Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 7 năm 2021 | 15:11

Tuyên Quang đẩy mạnh phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8

Tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan diện rộng.

 Công nhân Trại gà Ỷ La (TP Tuyên Quang) phun thuốc khử trùng cho đàn gà giống, (ảnh: BTQ).

 

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm (CGC). Phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, tổ chức tiêm phòng và tiêm bổ sung vắc xin CGC cho đàn gia cầm đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn có nguy cơ.

Tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (các địa bàn giáp ranh, địa phương đã từng xảy ra dịch CGC...) để gửi Cục Thú y xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh và kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút CGC, chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8.

Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan Thú y. Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

UBND huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh cúm gia cầm, kịp thời phát hiện, xử lý nhanh khi có ổ dịch mới phát sinh. Nghiêm cấm không được giấu dịch. Chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương

Hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh kịp thời phát hiện, báo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn xử lý, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi, trang trại bằng vôi bột, hóa chất; thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo lịch cho đàn gia cầm.

Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển buôn bán gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, không có nguồn gốc vào địa bàn; quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trên địa bàn và yêu cầu không mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin CGC đảm bảo theo kế hoạch; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở cơ sở; chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp tổng hợp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo quy định.

Khi có dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch theo quy định của Luật Thú y. Sở Y tế chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top