Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 14 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 7 năm 2014 | 9:59

Tu bổ cầu Hòa Hậu – Mỹ Phúc: Trên bảo dưới không nghe!

KTNT – Mặc dù UBND huyện Lý Nhân và Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam đã có công văn chỉ đạo xã Hòa Hậu thực hiện tu bổ cầu phao Hòa Hậu – Mỹ Phúc đảm bảo an toàn cho người dân đi lại và chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, sự việc đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. 

Lờ chỉ đạo
Theo thông tin ông Trần Bá Sơn, xóm 12, xã Hòa Hậu phản ánh đến Báo Kinh tế nông thôn, cầu Hòa Hậu - Mỹ Phúc dài khoảng 100m, rộng 2m, không có lan can bảo đảm an toàn, đe dọa tính mạng của người qua cầu, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra ở đây. Ông cũng có đơn thư nhiều lần gửi các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan của tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Công văn chỉ đạo của UBND huyện Lý Nhân.

Trước sự việc trên, UBND huyện Lý Nhân có Công văn số 98/TB-UBND ngày 23/11/2012, thông báo kết quả tiếp công dân Trần Bá Sơn ngày 20/11/2012.
Cụ thể: “UBND huyện giao UBND xã Hòa Hậu phối hợp với UBND xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định xem xét làm rõ việc thu vé cầu đối với người đi xe đạp và sửa chữa cầu để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại qua cầu”. Đồng thời nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra tai nạn, UBND hai xã phải chịu trách nhiệm”.
Sau khi nhận được đơn đề nghị của người dân ngày 22/12/2011, ngày 10/1/2012, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nam có công văn gửi UBND xã Hòa Hậu với nội dung: “Hiện trạng cầu hẹp và yếu, hàng năm không được quan tâm sửa chữa, cầu không có lan can đảm bảo an toàn giao thông, không có hệ thống báo hiệu đèn chiếu sáng ban đêm, biển báo hiệu đường thủy, phao cứu sinh, bảng niêm yết giá vé và giờ mở khoang thông thuyền đúng như phản ánh của công dân. Để đảm bảo an toàn giao thông cho người, phương tiện qua lại và có cơ sở trả lời công dân về mức thu phí, đề nghị UBND xã Hòa Hậu làm rõ nguồn vốn xây dựng cầu, đồng thời chỉ đạo giải quyết các tồn tại nêu trên…”.
Tuy nhiên, sự việc đến nay đã gần hai năm vẫn chưa được thực hiện và người dân đang phải hằng ngày đối mặt với những ẩn họa từ cây cầu có thể gây ra. 

Dân gánh hậu quả

Ông Trần Bá Sơn bức xúc: “Cầu không đảm bảo an toàn, công văn của cấp trên đề nghị UBND xã Hòa Hậu giải quyết xong trước ngày 1/6/2012, song đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Người dân thì nơm nớp khi qua cầu, nhất là ban đêm. Chẳng nhẽ, chính quyền lại không quan tâm đến sự an nguy  tính mạng của người dân?”.

Hiện trạng cây cầu vắt vẻo qua sông.

Được biết, khoảng giữa năm 2013, hai chị Trần Thị Chiến, Trần Thị Yên đều ở xóm 16 (xã Hòa Hậu), trên đường đi chợ về bị rơi cả người lẫn xe hàng xuống sông; hay chị Trần Thị Hải bị rơi xe máy đang chở vải xuống sông…, rất may là các chị chỉ thiệt hại về tài sản.
Gần đây nhất, khoảng 18 giờ ngày 19/7/2014, chị Trần Thị Thanh (SN 1979), ở xóm 5, xã Hòa Hậu trên đường đi chợ từ Mỹ Phúc (Mỹ Lộc - Nam Định) về bị ngã xuống cầu, giập hai quả thận và lá lách, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. 
Ông Trần Doãn Lựa, bố chị Thanh lo lắng cho con nhưng cũng bức xúc bởi cách hành xử của chính quyền sở tại thờ ơ trước sự an nguy tính mạng của người dân: “Con tôi qua cầu bị ngã, xe máy đè lên người, tính mạng đang bị đe dọa. Đã bao năm nay, không ít người rơi xuống sông, dân chúng tôi kêu chính quyền cũng nhiều nhưng toàn thất vọng?!”.
Việc UBND xã Hòa Hậu chây ỳ, không thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Lý Nhân, sở, ban ngành liên quan dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. 
Trách nhiệm của chính quyền sở tại như thế nào? và vì sao lại chậm trễ trong việc tu sửa cầu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân? 
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc./.
Nhất Nam – Trung Hiếu

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top