ, tôi không hề được thông báo hay góp ý về việc này.

Mặt khác, một số văn bản của Ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh cũng có những nghi vấn đáng ngờ.  Lịch sử phân công chuyên môn của tổ Lý qua các năm học 2012 - 2013, 2013 - 2014, 2014 - 2015 do nhà trường cung cấp không hề có bất cứ một chữ ký của các cá nhân có liên quan hay đóng dấu của trường mà chỉ là văn bản khống; danh sách phân công làm công tác xét kết quả lên lớp của các học sinh thi lại hè 2015 cũng không hề có mặt của một vị tổ trưởng hay tổ phó chuyên môn nào.

Trao đổi với phóng viên xung quanh đơn tố cáo Trường THPT Lương Thế Vinh, ông Huỳnh Quang Long, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Tôi vừa dự hội nghị công nhân viên chức của Trường THPT Lương Thế Vinh  và cũng đã nghe những phản ánh này, tôi đã chỉ đạo trường làm rõ những vấn đề đó. Sau hội nghị, tôi yêu cầu trường phải có buổi đối thoại với giáo viên và mời lãnh đạo sở tới dự. Sở sẽ xử lý theo quy định nếu những gì trong đơn là đúng sự thật”.

Nhóm PV Bắc miền Trung

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top