Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 6 năm 2016 | 9:35

UBND phường Khương Mai có che dấu sai phạm?

Sau khi Báo Kinh tế nông thôn đăng bài: “Nhiều công trình trên phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn vi phạm trật tự xây dựng”, UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) đã có Công văn 160/UBND phản hồi nội dung báo nêu.

>> Nhiều công trình trên “phố kiểu mẫu” Lê Trọng Tấn vi phạm trật tự xây dựng

 Công văn 160/UBND của UBND phường Khương Mai gửi Báo Kinh tế nông thôn.

Theo Công văn 160/UBND, thực tế đến thời điểm hiện tại, dọc đường Lê Trọng Tấn có 4 dự án của các đơn vị đang triển khai thuộc Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân. Ngoài ra, còn 4 công trình nhà ở riêng lẻ tại các địa chỉ 46, 208G, 218 Lê Trọng Tấn và số 2 ngõ 228 Lê Trọng Tấn (nay là phố Trần Điền).

Bên cạnh thừa nhận các công trình trên vi phạm về vệ sinh môi trường đúng như báo nêu, UBND phường Khương Mai cho rằng, chính quyền cơ sở đã lập hồ sơ và ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trước thời điểm báo thông tin.

Qua kiểm tra thực tế vào chiều 8/6, dọc vỉa hè phố Lê Trọng Tấn vẫn để khá nhiều vật liệu xây dựng.

Tại thời điểm phóng viên trực tiếp tiếp cận hiện trường và quan sát, các công trình trên vẫn để la liệt vật liệu xây dựng tràn xuống lòng đường, vỉa hè. Bà Tâm,  người dân phường Khương Mai, cho hay, trước hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường được người dân phản ánh, cán bộ phường Khương Mai chỉ xuống nhắc nhở rồi xử phạt cho có, chứ chưa triệt để. “Sau khi kiểm tra, phường vẫn để người dân đổ vật liệu ra vỉa hè, chứ có thấy quay lại nhắc nhở tiếp gì đâu”, bà Tâm nói. Như vậy, có thể thấy, việc UBND phường “giải trình” với báo về xử lý vi phạm môi trường là chưa trung thực, thiếu cầu thị tiếp thu, cách làm việc mang tính đối phó?!

Theo Giấy phép xây dựng số 286-2016/GPXD, công trình số 208G Lê Trọng Tấn chỉ được cấp phép 5 tầng. Tuy nhiên, thực tế, chủ đầu tư đang xây vượt phép 1 tum thang.

Về các dấu hiệu vi phạm kết cấu công trình tại số 208G Lê Trọng Tấn, trong bài báo trước, phóng viên dẫn lời ông Đặng Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Khương Mai. Vị cán bộ này cho biết, công trình 208G Lê Trọng Tấn trước đây có 2 tầng, chủ nhà gần đây tiếp tục cơi lên thành 5 tầng. “Về số tầng thì không sai. Trước khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư về nguyên tắc đã sai phạm khi chưa tiến hành làm thủ tục thẩm định móng”, ông Tuấn thừa nhận.

Là lãnh đạo cơ sở, thay mặt cấp trên chăm lo mọi mặt đời sống người dân, thế nhưng, đứng trước vấn nạn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong thi công công trình như trường hợp trên, ông Tuấn lại cho rằng: “Chủ đầu tư đã có cam kết chịu trách nhiệm về an toàn công trình”. Chưa nói đến việc tại buổi làm việc với phóng viên, vị phó chủ tịch này không cung cấp được bản cam kết đó. Lời biện minh như trên của vị cán bộ phụ trách kinh tế đô thị phường Khương Mai phải chăng đã làm tròn trách nhiệm? Nói trường hợp công trình trên chưa được thẩm định mà vẫn cơi nới, nếu có sự cố đáng tiếc xảy ra, ông Tuấn phải chăng vin vào bản cam kết đó để “phủi” trách nhiệm, lỗi khi đó thuộc về người dân?

Trước nhiều ý kiến của người dân cho rằng công trình 218 Lê Trọng Tấn có dấu hiệu sai phép, Phó chủ tịch UBND phường Khương Mai phủ nhận điều đó, khẳng định công trình này không có vấn đề gì?!

Đối với công trình số 218 Lê Trọng Tấn, Giấy phép xây dựng bổ sung số 460-2015/GPXD(BS) cấp 6 tầng + bán hầm và tum che thang. Không chỉ thi công sai mật độ, trong khi đang thi công các tầng trên, chủ công trình này vẫn tiến hành bày bán hàng hóa dưới tầng 1. Việc mất an toàn này đã được nhiều khách hàng phản ánh, thế nhưng phường Khương Mai lại cho rằng “chuyện đó chẳng có gì lớn mà phải xử lý”.

Phó chủ tịch UBND phường Khương Mai từ chối bình luận về tính pháp lý kết cấu công trình số 2 ngõ Trần Điền.

Không chỉ các công trình mặt tiền phố Lê Trọng Tấn mà nhiều ngôi nhà khác nằm phía trong hẻm cũng vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, công trình số 2 Trần Điền, mặc dù chỉ được cấp phép 5 tầng và tum nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên xây lên thành 6 tầng, vật liệu để tràn ra vỉa hè. Mặc dù công trình trên được hô biến “tum” thành một tầng hoàn chỉnh nhưng Phó chủ tịch UBND phường Khương Mai trong công văn trả lời báo vẫn cho rằng điều đó không sai. “Chủ đầu tư trong khi thi công tầng tum đã thu hẹp diện tích tầng tum so với giấy phép để làm giàn hoa trang trí sân thượng”.

Tiếp nhận thông tin trên, bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân, cho biết: “Khi nào quận sắp xếp được lịch làm việc thì sẽ báo lại. Nếu phát hiện sai phạm, dù là nhỏ nhất, quận cũng sẽ xử lý nghiêm cán bộ phường Khương Mai”, bà Khánh khẳng định.

Vấn đề vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô hiện nay đang diễn ra khá phức tạp, điều này đã được lãnh đạo thành phố đề cập trong các kỳ họp. Đặc biệt, đường Lê Trọng Tấn được quy hoạch là tuyến phố mẫu, không thể có chuyện châm chước sai phạm. Thiết nghĩ, các ngành chức năng của thành phố và quận Thanh Xuân sớm vào cuộc, giải quyết dứt điểm sai phạm trên.

Ban bạn đọc

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top