Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 4 năm 2022 | 23:10

Tuyên Quang tập trung chăm sóc lúa xuân

Sản xuất vụ xuân ở Tuyên Quang tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới ổn định là điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Hiện, trà lúa chính vụ đang bước vào giai đoạn đứng cái, bà con nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, diện tích lúa xuân trà chính vụ đang kết thúc giai đoạn đẻ nhánh, bước vào thời kỳ đứng cái, làm đòng. Đây là thời điểm rất quan trọng để chăm sóc, bón thúc để cây lúa có đủ dưỡng chất nuôi dảnh cái và các dảnh con trong quá trình phân hóa đòng và nuôi đòng, quyết định số hạt/bông. 

Có 3 sào lúa tạp giao đang trong thời kỳ đứng cái, thắt eo, dự tính lúa sẽ bật đòng vào cuối tháng 4, bà Lưu Thị Xuân, thôn Cây Thọ, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, gia đình đã bón kết hợp vừa đủ 3 loại phân gồm đạm, lân và kali để cung cấp dưỡng chất cho cây lúa trong quá trình làm, nuôi đòng. Hy vọng sẽ được đón lứa đòng lúa xuân đúng như ý nguyện, chắc bông, cây khỏe không bị đổ rạp khi gặp phải những trận mưa kèm theo gió lớn vào cuối tháng 4 và tháng 5. 

 Người dân xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn) tập trung chăm sóc lúa xuân năm 2022.

 

Hiện nay,  nông dân xã Phú Thịnh (Yên Sơn) cũng đang thực hiện 2 nhiệm vụ là bón bổ sung phân cho lúa và thực hiện phòng trừ sâu, bệnh hại đảm bảo cho cây lúa trỗ đòng đều. Ông Nguyễn Thành Long, thôn Oăng cho biết, hiện 1 số chỏm lúa của gia đình xuất hiện bệnh đạo ôn trên lá, dù diện tích nhiễm chưa nhiều nhưng gia đình đã mua thuốc đặc trị và thực hiện phun phòng trừ ngay để hạn chế bệnh lây lan.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chăm sóc lúa xuân, huyện Yên Sơn đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã, khuyến nông huyện bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tư vấn trưc tiếp cho nông dân về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, bón phân cân đối hợp lý, tập trung diệt chuột.

Bảo đảm cho vụ xuân bội thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung làm cỏ cho lúa, giữ mực nước vừa đủ, ổn định trên chân ruộng; thực hiện bón phân để đón đòng với lượng 2 - 3 kg kali và khoảng 0,5 - 1 kg ure/sào, nếu lúa sinh trưởng và phát triển kém bà con cần bón thêm khoảng 0,5 - 1 kg đạm. Ngoài bón phân, bà con chú ý làm sạch cỏ bờ để hạn chế sâu hại trú ngụ và gây hại khi lúa trỗ đòng. 

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, cho biết, thời kỳ lúa làm đòng rất mẫn cảm trong khi thời tiết đang chuyển mùa, trời âm u, số giờ nắng ít tạo điều kiện cho sâu, bệnh hại như bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu phát sinh gây hại. Khi phát hiện các đối tượng sâu, bệnh hại bà con nên sử dụng một số loại thuốc Regent 800WG, Actara 25WG, Padan 95SP, và Oturs 5SC...

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên bao bì và đảm bảo thời gian cách ly phù hợp để tránh lãng phí và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đối với bệnh đạo ôn là bệnh nguy hiểm nhất cho cây lúa trong thời kỳ này, bà con cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện dấu hiệu bệnh, thực hiện phun ngay các loại thuốc Lúa vàng 20 WP, Trizole 20WP, Nativo750 WG... để phòng trừ hiệu quả. 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top