Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của người dân xã Phú Cường (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) phản ánh việc UBND xã này ngang nhiên cho doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp ven sông Hồng để chứa vật liệu xây dựng buôn bán kiếm lời.
Công ty TNHH Tiến Thành Hưng Yên (do ông Công Văn Thạch đứng ra là chính) tập kết cát không phép.
“Cát tặc” lộng hành…
Là xã giáp ranh giữa TP.Hưng Yên và huyện Kim Động, xã Phú Cường được quy hoạch là một trong những nơi chứa vật liệu xây dựng của TP.Hưng Yên. Chính bởi vậy mà nơi đây quy tụ nhiều doanh nghiệp tới thuê bến bãi để kinh doanh mặt hàng này. Có thể kể đến như Công ty Hoàng Anh, Công ty Vinacomax, Công ty Sông Hồng…
Đây là những doanh nghiệp hàng năm phải thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng như cam kết bảo vệ môi trường, đóng thuế, phí tài nguyên, trả tiền thuê đất hàng năm… bởi họ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cũng như có hợp đồng thuê đất dài hạn để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây nông nghiệp ven sông thành đất phi nông nghiệp.
Bên cạnh những doanh nghiệp kể trên còn có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng địa hình, địa thế ngang nhiên tập kết và kinh doanh không phép vật liệu xây dựng trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý.
Điển hình là bãi tập kết cát trái phép của ông Công Văn Thạch trên diện tích khoảng 2ha trải dài từ mép sông ăn sâu vào bên trong bãi khoảng 200m. Theo trình bày của ông Thạch, hiện ông đang hoàn thiện các thủ tục để xin cấp phép theo quy định của pháp luật.
Có mặt tại địa điểm này, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng nghìn mét khối cát đã được tập kết, công nhân đang gấp rút xây dựng nhà điều hành bến bãi. Điều đáng nói là, ngoài việc chứa cát trên đất nông nghiệp trái phép, ông Thạch còn bị tố cáo là “cứ tối đến lại cho người đào đất lên mang sang bán cho các lò gạch để lấy chỗ đất trống bơm cát vào”.
Ngày hút cát, đêm đào đất đi bán?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Văn Bạo, Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường, cho biết: “Đất được xã cho thuê trả tiền năm một, được phép chứa cát sỏi nhưng không được phép xúc đất đi bán, không xây dựng các công trình kiên cố và các công trình khác trên đất khi chưa có giấy phép. Nếu phát hiện ra chúng tôi sẽ hủy hợp đồng ngay”.
Còn ông Đào Mạnh Cường, cán bộ địa chính xã khẳng định, cả 5 đơn vị thuê đất của xã đều làm bến chứa vật liệu xây dựng. Trong đó, đơn vị thuê ít nhất là 1,7ha, nhiều nhất là 5ha. Để minh chứng cho việc này, ông Cường cung cấp cho phóng viên một bản hợp đồng thuê đất ký giữa UBND xã - Bên A với Công ty TNHH Tiến Thành Hưng Yên - Bên B (đơn vị đứng ra ký hợp đồng làm bình phong cho ông Công Văn Thạch).
Nội dung hợp đồng ghi rõ: Bên A đồng ý cho Bên B thuê đất thùng đào lò gạch cũ thuộc khu vực đầu bãi để cải tạo, san lấp sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm thuộc quỹ đất công ích do UBND xã quản lý. Bên B được sử dụng toàn bộ diện tích (khoảng 2ha) để sản xuất nông nghiệp và làm bến tập kết vật liệu xây dựng khi được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thế nhưng trên thực tế, Công ty TNHH Tiến Thành Hưng Yên (thực tế là, ông Công Văn Thạch đứng ra là chính) đã cho tập kết hàng nghìn mét khối cát, đào xúc nhiều khối đất mang đi. Bản thân ông Thạch khi được hỏi cũng thừa nhận hiện tại vẫn đang hoàn thiện các thủ tục để xin cấp phép. Còn việc xúc đất mang đi bán thì ông không thừa nhận.
Như vậy có thể thấy trong vụ việc này, một bên là các doanh nghiệp hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, còn một bên lập lờ tranh tối tranh sáng. Điều này sẽ khiến cho thị trường kinh doanh tại khu vực này trở nên méo mó.
Đề nghị UBND TP.Hưng Yên, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng vào cuộc làm rõ vụ việc.
Duy Cảnh
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.