Nhằm nâng cao giá trị của lĩnh vực chăn nuôi, những năm gần đây ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã và đang chú trọng đảm bảo nguồn cung và nâng cao chất lượng con giống, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chất lượng và hiệu quả sản xuất ngành Chăn nuôi phụ thuộc quan trọng vào chất lượng nguồn con giống. Việc chủ động được nguồn giống là điều kiện rất thuận lợi để ngành Nông nghiệp có thể quản lý được đồng bộ chất lượng sản xuất ngay từ đầu vào, qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc sản xuất, cung ứng nguồn con giống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hiện, chỉ có các cơ sở sản xuất giống trong ngành Thủy sản trên địa bàn tỉnh là cơ bản đáp ứng được nhu cầu con giống còn các ngành chăn nuôi, số lượng các cơ sở sản xuất giống còn khá hạn chế.
Cùng với đó, chưa có nhiều đơn vị đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống trong nông nghiệp; tình trạng con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ đưa vào trong sản xuất vẫn diễn ra. Một số hộ dân mua con giống trôi nổi từ các thương lái bán rong, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch của cơ quan chức năng dẫn đến giảm chất lượng, hiệu quả sản xuất… Do vậy, việc đầu tư vào các cơ sở sản xuất giống có chất lượng luôn được quan tâm.
Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang là đơn vị cung cấp nguồn giống thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh, những năm qua trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng con giống bảo đảm chất lượng cho nhu cầu phát triển nuôi cá hàng hóa cho người dân. Mỗi năm, trung tâm cung cấp ra thị trường khoảng 80 triệu con cá bột (cá con mới đẻ) và 32 triệu con cá giống các loại và 6 vạn con cá đặc sản đảm bảo chất lượng. Năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên trung tâm đã phải tính toán, bổ sung thêm thức ăn từ cám ngô, cám gạo, cỏ, rau… để giảm bớt chi phí dầu vào.
Ông Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, để có nguồn cá giống chất lượng, từ tháng 9 năm trước, chúng tôi đã tuyển chọn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ, cung cấp đủ dinh dưỡng và căn cứ vào tình hình thời tiết để cho sinh sản. Điểm khác biệt rõ nét so với trước đây là không để cho cá sinh sản tự do mà chúng tôi sẽ tiến hành tiêm thuốc kích thích quá trình sinh sản nhằm tạo ra những mẻ cá giống vào đúng thời điểm mong muốn.
Ông Thông cho biết thêm, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, chúng tôi còn xuất bán sang các tỉnh bạn như: Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ… Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm chậm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì sản xuất đảm bảo đủ số lượng và chất lượng phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Tại Tuyên Quang hiện nay tỉnh ta đã không chế thành công dịch tả lợn châu Phi. Để đảm bảo nguồn lợn thịt cung cấp ra thị trường, nhiều hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tái đàn. Trong đó, các tiêu chí về số lượng và chất lượng lợn giống luôn được người nuôi đặt lên hàng đầu.
Chị Nông Thị Hằng, thôn Phiêng Rào, xã Năng Khả (Na Hang) cho biết, hiện nay, chị đang duy trì 6 con lợn nái và 40 con lợn con. Đàn nái này hiện đang duy trì việc cung cấp lợn giống cho gia đình chị và một số hộ khác trong thôn. Hiện nay các hộ dân khác cũng khá dè chừng trong việc tái đàn, từ sau dịch tả lợn châu Phi giá lợn giống lên rất cao, nếu không có lợn nái của gia đình thì chị cũng không biết phải mua lợn giống ở đâu.
Để đảm bảo ngành Chăn nuôi phát triển bền vững, người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm nguồn gốc con giống, tiêm đầy đủ vắc-xin phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi, con giống. Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất con giống có chất lượng, cung chấp cho người nuôi. Làm được điều này thì chất lượng nguồn giống được đảm bảo và ngành Chăn nuôi sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.