Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển người và nhiên liệu đến các trạm phát sóng, trong thời điểm mưa lụt hiện nay, xe ứng cứu và xử lý thông tin còn hỗ trợ hàng trăm người dân đi lại mỗi ngày.
Hoàn thành nhiệm vụ ứng cứu và xử lý
Mưa lớn xuất hiện những ngày qua đã khiến nhiều địa điểm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bị chia cắt cũng vì vậy nguồn điện ở nhiều nơi gặp sự cố. Để duy trì sự hoạt động, các trạm phát sóng của VNPT Thừa Thiên - Huế phải chạy máy nổ để phát điện. Dẫu vậy, những chiếc máy nổ phát điện không thể duy trì liên tục trong thời gian dài, do đó phải có nhân sự liên tục tiếp tế nhiên liệu và xử lý các sự cố.
Được biết, Trung tâm viễn thông Huế (VNPT Thừa Thiên - Huế) có gần 30 trạm phát sóng. Để hoạt động của các trạm này không bị gián đoạn, những ngày qua, 20 nhân công và nhiều phương tiện phải hoạt động 24/24 để tiếp tế xăng, dầu và khắc phục sự cố.
Nhiều nhân viên của Trung tâm viễn thông Huế cho biết, đã 05 ngày liên tục kể từ khi có mưa lớn họ chưa về nhà. Việc ứng phó với mưa lụt ở nhà đều do vợ con và người thân của họ tự xoay xở.
Giám đốc VNPT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Nhật Quang cho biết, về cơ bản, đơn vị duy trì hoạt động thông tin liên lạc theo phương châm tại chỗ. Có nghĩa, các Trung tâm trực thuộc của đơn vị sẽ chủ động xử lý các sự cố trên địa bàn đã được giao. Tuy nhiên, trong trường hợp thiên tai như thời điểm hiện tại, đơn vị sẽ linh động để bố trí nhân sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các Trung tâm trực thuộc. Đặc biệt là những vùng đang bị ngập lụt nặng như huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền…
Ông Quang chia sẻ, những ngày qua đội Ứng cứu và xử lý thông tin của VNPT Thừa Thiên - Huế phải làm việc liên tục 24/24 vì các trạm phát sóng ở những vùng ngập lụt hầu hết bị mất điện buộc phải sử dụng máy phát điện. Tuy nhiên, do phải chạy liên tục khiến máy phát điện dễ gặp sự cố nên đội ứng cứu phải liên tục có mặt để xử lý.
Cũng theo ông Quang, phương tiện di chuyển để thực hiện việc ứng cứu và xử lý thông tin chủ yếu vẫn là xe tải gắn cẩu vì gầm xe cao có thể di chuyển được trong nhiều đoạn đường ngập nước và hỗ trợ nhân lực trong việc bốc dỡ nhiên liệu. Ngoài ra, một số do đường bị ngập sâu có thể đơn vị phải thuê ghe, thuyền để đưa thiết bị đến các trạm phát sóng. Công tác này diễn ra rất vất vả, có những người 4 - 5 ngày liền không thể về nhà.
Xe ứng cứu và xử lý thông tin vô tình trở thành “xe buýt”
Nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước vì mưa lớn khiến người dân gặp nhiều khó khăn nếu phải đi lại. Thời điểm này, nhiều người dân phải xử dụng đến ghe, thuyền, thậm chí có những người phải “cuốc bộ” hàng km để đến địa điểm mình cần đến. Không ít người đi bộ đã may mắn được chiếc “xe buýt” bất đắc dĩ cho đi nhờ.
“Xe buýt” đang nói đến ở đây vốn dĩ là những xe Ứng cứu và xử lý thông tin của VNPT Thừa Thiên - Huế đang đi tiếp tế nhiên liệu và xử lý sự cố tại các trạm phát sóng. Trên đường đi thực hiện nhiệm vụ của mình, các thành viên của đội ứng cứu cho người dân đi cùng miễn phí (nếu thuận đường).
Chiều ngày 12/10, may mắn được đi nhờ “xe buýt”, một nam thanh niên cho biết, anh đang làm việc tại thành phố Huế nhưng có việc gấp phải về quê (Hà Nội). Vì bến xe phía Bắc (thành phố Huế) đang bị ngập trong nước nên anh phải ra đầu thành phố để đón xe. Nếu không được đi nhờ “xe buýt” này thì không biết khi nào anh mới có thể đến điểm đón xe về quê.
Kể về chuyện cho người dân đi nhờ trên đường, một thành viên trong đội Ứng cứu và xử lý thông tin Trung tâm viễn thông Huế (VNPT Thừa Thiên - Huế) cho biết, những ngày mưa lụt vừa qua, ước tính mỗi ngày có khoảng 100 lượt người đi nhờ xe này. Mỗi lần thấy người dân cần đi nhờ họ đều vui vẻ hỗ trợ.
“Một trường hợp đi nhờ xe chúng tôi kể lại, ông ấy có mẹ già ở tại phường Kim Long. Nhà mẹ ông ấy bị ngập sâu trong nước nên mỗi ngày ông đều phải đi bộ vài km trong đó có nơi ngập sâu trong nước để đưa cơm cho mẹ”, thành viên đội ứng cứu kể lại.
Người này ấn tượng với một trường hợp là vợ chồng từng đi nhờ xe ứng cứu để đến bệnh thành phố Huế thăm người thân. Ngày hôm sau khi gặp lại vợ chồng ấy, các thành viên của đội ứng cứu thấy họ mang theo rất nhiều đồ ăn đưa lên trao cho người thân và những người đang điều trị cùng người thân của họ.
Tiếp câu chuyện của mình, thành viên của đội ứng cứu kể lại: “Nghe vợ chồng ấy nói là, tại đó (bệnh viện thành phố Huế) đang bị cô lập vì nước ngập nên nhiều người (kể cả người nhà và người đang điều trị) mỗi bữa chỉ được 01 gói mì tôm để ăn. Vợ chồng ấy thấy vậy nên sau khi về nhà đã tự bỏ tiền mua đồ nấu ăn mang lên cho những người đang ở bệnh viện”.
Anh Nhân (37 tuổi), tài xế lái xe Ứng cứu và xử lý thông tin của VNPT Thừa Thiên - Huế cho biết, trong hơn 10 năm làm việc tại đơn vị anh đã cùng đồng nghiệp trải qua nhiều lần thiên tai nhưng việc ứng phó với mưa lụt đợt này là một trong những lần đáng nhớ nhất.
“Xe này chạy khá chậm vì sợ nước tạt vào nhà dân và phải đảm bảo an toàn cho các đồng nghiệp đang ngồi phía sau thùng không có mái che. Khi nhận thấy người dân cần đi nhờ, chúng tôi sẽ tìm vị trí phù hợp để cho họ lên xe. Chỗ nào được phép dừng xe và gần chỗ cần đến của họ nhất chúng tôi lại dừng lại cho họ xuống. Mấy ngày nay người dân đi nhờ xe chúng tôi liên tục. Xe này giờ như “xe buýt””, anh Nhân hài hước chia sẻ.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.