KTNT - Ngày 14/3/2017, UBND huyện Lý Nhân (Hà Nam) ra Văn bản số 265/UBND-VP về việc tăng cường quản lý nguồn thu ngân sách các xã, thị trấn trên địa bàn. Ngay sau khi ban hành, đã có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, nhiều người còn tỏ ra bức xúc với yêu cầu “các cá nhân, tập thể khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải áp giá thực tế”.
Văn bản số 265/UBND-VP của UBND huyện Lý Nhân.
Trong Văn bản số 265/UBND-VP của UBND huyện Lý Nhân có đoạn: Trước khi cán bộ chuyên môn trình ký các văn bản liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn kiểm tra lại giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nếu không sát với giá thực tế thì không ký văn bản và có ý kiến với Văn phòng công chứng số 3 hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các cơ quan: Chi cục Thuế, Phòng công chứng số 3, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Lý Nhân, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp hướng dẫn các xã, thị trấn quy trình xác định giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đảm bảo không để thất thu, lọt nguồn thu…
Để rộng đường dư luận, đảm bảo khách quan về dư luận trái chiều của Văn bản 265/UBND-VP của UBND huyện Lý Nhân, phóng viên đã trao đổi với các cơ quan chuyên môn huyện Lý Nhân.
Ông Vũ Văn Nam, Đội trưởng Đội thuế thu nhập cá nhân, trước bạ và thu khác của Chi cục Thuế huyện Lý Nhân, cho biết, cơ quan thuế làm đúng như các văn bản quy định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, cụ thể, giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.
“Chúng tôi chỉ bám sát thực hiện đúng các Thông tư hướng dẫn, nếu giá thấp hơn so với quy định của UBND tỉnh thì áp theo giá quy định của UBND tỉnh(Quyết định 50); còn giá cao hơn so với quy định thì áp theo giá trị hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng. Theo quy định, nhận đủ hồ sơ sau 3 ngày làm việc, chúng tôi sẽ chuyển cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để làm các thủ tục tiếp theo để hoàn tất thủ tục việc chuyển nhượng”, ông Nam nói.
Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh.
Ông Khổng Giang Hải, Trưởng văn phòng công chứng số 3, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, cho biết: “Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và Luật Công chứng, yêu cầu các bên tham gia giao dịch phải trung thực, đúng giá, đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên khi giao dịch. Phòng công chứng căn cứ vào văn bản của các cơ quan chức năng liên quan đến người tham gia giao dịch. Chỉ có Tòa án mới có thể hủy hợp đồng khi thấy hợp đồng đó vi phạm pháp luật hoặc các bên tham gia giao dịch mới có quyền xin hủy hợp đồng giao dịch. Phòng công chứng không có quyền hủy hợp đồng giao dịch và không có chức năng thẩm định về giá”.
Từ khi Văn bản 265/UBND-VP của UBND huyện Lý Nhân ban hành, xuất hiện nhiều thông tin trái chiều như: ai, cơ quan nào quy định đánh giá đất ở từng vị trí thời gian trao đổi chuyển nhượng; phải chăng Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh không có hiệu lực ở huyện Lý Nhân?
Văn bản 265 có hợp tình, hợp lý, đúng quy định, đúng pháp luật và sẽ gây khó khăn cho người tham gia giao dịch như thế nào, báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.
Trung Hiếu
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.